Hà Nội nâng chuẩn dạy nghề đáp ứng nhu cầu thị trường
Công tác đào tạo nghề tại Hà Nội đang được đổi mới mạnh mẽ, gắn với nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
Giáo dục nghề nghiệp chưa được chú trọng
Hà Nội hiện có 353 đơn vị hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 202 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (68 trường cao đẳng, 84 trường trung cấp, 50 trung tâm giáo dục nghề nghiệp) với 19 trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc thành phố. Đây là hệ thống chủ đạo để đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia trực tiếp vào thị trường lao động, sản xuất.
Trong nhiều năm qua, giáo dục nghề nghiệp tại Hà Nội chưa thực sự được chú trọng đúng mức, dẫn tới tình trạng mất cân đối trong lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học của học sinh. Trong khi thị trường lao động đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực kỹ thuật tay nghề cao, phần lớn học sinh vẫn đổ xô vào đại học - con đường vốn được xem là “danh giá” của xã hội.
Thực tế cho thấy, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này bắt nguồn từ tâm lý “sính” bằng cấp đã ăn sâu vào nhận thức của nhiều thế hệ phụ huynh và học sinh. Tấm bằng đại học vẫn được xem là thước đo của thành công, là con đường để “đổi đời”, trong khi học nghề lại bị cho là “lựa chọn thứ yếu”. Hệ quả là nhiều học sinh dù không có năng lực vẫn cố gắng thi đại học, để rồi không ít người phải làm trái ngành, hoặc ra trường không có việc làm.
Bên cạnh đó, việc đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp còn thiếu đồng bộ, cơ sở vật chất ở nhiều trường nghề còn lạc hậu, đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Một số chương trình đào tạo không sát với nhu cầu thị trường khiến học sinh và phụ huynh “kỳ thị” hiệu quả của việc học nghề.
Trong khi đó, xu hướng của thị trường lao động đang cần những người làm được việc hơn là những người có bằng nhưng thiếu kỹ năng, doanh nghiệp tuyển dụng và phải đào tạo lại.
Trước thực trạng này, vừa qua, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2035”.
Đề án đã đề ra nhóm nhiệm vụ trọng tâm như nâng cao nhận thức về giáo dục nghề nghiệp; phát triển đội ngũ cán bộ, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó là liên kết và hợp tác quốc tế, đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo, nhằm nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Trường nghề từng bước “chuyển mình”
Trao đổi với phóng viên, ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội - nhìn nhận, đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn cởi mở hơn, để học sinh có thể đi con đường phù hợp nhất từ cánh cửa trường nghề.
Ông Ngọc cho biết: “Hiện thực hóa chủ trương nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhà trường từng bước chú trọng điều chỉnh chương trình đào tạo, liên kết đặt hàng của doanh nghiệp. Nhà trường cũng vừa vận hành trung tâm Glovia Center để hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trao cơ hội cho sinh viên học tập, nghiên cứu và làm việc tại các quốc gia có nền kinh tế và công nghệ phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Ba Lan. Vì thế các em yên tâm rằng học cao đẳng vẫn có thể hội nhập quốc tế”, ông Ngọc nói.

Thầy trò khoa Động lực – Tiểu ban Công nghệ ô tô với bài giảng “Sửa chữa mạch điện cảm biến nhiệt độ khí nạp”. Ảnh: Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Ảnh: NTCC
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Glovia Center - cho biết, đơn vị này được thành lập mang trong mình sứ mệnh chiến lược là phát triển và hội nhập trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mà còn mở ra những cơ hội quốc tế rộng lớn cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Xa hơn nữa, khuyến khích và chào đón những người con ưu tú này, sau thời gian tích lũy kinh nghiệm quốc tế, sẽ trở về quê hương, mang theo tri thức và kỹ năng tiên tiến, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển vì một Việt Nam thịnh vượng, chung tay hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao trong kỷ nguyên mới.
Cũng theo đại diện Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, sau khi tốt nghiệp, sinh viên được hỗ trợ trong việc tìm kiếm việc làm tại doanh nghiệp với mức lương từ 15-25 triệu đồng/tháng.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, bên cạnh việc tuyển chọn đầu vào sinh viên, tuyển giảng viên có năng lực, vấn đề xây dựng chương trình đào tạo là yếu tố then chốt.
Phân tích kỹ hơn về điều này, bà Nga cho biết: Nhà trường chú trọng việc hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo từ khâu xây dựng chương trình, đến tạo môi trường cho sinh viên thực tập và tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho các em. Việc phối hợp đào tạo với các doanh nghiệp theo phương thức đặt hàng cũng sẽ đảm bảo được đầu ra cho sinh viên, quan trọng là phù hợp với nhu cầu, tránh việc doanh nghiệp nhận sinh viên nhưng không làm được, phải đào tạo lại rất mất thời gian và công sức.

Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội là cơ sở giáo dục nghề nghiệp đầu tiên tại Hà Nội triển khai Phòng thực hành kiểm tra chất lượng theo mô hình thực tế tại các doanh nghiệp. Ảnh: NTCC
"Ngoài ra, về việc tuyển giảng viên, chúng tôi luôn có chính sách thu hút đội ngũ nhà giáo có năng lực, trình độ, tay nghề cao vào giảng dạy. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực, kỹ năng cho lãnh đạo quản lý và đội ngũ nhà giáo”, bà Nga cho hay.
Bà Nga cho biết thêm, năm 2025 Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội đã đưa nội dung chuyển đổi số trong đào tạo và quản trị doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm. Đây là nền tảng phát triển những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo vào hoạt động đào tạo hướng tới từng bước nâng cao chất lượng.
Những bước “chuyển mình” từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Hà Nội đang dần khẳng định giáo dục nghề không còn là “lựa chọn thứ yếu” mà cũng là lựa chọn đầy triển vọng. Với sự đầu tư chiến lược, sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, giáo dục nghề nghiệp Thủ đô đang chuyển mình mạnh mẽ, góp phần đào tạo ra đội ngũ lao động có kỹ năng, sáng tạo và sẵn sàng hội nhập quốc tế.