Hà Nội: Nhiều giải pháp giảm nhẹ thiệt hại do ngập lụt cho các huyện phía Tây thành phố

Lưu vực sông Tích, sông Bùi nằm ở phía Tây thành phố Hà Nội, bao gồm thị xã Sơn Tây và các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức. Từ 2008 đến nay, trong khoảng hơn 10 năm ở vùng hạ lưu của lưu vực sông Bùi đã xuất hiện 3 trận lũ lớn lịch sử vào các năm 2008, 2017, 2018 và hàng năm thường xuyên xuất hiện lũ báo động 3 và xấp xỉ báo động 3 vào các năm 2013, 2016, 2021, 2022, gây thiệt hại lớn về kinh tế làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến môi trường. Thực tế này đòi hỏi các cấp, các ngành cần phải có biện pháp phòng, chống kịp thời để làm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Mưa lũ gây ngập lụt tại huyện Chương Mỹ- là một trong những huyện nằm ở phía Tây thành phố Hà Nội

Mưa lũ gây ngập lụt tại huyện Chương Mỹ- là một trong những huyện nằm ở phía Tây thành phố Hà Nội

Tiềm ẩn nhiều nguyên nhân ngập lụt

Việc gây ra ngập úng của lưu vực hai con sông trên nghiêm trọng nhất là các năm 2017 và 2018, với lũ trên sông Bùi vượt mức lịch sử khiến 3.024 hộ dân bị ngập sâu trong khoảng 20 ngày, hàng nghìn hec ta cây trồng, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, hàng vạn gia cầm bị chết, cuốn trôi… Tương tự, nhiều khu dân cư và diện tích sản xuất nông nghiệp của các huyện: Mỹ Đức, Quốc Oai từng bị ngập lụt trong nhiều ngày vì lũ lớn, nước sông rút chậm.

Được biết, trong những năm qua, Thành phố Hà Nội đã quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng phòng chống lũ cho lưu vực sông Tích, sông Bùi như nâng cấp đê tả Bùi - đoạn từ trạm bơm Trung Hoàng đến tràn Thanh Bình- xây dựng các tuyến kè chống sạt lở, nâng cấp đê hữu Bùi và các tuyến đê bao vùng hữu Bùi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ Hòa Bình dồn về trong thời gian ngắn và do mưa lớn nội tại; địa hình vùng hữu Tích, hữu Bùi bán sơn địa có nhiều khu vực địa hình thấp, trũng tiêu thoát rất khó khăn.

Cùng với đó là lòng sông Tích, sông Bùi nhỏ hẹp, quanh co nên việc tiêu thoát lũ rất khó và chậm và có nguy cơ ngập lụt, úng trên lưu vực sông Tích, sông Bùi, đặc biệt là phía hữu Bùi của huyện Chương Mỹ và hữu Tích của huyện Quốc Oai thường xuyên xảy ra. Trong khi, số lượng hộ dân sinh sống, canh tác khu vực bãi sông, khu vực thường xuyên ngập lụt còn lớn; công tác di dân, tái định cư còn gặp khó khăn về quỹ đất, định hướng quy hoạch cũng như tập quán sinh sống, canh tác của nhân dân.

Bên cạnh đó, khu vực hữu Bùi trước đây là khu chậm lũ nên hệ thống công trình tiêu chưa được đầu tư thỏa đáng; việc thực hiện các giải pháp phòng, chống lũ sông Đáy như nâng cấp đê, nạo vét lòng dẫn -theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 7.10.2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy- chưa được triển khai đồng bộ.

Cần sự phối hợp đồng bộ và giải pháp tổng thể

Chính vì những nguyên nhân trên nên việc đánh giá cụ thể thực trạng nhằm đưa ra những giải pháp tổng thể, sớm triển khai áp dụng để hạn chế những ảnh hưởng của lũ, ngập lụt đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân trong khu vực là cần thiết đã được UBND Thành phố chỉ đạo rà soát trong những năm qua. Vì vậy, mới nhất trong năm 2022, tại các cuộc họp tổ chức ngày 30.5.2022 và 21.6.2022, lãnh đạo UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện Quy hoạch Thủy lợi rà soát đề xuất giải pháp tổng thể, bao gồm cả việc phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình để giải quyết vấn đề ngập lụt cho khu vực.

Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây TP Hà Nội là dự án trọng điểm, có mức đầu tư trên 7.000 tỷ đồng của Thủ đô Hà Nội, được kỳ vọng đáp ứng yêu cầu tiêu úng cho khoảng 6.300 ha đất sản xuất nông nghiệp

Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây TP Hà Nội là dự án trọng điểm, có mức đầu tư trên 7.000 tỷ đồng của Thủ đô Hà Nội, được kỳ vọng đáp ứng yêu cầu tiêu úng cho khoảng 6.300 ha đất sản xuất nông nghiệp

Theo đó, Viện Quy hoạch Thủy lợi đã chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và các đơn vị liên quan tiến hành đánh giá, đề xuất các giải pháp tổng thể cho khu vực. Các giải pháp tổng thể do Viện Quy hoạch Thủy lợi đề xuất áp dụng cần phải tiến hành trong thời gian tới bao gồm: Giải pháp cải tạo sông Tích, sông Bùi và cải tạo toàn bộ đoạn sông Đáy qua thành phố Hà Nội; giải pháp cải tạo nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đê sông Tích, sông Bùi, sông Đáy để tăng khả năng thoát lũ (các nhóm giải pháp này đã và đang được đề cập, triển khai trong dự án Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì và trong nội dung Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Tuy nhiên để đẩy nhanh tiến độ góp phần giảm thiểu thiệt hại do ngập úng, cần rà soát, đánh giá, xác định các hạng mục ưu tiên đầu tư trong thời gian tới.

Để tiêu thoát nước mưa tại chỗ, Viện Quy hoạch Thủy lợi cũng đã đưa ra giải pháp xây dựng các trạm bơm tiêu vùng đồng bằng hạ lưu sông Bùi. Theo đó, việc tính toán để lựa chọn vị trí, quy mô phù hợp của từng trạm bơm và các công trình phụ trợ đảm bảo yêu cầu tiêu thoát nước và phù hợp với điều kiện thực tiễn sẽ được tiến hành trong giai đoạn lập dự án đầu tư. Để cắt lũ cho vùng hạ lưu sông Bùi thì việc xây dựng hồ chứa ở thượng lưu sông Bùi thuộc địa phận huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình cần tiếp tục phối hợp với tỉnh Hòa Bình để đánh giá chi tiết tác động tích cực, tiêu cực trong các đề án cụ thể trước khi triển khai thực hiện.

Ngoài ra, với đặc điểm khu vực có địa hình bán sơn địa, dân cư sinh sống ở vùng địa hình thấp, trũng và ngoài đê, việc ngập lũ ở một số khu vực là không tránh khỏi kể cả khi hệ thống tiêu, chống lũ được đầu tư hoàn thiện. Do đó, bên cạnh các giải pháp công trình, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phi công trình như quản lý xây dựng, bố trí sắp xếp dân cư, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, hoàn thiện kế hoạch ứng phó với ngập lụt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... nhằm giảm thiểu rủi ro, thiệt hại và phát triển kinh tế khu vực bền vững.

Bảo Ngân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/ha-noi-nhieu-giai-phap-giam-nhe-thiet-hai-do-ngap-lut-cho-cac-huyen-phia-tay-thanh-pho-i301628/