Hà Nội: Nhiều đơn vị có bước chuyển ngoạn mục về cải cách hành chính
Năm 2020, công tác cải cách hành chính của nhiều cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội có bước chuyển ngoạn mục. Điều đó được minh chứng rõ nét bằng những thông số cụ thể về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) do Ủy ban nhân dân Thành phố vừa công bố, có tới 18 quận, 3 sở đạt trên 90 điểm trong tổng số 100 điểm (kết quả cao nhất từ trước đến nay).
Theo Quyết định 2001/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về "Phê duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các sở và cơ quan tương đương sở, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội" vừa được công bố mới đây, dẫn đầu khối sở, cơ quan tương đương sở là Sở Tài chính với tổng điểm đạt 92,76; dẫn đầu khối Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tiếp tục là quận Cầu Giấy với tổng điểm 94,22.
Đáng chú ý, một số đơn vị có bước chuyển ngoạn mục như huyện Thanh Trì (từ thứ 23 năm 2019 lên thứ 6), huyện Mỹ Đức (từ thứ 15 năm 2019 lên thứ 7), quận Thanh Xuân (từ thứ 17 năm 2019 lên thứ 9), huyện Thanh Oai (từ thứ 28 năm 2019 lên thứ 17); Sở Tư pháp (từ thứ 16 năm 2019 lên thứ 3)…
Nguyên nhân chính giúp huyện Thanh Oai cải thiện vượt bậc, từ vị trí thứ 28 trong bảng xếp hạng cải cách hành chính năm 2019 vươn lên thứ 17 năm 2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng chia sẻ: Đó là kết quả nỗ lực, sáng tạo của cả hệ thống chính trị từ huyện đến các xã, thị trấn. Song song với đó là tăng cường chỉ đạo kiểm tra cơ sở, tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công chức phụ trách lĩnh vực cải cách hành chính, nhất là tại bộ phận Một cửa…
Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở Tài chính, nguyên nhân giúp đơn vị dẫn đầu khối sở là do những nỗ lực trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng, với 12/53 thủ tục hành chính đã đơn giản hóa, đạt 22,6%. Bên cạnh đó, 16/16 thủ tục hành chính chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở được thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 và công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Sở, của Thành phố và tại bộ phận Một cửa nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt nhất.
Từ những kết quả đạt được, trong năm 2021, Hà Nội tiếp tục nỗ lực gặt hái những thành công mới trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính. Điều đó được cụ thể hóa tại Kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước năm 2021.
Theo đó, Thành phố phấn đấu mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 85%; ít nhất 99% số hồ sơ được trả kết quả giải quyết đúng/trước hạn; 100% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng nâng cao năng lực, nhận thức đầy đủ về PAR Index… Điều này đòi hỏi các đơn vị nỗ lực nhiều hơn nữa mới đạt được mục tiêu.
Để đạt được mục tiêu đề ra, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện đúng quy định của Trung ương, Thành phố, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý công việc trên internet nhằm hỗ trợ đắc lực cho giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, chính xác. Đồng thời, sẽ siết chặt kỷ cương, tăng kiểm tra công vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cá nhân trong giải quyết công việc.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội, PAR Index là công cụ để theo dõi, đánh giá khoa học, khách quan, toàn diện kết quả công tác cải cách hành chính của các cơ quan hành chính. Từ đó, đánh giá được mặt mạnh, mặt yếu theo từng năm, giúp các cơ quan, đơn vị điều chỉnh về mục tiêu, nội dung, giải pháp trong cải cách hành chính. PAR Index năm 2020 đối với các sở, cơ quan tương đương sở gồm 9 nội dung, 46 tiêu chí, 103 tiêu chí thành phần; đối với Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã gồm 9 nội dung, 50 tiêu chí, 118 tiêu chí thành phần. Tổng điểm tối đa là 100 điểm.
Nét mới năm 2020 là điểm điều tra xã hội học được tích hợp thêm nội dung đánh giá, đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính, trong đó điểm tối đa với khối sở là 10, chiếm 32,3% tổng điểm điều tra xã hội học; với khối quận, huyện là 13, chiếm 39,4% tổng điểm điều tra xã hội học.