Hà Nội, ngân sách có 'làm xiếc' với điệp khúc lát đá vỉa hè?
Nhiều tuyến đường ở TP Hà Nội lại đang được 'đào bới' để chỉnh trang, cải tạo vỉa hè.
Hoạt động “đào lên - lấp xuống” diễn ra thường xuyên với thời gian thi công kéo dài đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Đảo lộn vì vỉa hè
Ghi nhận của GD&TĐ chiều 23/11 cho thấy, nhiều tuyến đường phố của Thủ đô như: Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Giảng Võ… đang được thi công cải tạo, lát lại đá vỉa hè. Những tuyến đường giao thông huyết mạch này của Thủ đô, hiện tại chẳng khác đại công trường với ngổn ngang vật liệu xây dựng.
Anh Nguyễn Tuấn Anh làm việc tại khu vực số 138 Giảng Võ (phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, việc lát đá vỉa hè tại khu phố Giảng Võ đã diễn ra từ nhiều ngày qua.
“Dịp cuối năm mật độ giao thông đông đúc, việc cải tạo vỉa hè khiến khu vực phố Giảng Võ bụi bẩn và thêm ùn tắc. Quán kinh doanh mặt đường có vỉa hè được cải tạo phần lớn chịu ảnh hưởng ô nhiễm và phiền phức về tiếng ồn...”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Người dân sống trong khu vực cho rằng, Giảng Võ là tuyến phố kinh doanh mật độ dân số đông vì nhiều chung cư song vỉa hè chỉ để phục vụ chính việc đỗ xe.
“Cứ thấy có biển trông xe là ô tô vào đỗ kín. Việc đỗ xe trên vỉa hè khiến người đi bộ vất vả lách qua thậm chí đi xuống lòng đường. Còn xe máy lúc nào lòng đường đông là lao hết lên vỉa hè, người đi bộ gặp nguy hiểm... Việc chỉnh trang vỉa hè là cần thiết nhưng người có thẩm quyền phải xử lý dứt điểm. Vì lát xong ô tô đỗ lên vỉa hè, đá nào chịu nổi lại hỏng lại lát lại. Hoạt động này vừa lãng phí vừa ảnh hưởng đời sống người dân”, đại diện cho các hộ dân ở đây bày tỏ.
Dù vật liệu xây dựng còn ngổn ngang song tại ngã 3 ngõ 140 phố Giảng Võ ô tô dừng đỗ kín vỉa hè phố Giảng Võ sau biển trông giữ xe của Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe Hà Nội. Không chỉ ô tô, vào giờ cao điểm xe máy cũng vô tư leo lên vỉa hè, đặc biệt là lúc ùn tắc.
Tương tự, đầu phố Láng Hạ (quận Đống Đa) hướng về phố Giảng Võ, vỉa hè mới được lát lại bằng đá tự nhiên phải “cõng” hàng loạt xe ô tô dừng đỗ khu công viên với điểm trông giữ xe có biển Công ty TNHH Thương mại Hùng Hiệp.
Còn anh Bùi Văn Hải ở khu vực 126 phố Nam Cao (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) cho biết, những ngày qua di chuyển qua đường Nguyễn Chí Thanh ngoài ùn tắc còn bụi bẩn.
“Vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh được đào lên, lấp xuống. Tuyến phố kinh doanh này cũng có nhiều trường học như Đại học Luật, Học viện Hành chính... việc bụi bẩn từ thi công vỉa hè khiến hộ kinh doanh, học sinh, sinh viên sinh hoạt đi lại rất vất vả...”, anh Hải chia sẻ.
Cách phố Giảng Võ hơn một km, đường Nguyễn Chí Thanh còn nhiều đoạn vỉa hè ngổn ngang do đang thay đá mới. Có mặt tại điểm dừng xe buýt trước cổng Trường Đại học Luật Hà Nội, các sinh viên trường này cho biết, rất vất vả để đợi xe buýt vì bụi bẩn và khuất tầm nhìn từ vật liệu xây dựng.
