Hà Nội nâng mức tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập (Kỳ 1)
Thời gian qua, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP Hà Nội đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp tăng nguồn thu, tự bảo đảm chi, góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị mình. Bên cạnh đó, có không ít đơn vị còn thiếu chủ động hoặc lúng túng, hoang mang trước ngưỡng cửa tự chủ. Thực tế này đòi hỏi có những giải pháp, cơ chế tháo gỡ kịp thời, để các đơn vị sự nghiệp công lập dần tự đứng được trên đôi chân của mình.
Bài 1: Chủ động, mạnh dạn tiến tới tự chủ
Gần đây, một số đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa của TP Hà Nội đã chủ động tìm hướng tự chủ tài chính. Nhiều giải pháp tổng thể đã được các đơn vị triển khai, nhưng giải pháp chính vẫn là nâng cao chất lượng hoạt động, đổi mới tư duy, tạo nguồn thu để có thể chủ động chi.
Nâng cao chất lượng dịch vụ
Với mức thu học phí khoảng 5 triệu đồng/tháng, cao gấp nhiều lần so với học phí của trường công lập đại trà, nhưng năm học nào, Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) vẫn có tới hơn 1.000 học sinh theo học. Không những thế, trường còn thuộc tốp những trường có điểm chuẩn đầu vào cao trong khu vực. Từ một trường bán công chuyển sang tự chủ tài chính hoàn toàn từ năm 2008 đến nay, ngôi trường vẫn vững vàng phát triển, được công nhận là trường THPT chất lượng cao. Tất cả là nhờ việc khẳng định chất lượng đào tạo.
Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa Hà Xuân Nhâm chia sẻ, chuyển sang tự chủ tài chính hoàn toàn, mọi khoản chi tiêu của trường đều phụ thuộc vào khoản thu duy nhất là học phí. Do đó, nhà trường xác định, phải thu hút học sinh bằng việc nâng cao chất lượng dạy và học. Nhà trường đã tuyển chọn và phát triển đội ngũ giáo viên đạt trình độ, đáp ứng yêu cầu. Trong quá trình dạy học, các giáo viên luôn có sự đánh giá, theo dõi của Hội đồng nhà trường, toàn thể giáo viên, học sinh và phụ huynh. Mỗi năm hai lần, nhà trường tổ chức lấy ý kiến đóng góp của học sinh, phụ huynh về các giáo viên, giúp các thầy giáo, cô giáo điều chỉnh, hoàn thiện hơn.
Đáng lưu ý, mức lương giáo viên nhận được dựa theo năng lực và kết quả đánh giá này. Mức thu nhập cao nhất hiện nay của giáo viên lên tới 35 triệu đồng/tháng. Cách làm khoa học, khách quan đó đã khuyến khích được đội ngũ giáo viên tâm huyết, đào sâu chuyên môn và chịu khó đổi mới phương pháp dạy. Bên cạnh việc bảo đảm các chương trình, kế hoạch của ngành giáo dục, trường còn chủ động, sáng tạo phát triển các chương trình liên kết, ngoại khóa, hội thảo, thực hiện tích hợp liên môn, đổi mới phương thức dạy và học, bổ sung thêm nhiều môn học như văn hóa đọc, tin học văn phòng MOS, kỹ năng sống, các môn thể thao... nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện hơn.
Cũng lựa chọn đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng để có thể tự chủ vững vàng, nhiều bệnh viện (BV) ở Hà Nội như: Tim Hà Nội, Hòe Nhai, Xanh-Pôn, Phụ sản, Ung bướu Hà Nội… đã thực hiện chuyển đổi thành công mô hình tự chủ tài chính. Trong đó, nổi bật nhất là BV Tim Hà Nội. Để có thể tự chủ tài chính hoàn toàn, BV Tim Hà Nội đã xác định yếu tố cơ bản là phải thay đổi tư duy, cách làm. GS, TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV chia sẻ, đơn vị đã đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, từ mô hình “BV là trung tâm” sang “người bệnh là trung tâm”, từ cung cấp những dịch vụ BV có sang cung cấp những thứ người bệnh cần.
Với tinh thần phục vụ người bệnh, BV đã điều chỉnh lại quy trình khám, chữa bệnh, cắt giảm những thủ tục rườm rà, không cần thiết; sắp xếp lại hoạt động của các đơn vị bảo đảm việc khám, chữa bệnh được liên thông theo cơ chế “một cửa”, tạo thuận lợi tốt nhất cho người bệnh và người nhà. BV đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, y bác sĩ có chuyên môn giỏi, tạo môi trường làm việc tốt nhất để người lao động phát huy năng lực, sở trường; gắn với đánh giá thành tích, bổ nhiệm và khen thưởng đúng người, đúng việc.
