Hà Nội: Người dân khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt giữa trời nắng nóng

Dù sống ngay cạnh sông Đà và giữa hai nhà máy cấp nước sạch lớn ở miền Bắc, nhưng rất nhiều hộ dân ở các xã thuộc huyện Ba Vì (Hà Nội) vẫn đang phải sử dụng nước giếng khoan.

Chi hàng triệu đồng để mua nước giếng

Theo khảo sát của PV, nhiều hộ gia đình tại các xã Cẩm Lĩnh, Vật Lại, Tòng Bạt, Phú Sơn, Thụy An… của huyện Ba Vì đang trong tình trạng thiếu nước do vẫn phải dùng nước giếng khơi hoặc khoan mà chưa có nước máy. Trong khi đó, năm nay hạn hán, hàng loạt hồ, ao, đầm đều cạn kiệt. Có đến 99% giếng khơi của người dân không còn giọt nước.

Tại hộ gia đình ông Bình Hoa (Cẩm Lĩnh, Ba Vì) cuộc sống bỗng dưng bị đảo lộn vì thiếu nước. “Từ trước đến giờ nhà tôi vẫn sử dụng hoàn toàn bằng nước giếng khoan. Thế nhưng, vài tháng trở lại đây, giếng đều đã cạn. Tôi phải mua nước sinh hoạt từ một số gia đình chở nước bán trên địa bàn xã. Đợt cao điểm, nhà tôi còn phải gọi trước mấy ngày để đặt sẵn, nhiều khi cãi nhau vì không mua được nước”, ông Hòa nói.

 Người dân phải dùng nước giếng để sinh hoạt. Ảnh: Nguyễn Thúy

Người dân phải dùng nước giếng để sinh hoạt. Ảnh: Nguyễn Thúy

Cũng theo ông Hòa cho biết, tình trạng thiếu nước nước sinh hoạt đã diễn ra từ trước tết Nguyên đán. Mức giá mua nước cũng tùy vào thời điểm khan hiếm nhưng dao động từ 150.000 đến 200.000 đồng/xe 3 khối nước.

“Gần đây, trời bắt đầu mưa nhiều nên gia đình tôi cũng tiết kiệm tiền mua nước bằng cách sử dụng chung nước giếng của hàng xóm”, ông Hòa cho biết thêm.

 Tình trạng “khát nước” khiến nhiều hộ phải đào thêm giếng. Ảnh: Nguyễn Thúy

Tình trạng “khát nước” khiến nhiều hộ phải đào thêm giếng. Ảnh: Nguyễn Thúy

Anh Phùng Chính (thôn Tân Thành, Cẩm Lĩnh) cho biết, mỗi tháng nhà anh phải mua 30 khối nước, tổng số tiền phải chi là 1,5 - 1,7 triệu đồng.

“Cứ 2-3 ngày tôi phải gọi mua nước 1 lần. Tình trạng này đã diễn ra suốt 3 tháng nay vì giếng nhà tôi đã hoàn toàn cạn nước. Cả thôn 90% phải đi mua nước, một số nhà may mắn đào được mạch nước to, không bị mất nước thì không phải mua. Mong rằng khu vực này sớm được lắp đặt hệ thống nước sạch để chúng tôi có nước sử dụng”, anh Chính nói.

 Xe chở nước bán cho người dân ở xã Cẩm Lĩnh. Ảnh: Nguyễn Thúy

Xe chở nước bán cho người dân ở xã Cẩm Lĩnh. Ảnh: Nguyễn Thúy

Anh Chu Ngọc Sơn (thôn Tân Thành, Cẩm Lĩnh) - người có dịch vụ chở nước sinh hoạt cho biết, cao điểm nắng nóng, trung bình mỗi ngày anh chở khoảng 15-25 xe nước. Anh thường phải làm việc từ 4 giờ sáng đến 10 giờ tối để “mang” nước về thôn.

“Nguồn nước thiếu thốn nên tôi phải sang xã khác mới có. Mỗi giếng cũng chỉ lấy được 4,5 xe nước/ngày. Có thời điểm, phải đặt trước 3- 4 ngày mới có nước để chở. Chúng tôi mong mỏi đường ống nước sạch sớm được đấu nối để đảm bảo cuộc sống”, anh Sơn nói.

Mòn mỏi chờ nước

Đáng nói là nhiều xã ở huyện Ba Vì như Cẩm Lĩnh, Vật Lại, Tòng Bạt… đến nay vẫn đang “khát nước” dù nằm ở giữa 2 nhà máy nước quy mô lớn của TP Hà Nội.

Một dự án có tên “Nhà máy nước sạch Sông Đà Ba Vì” đặt tại xã Phú Sơn (Ba Vì - Hà Nội), do liên danh Công ty cổ phần Ao Vua và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cấp thoát nước & môi trường Ba Vì đầu tư, công suất 10.000m3/ngày đêm.

Dự án thứ 2 là của CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Tổng Công ty Vinaconex), đặt tại xã Thịnh Minh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Được biết, nguồn nước sạch sông Đà cung cấp cho các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai và huyện Hoài Đức… của TP Hà Nội từ vùng thượng lưu sông Đà thuộc tỉnh Hòa Bình.

 Một số hộ giếng khoan còn nước được sử dụng hết công suất. Ảnh: Nguyễn Thúy

Một số hộ giếng khoan còn nước được sử dụng hết công suất. Ảnh: Nguyễn Thúy

Ông Phùng Công Tuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết, từ nhiều năm nay, địa phương đã triển khai dự án lắp đặt đường ống cấp nước từ Nhà máy nước sạch Sông Đà ở xã Phú Sơn về xã Cẩm Lĩnh, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được đấu nối với hệ thống.

Khi các giếng khơi bị cạn, người dân chỉ còn biết trông đợi nguồn nước mưa, nhưng do El Nino, trời ít mưa, nguồn nước tại hồ Suối Hai (diện tích mặt khoảng 10km2, dung tích khoảng 100 triệu m3) trên địa bàn cũng đã cạn trơ đáy khiến người dân thiếu nước sử dụng vào mùa hạn hán. Ước tính đang có 1/3 tương đương hơn 1.000 hộ dân của xã Cẩm Lĩnh bị thiếu nước sinh hoạt.

 Nắng nóng cao điểm, thợ chở nước phải chở đến 25 xe nước/ngày để đáp ứng nhu cầu của người dân. Ảnh: Nguyễn Thúy

Nắng nóng cao điểm, thợ chở nước phải chở đến 25 xe nước/ngày để đáp ứng nhu cầu của người dân. Ảnh: Nguyễn Thúy

Cũng theo ông Tuyên, Công ty Cổ phần Quảng Tây đã bắt đầu triển khai hệ thống nước sạch trên địa bàn xã với việc thí điểm ở 4 thôn là Đông Phượng, Ngọc Nhị, Tân An, Cẩm Tân. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống nước sạch đang được triển khai với các thủ tục được đẩy nhanh tiến độ, bước tiếp theo là lắp công tơ và từng bước đưa vào sử dụng.

Nguyễn Thúy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-nguoi-dan-khon-kho-vi-thieu-nuoc-sinh-hoat-giua-troi-nang-nong-post255477.html