“Điểm xe buýt được thi công vỉa hè rất bụi, tiếng ồn và vật liệu xây dựng nhiều khi xe buýt đến đỗ không sát điểm dừng. Học sinh sinh viên lên xuống xe rất bất tiện và nguy hiểm vì vỉa hè có nhiều hố sâu do đào bới. Đoạn đường này luôn đông đúc nhất là cao điểm sáng và chiều, khi người dân đi làm, học sinh, sinh viên đi học...”, sinh viên Hà Anh Tuyển, chia sẻ.
Đá giả “đội lốt” đá tự nhiên
Trước đó (ngày 3/11), Đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm tra công tác thi công lát đá vỉa hè tại công trình xây dựng cải tạo, chỉnh trang vỉa hè trên địa bàn quận Long Biên và phát hiện hàng loạt sai phạm.
Tại buổi kiểm tra, ông Hoàng Ngọc Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng) kiểm tra quy trình lát vật liệu sau khi hoàn thiện công tác lấy mẫu. Sau khi rà soát các lớp theo quy định, ông Hoàng Ngọc Thắng cho biết, vật liệu này là gạch giả đá, có giá thành rẻ hơn đá tự nhiên khoảng gần 1/5 lần. Lớp vữa không đều, dày hơn 3 phân, trong khi theo quy định lớp này không quá 3 phân.
Lý giải về việc này, ông Hoàng Hữu Lợi - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất (Chủ đầu tư) cho biết, dự án chỉnh trang vỉa hè đường Nguyễn Văn Linh được đơn vị này và nhà thầu thực hiện khoảng 4,2km, đoạn từ ngõ 47 đến đường vành đai 3.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 18 tỷ đồng. Nguồn từ ngân sách TP Hà Nội. Công tác thi công từ ngày 10/8/2022 - 30/11/2022. Hiện nay, nhà thầu đã hoàn thành khối lượng đạt 90% theo hồ sơ thiết kế.
Ngoài kiểm tra thực tế hiện trường công tác thi công lát đá vỉa hè tại các tuyến phố theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, cán bộ Chi cục Giám định xây dựng còn kiểm tra hồ sơ pháp lý, hồ sơ quản lý chất lượng công trình.
Chia sẻ với báo chí và đoàn kiểm tra, ông Hoàng Ngọc Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng) đánh giá: “Tại thời điểm kiểm tra chưa có văn bản góp ý, hồ sơ thiết kế, khớp nối hạ ngầm của các sở và đơn vị liên quan đã thi công.
Về năng lực của nhà thầu tham gia công trình chưa cung cấp, nhật ký thi công chưa đầy đủ. Hồ sơ thiết kế chưa có thiết kế cho người khuyết tật theo quy định, quy chuẩn, công tác thi công lát gạch quanh hố ga, hố kỹ thuật chưa bảo đảm yêu cầu. Cùng với kết quả lấy mẫu thí nghiệm (sau 5 ngày), Sở Xây dựng sẽ có đánh giá cụ thể, báo cáo UBND thành phố”.
Bên cạnh mặt tích cực là làm thay đổi diện mạo đô thị, việc lát đá vỉa hè tại TP Hà Nội cũng còn nhiều ý kiến tranh cãi. Trước đó vỉa hè ở ngã tư Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) có biểu hiện xuống cấp sau 5 năm đưa vào khai thác dù được lát bằng loại đá tự nhiên, được cho rằng có độ bền 70 năm. Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên nhiều tuyến phố như: Trần Phú (Hà Đông), Lê Văn Lương (Cầu Giấy), Nguyễn Thái Học (Ba Đình), Giải Phóng (Hoàng Mai)...
Về cải tạo, lát vỉa hè được Hà Nội chủ trương giao cho Ban Quản lý dự án các quận làm chủ đầu tư, chủ động tổ chức đấu thầu và lựa chọn đơn vị nhà thầu lát lại vỉa hè. Việc sử dụng loại đá nào là do quận, huyện lựa chọn.
Liên quan đến triển khai lát đá vỉa hè trên phố Láng Hạ, Giảng Võ và Nguyễn Chí Thanh thi công những ngày qua, Báo GD&TĐ đã liên hệ với Ban Quản lý dự án quận Đống Đa và quận Ba Đình tuy nhiên chưa nhận được sự phản hồi của các đơn vị này.