Nhờ sự thay đổi này, từ mức thu dịch vụ y tế cả năm 2005 đạt 22,5 tỷ đồng, đến nay mức thu đã tăng hơn 50 lần, đạt 1.139 tỷ đồng vào năm 2018. Giá trị tài sản ban đầu của BV từ 50 tỷ đồng, hiện đã tăng lên 277 tỷ đồng. Mỗi năm, bệnh viện tiến hành khám, chữa bệnh cho khoảng 350 nghìn lượt người dân Hà Nội và hơn 70 nghìn lượt người từ các tỉnh, thành phố khác. GS, TS Nguyễn Quang Tuấn cho biết thêm, từ chỗ chỉ tự chủ về tài chính, từ năm 2017, đơn vị được giao tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, được Chính phủ và Ban Kinh tế T.Ư lựa chọn nghiên cứu để nhân rộng mô hình ra toàn quốc. Thu nhập của cán bộ, công nhân viên BV đang ở mức cao nhất trong khối các BV công lập của Hà Nội hiện nay.
Thêm động lực để phát triển
Đặt trong tình thế phải “tự bơi” khiến không ít đơn vị sự nghiệp công lập e ngại, nhưng với tâm thế và sự chủ động, nhiều đơn vị lại thấy tự chủ chính là động lực thúc đẩy phát triển. Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, cơ chế tự chủ là động lực cho đơn vị đa dạng hóa các hoạt động. Từ khi được giao tự chủ tài chính (năm 2017), trung tâm không còn thuần túy làm nhiệm vụ quản lý, bảo tồn di tích, mà đã chủ động triển khai các hoạt động như hội thảo, triển lãm, sự kiện văn hóa gắn liền với việc phát huy những giá trị của di tích. Đơn cử như khu vực hồ Văn, trước đây thường đóng kín, bỏ không, nhưng nay khu vực này đã “hồi sinh” thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Riêng năm 2018, tại khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra sáu cuộc hội thảo, tám triển lãm trưng bày. Qua đó cũng tạo thêm được nguồn thu, không chỉ giúp bảo đảm chi thường xuyên 100%, mà còn góp phần tăng thu nhập cho người lao động.
Từ tự chủ về chi thường xuyên, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập của Hà Nội còn chủ động tiến tới tự chủ về chi đầu tư. Đại diện BV Phụ sản Hà Nội cho biết, từ khi được tự chủ vào năm 2017, lãnh đạo đơn vị xác định, việc trang bị mới các thiết bị y tế phải xem xét ở mức cao hơn tiêu chuẩn thế giới. Riêng năm 2018, BV đã đầu tư 81 tỷ đồng mua sắm thiết bị mới. Năm 2019 dự kiến sẽ đầu tư thêm 172 tỷ đồng để nâng cao chất lượng cơ sở vật chất. Cũng nhờ tự chủ về tài chính, BV đã có chính sách riêng, linh hoạt hơn để thu hút nhân tài, bác sĩ giỏi về làm việc. Như với bác sĩ nội trú, khi về công tác tại BV sẽ được tặng 100 triệu đồng tiền mặt; bác sĩ nội trú trình độ tiến sĩ được tặng 200 triệu đồng... Các cơ chế này đã giúp BV thu hút được nguồn nhân lực tốt, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị T.Ư 6 (khóa XII) ngày 25-10-2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, TP Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành các kế hoạch triển khai.
Đến cuối năm 2017, thành phố có 2.575 đơn vị sự nghiệp, nhưng mới có 100 đơn vị tự chủ. Năm 2018, có thêm 19 đơn vị tự chủ, đáp ứng tiến độ, kế hoạch đề ra. Căn cứ tình hình thực tế, thành phố đã làm việc với từng đơn vị, sở, ngành, tiến hành rà soát và lập danh sách 199 đơn vị sẽ tự chủ trong thời gian từ nay đến năm 2021. Trong đó có ba đơn vị sẽ tự chủ loại 1 (tự bảo đảm toàn bộ chi đầu tư và chi thường xuyên); 196 đơn vị tự chủ loại 2 (tự bảo đảm chi thường xuyên). Như vậy, nếu hoàn thành kế hoạch này, đến năm 2021, Hà Nội sẽ có 299 đơn vị tự chủ, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết 19-NQ/TW đề ra là 10%.
(Còn nữa)