Hà Nội nên có đường phố mang tên danh nhân Nguyễn Viết Thứ
Mai Quận công Nguyễn Viết Thứ, người làng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, là một nhà khoa bảng lừng lẫy một thời, là vị quan chính trực, thanh liêm được người cùng thời và hậu thế ca ngợi.
Một đời quyền cao, chức trọng
Ông Nguyễn Viết Thứ (1644 - 1692) là con trai của tiến sĩ Nguyễn Văn Quảng, Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm 14 tuổi, Nguyễn Viết Thứ dự thi Hương đỗ Sinh đồ, năm 17 tuổi đậu Hương cống và năm 21 tuổi ông dự kỳ thi Hội đậu Đình nguyên - Hoàng giáp.
Ngay sau khi đỗ, ông được lĩnh chức Hàn lâm viện hiệu lý, tham gia soạn Đại Việt sử toàn thư bản kỷ tục biên. Cuộc đời cống hiến cho đất nước của ông trải qua nhiều cương vị, từ Nội tán Binh phiên Thủy sư, Hiến sát sứ Thanh Hóa, đến Thiêm đô Ngự sử, Bồi tụng.
Năm 31 tuổi (1673), ông đỗ thứ hai khoa Đông các, khoa dành cho những người đã đỗ đầu trong các kỳ thi, được thăng chức Đông các Học sĩ. Sau đó, ông lĩnh chức Đốc đồng Cao Bằng. Năm 1681 ông được phong Hồng Lô tự khanh và làm chánh sứ sang Tàu.
Trở về ông được thăng Tả thị Lang Bộ Công rồi Tả thị Lang Bộ Hình, tước Mai Sơn nam. Năm 1685 thăng Tả Thị lang Bộ Lại, chuyên trách việc soạn thảo, nhuận sắc văn thư ngoại giao với nhà Minh, đồng thời làm phụ tá cho Tấn Quang Vương. Năm 45 tuổi, ông được thăng chức Tham tụng (Tể tướng) Thượng thư Bộ Hình. Ông qua đời năm 49 tuổi, được phong tặng Thiếu bảo Mai Quận công, Thượng trụ quốc, thượng trật.
Trải qua nhiều quyền cao, chức trọng như vậy nhưng cả đời ông cống hiến cho đất nước, cho triều đình “trong trắng tựa băng mai, ngọc tảo, tiết tháo trung trinh như kiên bách trường tùng”, không một vết bụi mờ. Đức tính này đã được sử gia Phan Huy Chú ghi chép trong “Lịch triều Hiến chương loại chí”; và Ngô Cao Lãng ghi chép trong “Lịch triều tạp kỷ”.
Gia phả họ Nguyễn cũng ghi lại câu chuyện cho thấy sự chính trực của ông. Có người mang hai dật bạc đến nhờ ông Huyện thừa là em vợ của ông để xin một chức quan nhỏ. Ông vô tư xem xét bổ nhiệm.
Khi được đăng ký vào sổ quan rồi người ấy mới đến tạ ơn và nói: “Hân hạnh được như điều mong muốn, xin đội ơn quan lớn vô cùng”. Ông thấy lạ mới tra hỏi kỹ, người kia đành phải nói thật. Ông bèn gọi ông Huyện thừa đến trách mắng là kẻ dối trá, khinh nhờn phép nước, bắt phải trả lại số bạc đó và xóa tên kẻ cầu cạnh khỏi sổ quan để làm gương cho những kẻ luồn lọt.
Một đời thanh bạch, đơn sơ
Mặc dù làm quan lớn của triều đình, cha lại đương chức Tế tửu Quốc tử giám nhưng ngôi nhà của gia đình ở Sơn Đồng vẫn nhà tranh vách đất, rất đơn sơ thanh bạch. Vì thế, mới có ngôi nhà “nhất dạ tri ân” nổi tiếng.
Năm 1685, khi ông làm Tả thị Lang Bộ Lại thì xảy ra việc Trấn thủ Sơn Tây là Nguyễn Công Triều vì mượn voi của triều đình về kéo đất đắp đê, dẫn đến voi chết. Theo lệ, người làm chết voi phải đền lượng bạc tương đương trọng lượng của voi, nếu không sẽ bị tội. Trấn thủ Nguyễn Công Triều đã dành hết lương bổng giúp dân làng đắp đê, xây dựng đền miếu, đường sá nên không thể có số bạc đó để bồi thường.
Tả thị lang Nguyễn Viết Thứ đã khéo léo thưa với Định Nam vương Trịnh Căn rằng quan Trấn thủ mượn voi cũng vì nghĩa công, gia sản cũng đã hiến tặng hết cho dân làng. Nếu bắt tội quan Trấn thủ thì triều đình đã mất một voi chiến, nay lại mất thêm một công thần cả đời trung quân, ái quốc. Chúa nghe ông tâu bày có tình có lý nên tha tội cho quan Trấn thủ.
Để bày tỏ lòng biết ơn, lấy lý do nhà quan Tả thị lang đơn sơ quá, quan Trấn thủ xin biếu ngôi nhà làm nơi thờ cúng tổ tiên và lưu lại tình thân. Từ chối nhiều lần không được, Tả thị lang tìm cách từ chối khéo rằng nếu nhà làm xong một đêm thì mới nhận. Ông Trấn thủ đang dựng ngôi nhà gỗ lim sắp xong bèn đưa đến Sơn Đồng và dựng trong một đêm xong ngôi nhà năm gian hai chái. Ngôi nhà tồn tại hơn 300 năm nay vẫn còn nguyên vẹn ở làng Sơn Đồng.
Giữ mình cẩn thận, thanh liêm, chính trực như thế nên nhà đông người, nhiều khi ông phải mượn tiền tạm ứng lương bổng từ quốc khố, có khi phải vay tạm người ngoài. Vì thế, sau khi ông tạ thế, Chúa Trịnh ban chỉ dụ miễn hết những khoản vay của ông ở quốc khố. Riêng số tiền nợ bên ngoài, ai có văn tự mang đến trình cửa phủ, có con trai ông xác nhận thì quan công khố chiểu theo văn tự đó trả hết.
Ông có con trai là Nguyễn Công Phái, tước Toàn Nhuận hầu, Hoài viễn tướng quân, Đô chỉ huy sứ ty; một con trai là Tự thừa Chính Bảo tự; con rể là Phạm Quang Trạch, đỗ bảng nhãn khoa thi năm Quý Hợi (1683), đã từng giữ chức Hữu Thị lang Bộ Lễ, tác giả cuốn Nam chưởng kỷ lục về mối bang giao giữa Đại Việt và Ai Lao… Con cháu ông nhiều người hiển đạt.