Hà Nội: Nếu giải ngân vốn đầu tư công chậm thì có thể sẽ không tiếp tục giao vốn
Để đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công và đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022, Hà Nội đề xuất nhiều giải pháp đủ mạnh và áp chế tài trong quá trình thực thi.
Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa XVI. Ảnh: Nam Khánh
Chiều ngày 5/7, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 7 HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND TP. Hà Nội đã tổ chức 5 tổ thảo luận về 4 nhóm nội dung tập trung thảo luận, trong đó có vấn đề giao kế hoạch vốn đầu tư công và kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của thành phố; tình hình triển khai và tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng (QSD) đất trên địa bàn thành phố.
Cần chốt thời điểm duyệt giá sàn
Về thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, các đại biểu góp ý kết quả thực tế đấu giá quyền sử dụng đất của Hà Nội trong 6 tháng chưa đạt mục tiêu. Một số đại biểu cho rằng, kết quả trúng đấu giá phụ thuộc nhiều vào thị trường bất động sản, vì thế thời điểm duyệt giá sàn rất quan trọng để bảo đảm mức thu cao cho ngân sách. Các địa phương đề nghị, thời gian tới, UBND thành phố có sự chỉ đạo quyết liệt về nội dung liên quan đến thời điểm chốt giá sàn, bảo đảm hiệu quả đấu giá đất ở mức tối ưu.
Trên địa bàn Hà Nội có 143 dự án/khu đất với tổng diện tích 87,6ha đã đủ điều kiện giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng, hiện các quận huyện đang chuẩn bị các thủ tục để thực hiện đấu giá.
Bên cạnh đó, kết quả trúng đấu giá phụ thuộc rất nhiều vào thị trường thời điểm mở phiên, để đảm bảo minh bạch khách quan, việc duyệt giá sàn để đảm bảo tính khả thi thu được nhiều về cho ngân sách cần được chú trọng.
Theo Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt, chậm đấu giá quyền sử dụng đất sẽ gây ảnh hưởng đến thực hiện các nhiệm vụ chính trị của quận, huyện, nên cần tìm ra những nguyên nhân, giải pháp căn cơ, bởi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tham mưu cho chính quyền thành phố ủy quyền cho các quận, huyện nhưng với bộ máy hiện nay, các địa phương thực hiện có thể tiếp tục chậm…
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Bùi Duy Cường, tính đến 30/6, các đơn vị đã tố chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 33 dự án, với tổng diện tích khoảng 5,87ha. Số tiền trúng đấu giá khoảng 1.955,95 tỷ đồng; đã thu được 3.106 tỷ đồng, đạt 25% chỉ tiêu thu ngân sách 2022, trong đó số thu từ năm 2021 chuyển sang là 1.991 tỷ đồng.
Phối cảnh Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: TL
Sẽ không giao vốn cho đơn vị giải ngân chậm
Liên quan vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, các đại biểu cũng đề nghị có tổ công tác đủ mạnh, phát huy hiệu quả hơn trong thực hiện công tác này của thành phố và có giải pháp đủ mạnh để áp chế tài trong thực hiện giải ngân.
Phát biểu tại thảo luận tổ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, liên quan thực hiện kế hoạch đầu tư công, tới đây bổ sung cho Dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô cần nguồn lực rất lớn, một loạt dự án lớn hiện nay đòi hỏi các cơ chế chính sách để đảm bảo triển khai… nên vừa làm vừa phải cân đối để đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra từ đầu nhiệm kỳ.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, giải ngân thấp chủ yếu do dịch bệnh, giá vật tư nguyên liệu đầu vào… nhưng rõ ràng công tác tham mưu chỉ đạo điều hành trong tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các đơn vị cần xem lại. Vì thế, thời gian tới, UBND thành phố sẽ quyết liệt trong lĩnh vực này, nếu đơn vị nào thực hiện vốn ngân sách của thành phố chậm thì cần xem xét năm sau không tiếp tục giao vốn.
"Tới đây cần tính toán toàn bộ các vấn đề liên quan phê duyệt kế hoạch đấu thầu, dự án nào không hoàn thành theo tiến độ thì phải xem xét lại trách nhiệm, đơn vị nào không thực hiện thanh toán theo mốc thời gian yêu cầu thì cũng cần xem lại trách nhiệm chủ đầu tư… Thành phố sẽ chấn chỉnh để làm sao thông suốt trong cả hệ thống, giải quyết những tồn tại trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công" - ông Quyền nói.
Tại các tổ thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, UBND thành phố cần tập trung chỉ đạo quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa trong triển khai các dự án đầu tư công, các công trình trọng điểm để nâng cao tỷ lệ giải ngân. Đồng thời, thành phố khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô.
Ngoài ra, liên quan các dự án vốn ngoài ngân sách, để thu hút đầu tư, cần rà soát lại để thúc đẩy thì mới góp phần phát triển kinh tế. Trong đó cần tạo điều kiện tháo gỡ cho những dự án chậm triển khai, với những dự án mà năng lực chủ đầu tư quá kém thì kiên quyết thu hồi.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn, tính đến ngày 30/6/2022, toàn thành phố giải ngân được 10.777 tỷ đồng, đạt 21,1% kế hoạch; cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tới đây, các chủ đầu tư lập kế hoạch giải ngân cụ thể và cam kết với thành phố về kết quả giải ngân theo từng dự án, từng tháng, từng quý và chịu trách nhiệm toàn diện trước thành phố về kết quả giải ngân các dự án.
Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đường vành đai 4
Ngày 5/7, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2915-QĐ/TU về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội. Theo đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, làm Trưởng ban. Thành phố cũng mời đại diện các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh tham gia ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội theo đúng nghị quyết của Quốc hội khóa XV, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm tổng thể, đồng bộ, tiến độ, chất lượng.