Hà Nội: Nhiều biển báo giao thông 'đánh đố' người đi đường

Ngay tại thủ đô, nhiều biển báo, vạch kẻ đường lộn xộn, không theo đúng quy chuẩn đang 'đánh đố' người đi đường.

Biển báo cấm dừng đỗ xe trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy) đặt sát với biển trông giữ phương tiện gây phản cảm

Biển báo cấm dừng đỗ xe trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy) đặt sát với biển trông giữ phương tiện gây phản cảm

“Dở khóc, dở cười” với biển báo

Gần đây, phản ánh tới Báo Giao thông, nhiều lái xe ô tô cho biết, một số biển báo và phương án tổ chức giao thông trên Đại lộ Thăng Long làm khó người tham gia giao thông, khiến tài xế hoang mang.

Cụ thể, theo anh T.A (quận Hà Đông), các xe ô tô lưu thông về hướng trung tâm TP Hà Nội khi đi qua khu vực hầm chui đường sắt (Km7) có một điểm mở giữa làn đường cao tốc và làn đường gom. Tại đây, có một biển báo cấm phương tiện di chuyển trên đường gom rẽ trái và quay đầu. Nhiều người tham gia giao thông cho rằng, họ chỉ chuyển làn, không phải rẽ trái.

“Tuy nhiên, do khu vực điểm mở chỉ có hai vạch kẻ xương cá chữ V, không có thêm vạch kẻ nào khác để tách bạch hai làn xe nên nhiều xe ô tô khi đi qua hầm trên cung đường gom phải loay hoay không biết có được chuyển hướng vào đường cao tốc hay không”, anh T.A nói.

Sáng 18/5, PV Báo Giao thông có mặt tại vị trí này, chỉ trong khoảng 15 phút ghi nhận rất nhiều xe ô tô đi trên đường gom khi qua hầm vẫn vô tư đánh lái vào làn đường cao tốc. Dở khóc, dở cười hơn là tình trạng nhiều tài xế khác do phân vân biển báo cấm rẽ ở cửa hầm nên dù đã điều khiển xe sang phần đường cao tốc, song lại bất ngờ quay trở về đường gom vì sợ bị “phạt oan”. Việc quay đầu này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến ATGT, khiến nhiều tài xế khác đang lưu thông giật mình, phải phanh gấp.

Tương tự, trên đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), gần đây, nhiều lái xe ô tô cũng “dở khóc, dở cười” vì sự chồng lấn của biển báo. Cụ thể, để tránh ùn tắc, đường Trần Thái Tông được cơ quan chức năng xây dựng hệ thống biển báo cấm đỗ xe và các biển nhắc lại với mật độ dày đặc. Tuy nhiên, lòng đường từ đầu đường Dịch Vọng Hậu đến đầu ngõ 84 Trần Thái Tông lại được Sở GTVT Hà Nội cấp phép cho Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe tổ chức trông, giữ phương tiện từ 7h- 22h hàng ngày.

Éo le là tại khu vực này, các tấm biển thông báo “điểm trông giữ” lại được dựng ngay sau biển cấm đỗ xe khiến nhiều tài xế khó hiểu và không dám đưa xe vào gửi.

Tình trạng phổ biến khác là tại nhiều tuyến đường có biển báo cho phép đèn đỏ được phép rẽ phải, tuy nhiên, dưới lòng đường lại không được thể hiện bằng vạch kẻ mũi tên rẽ phải. Đơn cử, tại nút đèn tín hiệu dưới chân cầu vượt đường Láng - Lê Văn Lương có biển báo “đèn đỏ được phép rẽ phải”, tuy nhiên dưới lòng đường lại không có vạch kẻ mũi tên cho phép rẽ phải nên các phương tiện đi thẳng đều dừng trên làn đường có biển báo được phép rẽ phải, khiến nhiều chủ phương tiện được phép rẽ phải bức xúc.

Rà soát, sớm khắc phục bất cập

Do không có vạch kẻ đường nên nhiều điểm cho phép rẽ phải các phương tiện đi thẳng vẫn dừng ở làn cho phép rẽ phải

Do không có vạch kẻ đường nên nhiều điểm cho phép rẽ phải các phương tiện đi thẳng vẫn dừng ở làn cho phép rẽ phải

Liên quan đến biển báo tại Km 7 qua hầm chui đường sắt ở Đại lộ Thăng Long, Đại úy Phạm Văn Luyến, Phó đội trưởng Đội CSGT số 11 (đơn vị trực tiếp xử phạt các lỗi vi phạm giao thông) trên tuyến Đại lộ Thăng Long cho biết đã nắm được bất cập trong tổ chức giao thông tại đây.

Tuy nhiên, theo Đại úy Luyến, việc người tham gia giao thông cho rằng, họ chỉ chuyển làn không phải rẽ trái là không đúng. Bởi biển cấm được đặt ở lối rẽ từ Đại lộ Thăng Long ra đường gom. Đây vốn là hai tuyến đường khác nhau, là lối ra không phải chuyển làn. “Trường hợp người tham gia giao thông chạy trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cùng một phần đường thì gọi là làn, còn đây từ Đại lộ Thăng Long rẽ vào đường gom là hai tuyến đường khác nhau không phải chuyển làn. Trong phần đường thì có làn đường, nhưng đây là hai đường khác nhau, thực tế là hai đường song song nhau”, Đại úy Luyến dẫn ví dụ và cho rằng, trong quá trình tham gia giao thông đã có nhiều trường hợp vi phạm tại đây do nghĩ mình chỉ chuyển làn, không phải rẽ trái.

Cũng theo Đại úy Luyến, Đội CSGT số 11 đã phản ánh việc này với Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội). Hiện, đơn vị này đang có kế hoạch sơn tổ chức lại giao thông ở đây. Việc sơn kẻ tổ chức lại giao thông cho rõ ràng rất quan trọng, bởi thực tế đường cao tốc nếu không được tổ chức giao thông bằng biển báo và vạch kẻ rõ ràng sẽ gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông.

Ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho hay, Tổng cục đang rà soát, yêu cầu bổ sung hệ thống biển báo hiệu đường bộ, các vạch kẻ tại các địa phương, nhất là khu vực nội đô Hà Nội.

Hệ thống biển báo hiệu đường bộ phải thực hiện đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật; đồng thời thống kê chi tiết các biển cần phải điều chỉnh nội dung, kích thước hình vẽ, khoảng cách chữ và số để điều chỉnh. “Trường hợp các vạch sơn kẻ thiếu, không rõ ràng cụ thể cũng cần phải nhanh chóng duy tu bảo trì lại”, ông Lăng nói.

Ông Lê Hữu Hồng, Giám đốc Ban Duy tu các công trình giao thông (Sở GTVT Hà Nội cho biết, công tác rà soát các biển báo, vạch kẻ được đơn vị tiến hành duy tu thường xuyên. Những biển báo nào bất cập không đúng quy chuẩn sẽ được thay thế. Vừa qua, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông đã yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ thống kê, rà soát toàn bộ hệ thống biển báo giao thông trên địa bàn TP để đề xuất ghép, tích hợp các biển báo, đảm bảo mỹ quan đô thị, đúng luật và phù hợp với Quy chuẩn 41.

Lê Tươi - Nam Khánh

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/ha-noi-nhieu-bien-bao-giao-thong-danh-do-nguoi-di-duong-d466127.html