Hà Nội: Nhiều cán bộ 'dính' sai phạm ở Công viên nước Thanh Hà
Ngày 26/8, Thanh tra thành phố Hà Nội có thông báo chính thức kết luận về việc thanh tra trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra xây dựng trái phép và quá trình xử lý cưỡng chế Công viên nước Thanh Hà.
Buông lỏng quản lý, chậm phát hiện, làm chiếu lệ
Theo kết luận thanh tra, chủ đầu tư xây dựng Công viên nước Thanh Hà là Cty CP phát triển địa ốc Cienco5, không có giấy phép xây dựng, vi phạm luật Xây dựng 2014.
Công viên được xây dựng trên đất không quy hoạch công viên nước (quy hoạch phê duyệt là đất công cộng thành phố và đất cây xanh thể dục thể thao thành phố, khu ở), vi phạm luật Xây dựng 2014, luật Đất đai 2013.
Theo kết luận, sau khi cơ quan nhà nước lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng và yêu cầu dừng mọi hoạt động thi công xây dựng công trình vi phạm, chủ đầu tư vẫn thi công, hoàn thiện Công viên.
Tiếp đó, khi UBND quận Hà Đông ra quyết định áp dụng khắc phục hậu quả, sau 20 ngày, chủ đầu tư chỉ tháo dỡ mái che của 4 hạng mục, các hạng mục còn lại không tháo dỡ là vi phạm điều 30 luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đến khi quận Hà Đông ra quyết định cưỡng chế yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng không phép trong vòng 15 ngày, nhưng sau thời hạn 15 ngày, chủ đầu tư không chấp hành tháo dỡ là vi phạm khoản 2 điều 88 luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trách nhiệm trong việc để xảy ra vi phạm nêu trên thuộc về Chủ tịch HĐQT Cty CP phát triển địa ốc Cienco5 - người đại diện theo pháp luật, ông Lê Thanh Song, Phó chủ tịch HĐQT (người trực tiếp ký các họp đồng thi công), và các cán bộ có liên quan khác.
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ trách nhiệm của các cán bộ quản lý nhà nước ở quận Hà Đông.
Cụ thể, Đội Thanh tra xây dựng quận đã buông lỏng quản lý, chậm phát hiện và xử lý hành vi vi phạm của chủ đầu tư; không phát hiện công trình xây dựng không phù hợp quy hoạch, không đúng vị trí; không đề xuất UBND quận ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, khắc phục hậu quả.
Bên cạnh đó, thực tế chủ đầu tư không dừng thi công nhưng Đội Thanh tra xây dựng không lập biên bản vi phạm hành chính; không báo cáo kịp thời để UBND quận chỉ đạo UBND phường tổ chức lực lượng ngăn chặn, đình chỉ thi công, dẫn đến vi phạm của chủ đầu tư không bị xử phạt, công trình vẫn được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, Đội Thanh tra xây dựng không báo cáo Sở Xây dựng về vi phạm của chủ đầu tư xây dựng Công viên nước Thanh Hà không có Giấy phép xây dựng, là không thực hiện đúng quy định của UBND thành phố Hà Nội.
Thanh tra Hà Nội cho rằng, có dấu hiệu Đội Thanh tra xây dựng làm chiếu lệ, để công trình vi phạm được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng, sau này phải cưỡng chế phá dỡ; gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan quản lý nhà nước.
Để xảy ra tồn tại, sai phạm nêu trên, trách nhiệm của bà Vương Thị Thanh Huyền; ông Nguyễn Xuân Hoài - từng là Tổ trưởng Tổ công tác phường Phú Lương; bà Vũ Thị Hợp, thành viên Tổ công tác phường Phú Lương; bà Nguyễn Thị Yến, thành viên Tổ công tác phường Phú Lương; ông Ninh Đức Tước, Đội phó Đội Thanh tra xây dựng trực tiếp phụ trách phường Phú Lương; ông Đoàn Mạnh Hải, Tổ trưởng tổ Văn phòng, là cán bộ thụ lý hồ sơ; ông Đặng Đình Dũng, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng…
Thanh tra Hà Nội cũng chỉ ra trách nhiệm của UBND phường Phú Lương đã không chủ động kiểm tra hoạt động xây dựng của chủ đầu tư, không chỉ đạo Tổ công tác của Đội Thanh tra xây dựng lập biên bản vi phạm hành chính sau khi phát hiện hành vi vi phạm của chủ đầu tư xây dựng Công viên nước không phép. Không tiếp nhận hồ sơ vi phạm hành chính do Tổ công tác của Đội Thanh tra xây dựng lập và chuyển đến.
