Hà Nội: Nhiều hộ dân bị xử phạt vì san lấp đất nông nghiệp nhưng vẫn cố tình vi phạm
Ông Nguyễn Xuân Thọ - Chủ tịch UBND xã Đại Ánh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, các trường hợp san lấp trái phép đất nông nghiệp đều đã bị xử lý nhưng vẫn cố tình vi phạm. Hiện, xã đã yêu cầu các công trình vi phạm gỡ rào tôn và khắc phục lại hiện trạng.
Liên quan đến loạt phản ánh của báo chí về việc san lấp, đổ thải, vi phạm trật tự xây dựng dọc tuyến đường Đại Thanh, trong đó có việc san lấp đất nông nghiệp thành các sân pickleball, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong đã có kết luận về tình trạng này, đặc biệt trên tuyến đường Đại Thanh, thuộc địa bàn 3 xã Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh và Đại Áng.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong cho biết, qua kiểm tra, rà soát và theo thông tin báo chí phản ánh, hiện vẫn còn tồn tại và phát sinh một số trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích, san lấp đất nông nghiệp trái phép, xây dựng trên đất nông nghiệp do 3 xã Vĩnh Quỳnh, Tả Thanh Oai và Đại Áng quản lý.
UBND huyện Thanh Trì cũng giao UBND các xã Tả Thanh Oai, Đại Áng và Vĩnh Quỳnh thống nhất phương án thông báo tạm dừng hợp đồng hoạt động của các chủ đầu tư để khắc phục hậu quả, trả lại hiện trường ban đầu. Đồng thời yêu cầu dỡ bỏ toàn bộ hàng rào tôn dựng lên chưa đúng quy định, xong trước ngày 10/11.
Ông Nguyễn Xuân Thọ - Chủ tịch UBND xã Đại Ánh cho biết, hiện đang có khoảng 4 hộ dân san lấp hàng nghìn mét đất nông nghiệp. Sau khi phát hiện vi phạm, xã đã yêu cầu các hộ dân khắc phục.
"Các khu đất được đưa ra đấu giá từ cuối năm 2023 có thời hạn 5 năm để nuôi trồng thủy, hải sản", ông Thọ cho hay.
Nói về nguyên nhân các hộ dân vi phạm, ông Thọ cho hay, việc nuôi trồng thủy, hải sản do nguồn nước đang ô nhiễm, không đảm bảo vì vậy, các hộ dân đã tự ý chuyển từ nuôi trồng thủy sản san lấp một phần để thực hiện việc sản xuất nông nghiệp.
"Hiện đã có 2/4 hộ vi phạm đã thực hiện tháo dỡ rào tôn, còn 2 hộ thì một hộ đi làm xa và một hộ đang nằm viện cho nên vẫn chưa thực hiện được và xin xã cho thêm một chút thời gian", ông Thọ cho hay.
Theo ông Thọ, nếu thực hiện khắc phục hậu quả, trả lại hiện trường ban đầu thì rất khó khăn, hiện xã đang đề xuất với huyện giữ nguyên để cho người dân sử dụng vào mục đích nông nghiệp, trồng cây ăn quả.
"Trường hợp tái phạm hoặc có những vi phạm tiếp theo, xã sẽ yêu cầu chấm dứt hợp đồng, cần thiết phải thu hồi lại đất", ông Thọ khẳng định.
Về việc phát hiện vi phạm chậm, ông Thọ cho biết, khu vực vi phạm xa khu dân cư. Đặc biệt, các vi phạm đều thực hiện về đêm cho nên nhiều lúc không kịp thời ngăn chặn, phát hiện.
Đề cập đến trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm, ông Thọ khẳng định: "Đương nhiên là UBND xã Đại Áng chịu trách nhiệm toàn diện. Bản thân tôi cũng bị huyện phê bình trực tiếp bằng văn bản tại hội nghị. Xã cũng đã kiểm điểm Phó Chủ tịch phụ trách địa chính, có liên quan".