Hà Nội: Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên
Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực được xem như là một nhiệm vụ quan trọng đối với giáo dục và đào tạo Hà Nội, Thành phố cũng dành những chính sách quan tâm đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Trước nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển Thủ đô, trong hơn 10 năm trở lại đây, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội thực hiện tốt công tác dự báo, điều chỉnh, xây dựng và phê duyệt quy hoạch cán bộ quản lý cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các cơ sở giáo dục công lập các giai đoạn: 2010-2015, 2015-2020, 2021-2026 và 2026-2031.
Nhiều chương trình, kế hoạch, quyết định để phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Thủ đô đã được ban hành như: Chương trình 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020"; Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, phát triển nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội văn minh thanh lịch giai đoạn 2021-2025"; Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 31/7/2021 về việc thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, phát triển nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội văn minh thanh lịch giai đoạn 2021-2025;
Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 10/12/2014 về đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên, giảng viên dạy nghề các trường dạy nghề công lập thuộc Thành phố giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 2315/QĐ-UBND ngày 17/4/2017 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 19/01/2022 về việc thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giai đoạn 2021-2026; Quyết định số 1698/QĐ-UBND ngày 19/5/2022 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Đề án: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức Thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030...
Song song với đó, việc điều chỉnh, xây dựng, phê duyệt quy hoạch và thực hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ quản lý được các cấp quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công bằng và công khai theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với đội ngũ giáo viên, để chủ động tạo nguồn giáo viên, Thành phố đã quan tâm, chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các sở, ngành liên quan thực hiện chính sách đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo để thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo yêu cầu về chất lượng trên địa bàn Thủ đô, Thành phố đã thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2021-2030" và Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông mới; Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 19/01/2022 về thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 2021-2026.
Để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Thành phố đã nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và thực hiện đào tạo gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về số lượng, đảm bảo cơ cấu và chất lượng giáo viên mầm non, phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; đổi mới mô hình, phương thức đào tạo giáo viên, từ khâu tuyển sinh đến nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo giáo viên theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp, gắn liền việc đào tạo trong các trường sư phạm với hoạt động thực tiễn tại các trường học; thực hiện đào tạo giáo viên theo cơ chế đặt hàng; cơ cấu lại hệ thống cơ sở giáo dục để sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có; đổi mới cơ chế tuyển dụng, sử dụng giáo viên theo hướng linh hoạt để các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được bố trí đủ định mức giáo viên theo quy định; không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên.
Thành phố triển khai đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông bảo đảm yêu cầu Chương trình GDPT năm 2018; có cơ chế thu hút các nhà quản lý, giáo viên giỏi trong và ngoài nước, người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ làm việc tại các cơ sở giáo dục và các cơ quan quản lý giáo dục trên địa bàn Thành phố.
Từ năm 2017 đến 2022, Thành phố đã quan tâm, bố trí nguồn kinh phí thực hiện công tác bồi dưỡng đại trà về dạy Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trong ngành giáo dục và đào tạo: Năm 2017: 25,7 tỷ đồng; năm 2018: 46,2 tỷ đồng; năm 2019: 54 tỷ đồng; năm 2020: 9,5 tỷ đồng; năm 2021: 36 tỷ đồng; năm 2022: 10 tỷ đồng.
Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, Thành phố đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo mời các tổng chủ biên và các chuyên gia giáo dục trực tiếp giảng dạy các chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông 2018 cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của Thành phố; phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có uy tín ở trong nước và nước ngoài cử chuyên gia giáo dục của các nước sang Việt Nam để bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của Hà Nội và cử cán bộ quản lý và giáo viên của Hà Nội đi đào tạo, bồi dưỡng, học tập, trao đổi kinh nghiệm về quản lý giáo dục và phương pháp giảng dạy ở các nước có nền giáo dục phát triển trong khu vực và trên thế giới như: Australia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Thành phố đã thực hiện sắp xếp, quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập, kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác quản lý giáo dục.
Thành phố cũng thực hiện chuyển các trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội quản lý; hợp nhất Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp và Trung tâm dạy nghề thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX trực thuộc quản lý của UBND các quận, huyện, thị xã; giải thể Trường Trung cấp sư phạm Mẫu giáo - Nhà trẻ Hà Nội; chia tách, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ các phòng thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội...). Việc hợp nhất các trung tâm, giải thể trường, cơ cấu lại bộ máy tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phù hợp với các quy định của pháp luật, của ngành giáo dục và đào tạo, tình hình thực tế của Hà Nội góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác giáo dục và đào tạo Thủ đô.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và sự chủ động, tích cực tham mưu của ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội, đến nay, công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của Hà Nội đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý và giáo viên của Hà Nội cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đảm bảo về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.