Đáng chú ý, dù đầu tháng 1/2019, Đội Thanh tra xây dựng và UBND phường Phú Lương đã lập biên bản vi phạm về việc xây dựng Công viên nước Thanh Hà không phép, nhưng UBND phường vẫn báo cáo UBND quận chưa đủ cơ sở ký hồ sơ công trình không phép. UBND phường không đình chỉ xây dựng đối với công trình không phép theo chỉ đạo của UBND quận.
Điều này dẫn đến vi phạm không bị xử lý, ngăn chặn dẫn đến hoàn thành, đưa vào sử dụng… UBND phường Phú Lương cũng không phát hiện, lập biên bản đối với việc sử dụng đất sai mục đích.
Kết luận nêu rõ, UBND phường đã cố ý không thực hiện chức trách nhiệm vụ, để công trình vi phạm được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, sau này phải cưỡng chế phá dỡ; gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan quản lý Nhà nước.
"Để xảy ra tồn tại, sai phạm nêu trên, trách nhiệm của ông Nguyễn Xuân Quý, Phó Chủ tịch UBND phường (từ tháng 7/2017 - 27/7/2019) và trách nhiệm người đứng đầu trong thời gian từ tháng (1/2019 - 4/2019) khi được Chủ tịch UBND phường ủy nhiệm điều hành hoạt động của phường", kết luận nêu.
Thanh tra Hà Nội cũng chỉ ra trách nhiệm của Tổ Kiểm tra xây dựng phường Phú Lương: ông Nguyễn Đình Hiếu, ông Bùi Công Tuấn, ông Trần Văn Thành đã thiếu trách nhiệm trong việc xử lý vi phạm xây dựng Công viên nước không có giấy phép của chủ đầu tư; ông Nguyễn Năm Quang, Chủ tịch UBND phường, với trách nhiệm người đứng đầu đơn vị (ngoài thời gian ông Quang đi học).
Thanh tra Hà Nội cũng nêu trách nhiệm của Phòng Quản lý đô thị trong công tác tham mưu quản lý quy hoạch, là cơ quan chuyên môn nhưng không phát hiện, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND quận xử lý việc xây dựng công viên nước không đúng quy hoạch.
Trách nhiệm là của ông Lê Tiến Hiệp, chuyên viên phòng này, được giao theo dõi địa bàn phường Phú Lương; ông Đào Quang Vinh Hiển, Phó trưởng phòng.
Đối với UBND quận Hà Đông, Thanh tra Hà Nội nêu trách nhiệm trong công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, sử dụng đất đai và trật tự xây dựng là dù đã có chỉ đạo thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm, nhưng UBND phường Phú Lương không nghiêm túc thực hiện nhưng cũng không sát sao đôn đốc, cương quyết khiến sai phạm kéo dài.
UBND quận Hà Đông không báo cáo UBND thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng về việc chủ đầu tư Công viên nước Thanh Hà xây dựng không phép, sai quy hoạch. Không xem xét, xử lý trách nhiệm của Đội Thanh tra xây dựng, UBND phường Phú Lương, cá nhân liên quan để xảy ra vi phạm…
Trách nhiệm để xảy ra tồn tại, sai phạm là của ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch UBND quận Hà Đông; ông Đào Quang Vinh Hiển, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị…
Về việc Công viên nước Thanh Hà xây dựng không phép, sai quy hoạch, Thanh tra thành phố Hà Nội kiến nghị UBND thành phố giao Sở Nội vụ căn cứ quy định pháp luật, kết luận thanh tra để xem xét, đề xuất xử lý trách nhiệm đối với ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch UBND quận Hà Đông và ông Vũ Ngọc Phụng, Chủ tịch UBND quận.
Biện pháp cưỡng chế chưa phù hợp
UBND quận đã có quyết định về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó yêu cầu Chủ đầu tư tháo dỡ công trình trong thời hạn 15 ngày. Sau 15 ngày, Chủ đầu tư chỉ tháo dỡ phần nhỏ của công trình vi phạm. UBND quận đã ban hành quyết định về cưỡng chế buộc thực hiện biến pháp khắc phục hậu quả, đúng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Để triển khai công tác cưỡng chế, UBND quận đã thuê đơn vị tư vấn lập phương án phá dỡ, giao phòng Quản lý đô thị thẩm định và có văn bản phê duyệt phương án phá dỡ, là đúng quy định của pháp luật. Quá trình thực hiện cưỡng chế, UBND phường đã mời 4 tổ trưởng tổ dân phố phường Phú Lương chứng kiến; quá trình cưỡng chế được lập biên bản và gửi cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra, phương pháp tổ chức thực hiện cưỡng chế của UBND quận Hà Đông và UBND phường Phú Lương còn chưa phù hợp, gây bức xúc cho nhà đầu tư và dư luận xấu trong xã hội.
Cụ thể, công viên nước bao gồm 19 hạng mục có giá trị lớn, trong đó 7 hạng mục công trình có kết cấu khung thép, nhựa composite lắp ghép, có thể tháo dỡ được, nhưng UBND quận đã phê duyệt phương án phá dỡ cả 7 hạng mục trên theo đề xuất của Cty Cổ phần tư vấn và Đầu tư phát triển công nghệ An Phát là thiếu thận trọng, dẫn đến khi UBND phường tổ chức cưỡng chế đã phá dỡ cả 7 hạng mục này, gây bức xúc cho nhà đầu tư, băn khoăn trong dư luận.
Tồn tại này thuộc ông Đào Quang Vinh Hiển – Phó phòng Quản lý đô thị trong việc thẩm định Phương án phá dỡ, ông Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch UBND quận trong việc phê duyệt phương án phá dỡ.
Ngoài ra, trước 1 ngày tổ chức cưỡng chế, Chủ đầu tư đã có văn bản gửi UBND quận, phường với nội dung xin cam kết tháo dỡ theo nội dung quyết định 5079 của UBND Quận Hà Đông. Thời gian hoàn thành dự kiến hết Quý I năm 2020 nhưng UBND phường không lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện thi hành và không báo cáo UBND quận là không thực hiện theo quy định. Sai sót này thuộc ông Nguyễn Viết Cường, Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách đất đia, đô thị trong việc thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao; bên cạnh đó có trách nhiệm của ông Nguyễn Năm Quang, Chủ tịch UBND phường, người đứng đầu đơn vị.
Thanh tra kiến nghị xử lý nghiêm cán bộ liên quan
Theo Kết luận thanh tra, Cienco 5 đã gửi Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội 3 nội dung.
Cụ thể, nội dung thứ nhất là đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND quận Hà Đông cùng doanh nghiệp xác định thiệt hại vật chất do hành vi thực hiện cưỡng chế không đúng quy định của pháp luật mà UBND quận Hà Đông gây ra và thực hiện việc bồi thường cho doanh nghiệp đúng quy định của pháp luật. Thứ hai, đề nghị UBND thành phố kiểm điểm, xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với các cá nhân chịu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo việc cưỡng chế trái pháp luật gây ra thiệt hại về tài sản cho doanh nghiệp. Hai nội dung này, UBND quận Hà Đông đã thụ lý.
Thanh tra thành phố kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND Quận Hà Đông tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của UBND quận Hà Đông có liên quan đến tồn tại, sai phạm trong việc để xảy ra xây dựng trái phép Công viên; đồng thời nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với tồn tại trong việc thực hiện cưỡng chế công viên.
Cùng với đó, khẩn trương xem xét, giải quyết đơn khiếu nại của Cty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 đối với hành vi tổ chức cưỡng chế công viên theo thẩm quyền; đồng thời hướng dẫn Cty gửi đơn đến cơ quan công an đối với nội dung kiến nghị "đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật thành phố tiến hành điều tra, xem xét trách nhiệm cá nhân của những cán bộ gây thiệt hại nghiêm trong đối với doanh nghiệp để xử lý hình sự theo quy định của pháp luật".