Hà Nội: Nhiều nơi làm xét nghiệm COVID-19 thực hiện không nghiêm
Trong 5 ngày (17-21/7), Hà Nội ghi nhận 184 ca mắc mới COVID-19, hầu hết từ ngoài cộng đồng, không truy vết được nguồn lây, đòi hỏi có sự kiểm tra giám sát ngiêm túc hơn việc thực hiện Công điện 15.
Sáng 21/7, theo phản ánh của bạn đọc tại Viện kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế và nhiều cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội xảy ra tình trạng có rất đông người dân đến đây để làm xét nghiệm COVID-19.
Hiện tượng này không chỉ vi phạm quy định về phòng chống dịch trong bối cảnh toàn thành phố đang thực hiện những biện pháp quyết liệt nhất để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 theo Công điện số 15/CĐ-CTUBND thành phố Hà Nội, từ 0h ngày 19/7/2021, thành phố Hà Nội áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn địa bàn.
Chen nhau đi xét nghiệm…
Theo phản ánh, hàng trăm người dân Hà Nội đã xếp hàng ở các điểm trung tâm, bệnh viện để lấy mẫu xét nghiệm. Người và người chen chúc nhau, nối dài hàng chục mét để chờ lấy mẫu.
Nhiều người dân tới xét nghiệm cho hay đã xếp hàng từ 6 giờ sáng, chờ hơn 3h đồng hồ vẫn chưa đến lượt xét nghiệm.
Những người đứng bên ngoài xếp hàng chen chúc, san sát nhau không đảm bảo đúng khoảng cách giãn cách. Việc chen chúc chờ xét nghiệm, nếu trong số đó có 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 sẽ là một nguy cơ rất lớn làm nhanh chóng lây lan dịch bệnh.
Thực trạng này cho thấy các cơ sở cũng như người dân đã không nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của thành phố Hà Nội theo tinh thần của Công điện số 15.
Nhưng, lỗi chính ở đây chính là cơ sở y tế mà cụ thể trong trường hợp này là Viện kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế, Bệnh viện Melated
Diễn biến dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô gần đây rất phức tạp. Số ca mắc mới tăng từng ngày. Những ngày gần đây, mỗi ngày Hà Nội đều ghi nhận 30-40 trường hợp mắc COVID-19, đáng lưu ý, có nhiều ca bệnh trong cộng đồng mới được phát hiện.
Cụ thể: Vào ngày 17/7 có 19 ca, ngày 18/7 là 44 ca, ngày 19/7 có 41 ca, ngày 20/7 tiếp tục có hơn 40 ca mắc COVID-19 và đến 14h ngày 21/7 đang ghi nhận 40 ca mắc mới COVID-19.
Tính từ đợt dịch thứ tư ngày 27/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 548 trường hợp mắc COVID-19; trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là hơn 300 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 200 ca.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố, từ ngày 5/7đến nay, Hà Nội ghi nhận nhiều ca mắc mới, đặc biệt là còn 9 chùm ca bệnh phức tạp tại các địa chỉ: Huyện Đông Anh; 90 Nguyễn Khuyến (quận Đống Đa); Tân Mai (Hoàng Mai); Viện Cơ khí năng lượng và mỏ, số 565 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân); số 132 Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng); B6 Trại Găng, Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng); nhà thuốc Đức Tâm, Láng Hạ (quận Đống Đa); xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức) và chùm ca bệnh liên quan đến những người về từ Thành phố Hồ Chí Minh.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố Hà Nội Hà Nội vẫn còn hơn 40 điểm phong tỏa tại 17 quận, huyện.
Bên cạnh đó, lưu lượng người dân từ vùng dịch về Hà Nội vẫn nhiều. Theo thống kê, ngày 19/7 có 1.377 khách từ Thành phố Hồ Chí Minh về qua đường hàng không; 3.190 khách các tuyến từ Đà Nẵng trở vào về Thủ đô qua đường bộ….
“Đây là nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn, không bám sát di biến động từ cơ sở mà để trễ chỉ 1-2 ngày thôi thì rất nguy hiểm. Mỗi người dân phải là 1 chiến sĩ, mỗi gia đình là 1 pháo đài, chung tay chống dịch,” như Chủ tịch thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
"Lơi lỏng" ngay ngày thứ 3 thực hiện Công điện 15?
Đến nay đã là ngày thứ 3 thực hiện Công điện 15 từ 0h ngày 19/7/2021. Theo Công điện số 15/CĐ-CTUBND thành phố Hà Nội, từ 0h ngày 19/7/2021, thành phố Hà Nội áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn địa bàn.
Theo công điện, thành phố yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, và các trường hợp khẩn cấp khác như khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,…
Thực hiện nghiêm thông điệp 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; khai báo y tế thường xuyên.
Việc đứng chen chúc đông người không đảm bảo giãn cách khi đi lấy mẫu xét nghiệm như trên đã vi phạm thông điệp 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện theo Công điện 15 của thành phố Hà Nội.
Trong bối cảnh Hà Nội đang thực hiện giãn cách, nhiều nơi vẫn để xảy ra tình trạng tập trung đông người khi lấy mẫu xét nghiệm, khai báo y tế... như vậy dẫn đến nguy cơ lây nhiễm rất nhanh nếu chẳng may có ca F0 trong đám đông.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cần sự vào cuộc, kiểm tra và giám sát của chính quyền, các lực lượng chức năng để công tác tổ chức xét nghiệm, khai báo y tế đúng kỹ thuật, tuân thủ nghiêm túc các quy định giãn cách trong phòng, chống dịch.
Theo các chuyên gia, với biến chủng Delta, việc 1 F0 gây ra khoảng 50 ca lây nhiễm đã có tần suất cao, phổ biến, không lan nhỏ như trước đây. Từ đó yêu cầu kiểm soát nhanh nhất các ca nhiễm mới với tốc độ nhanh nhất phải tiếp tục được tập trung hàng đầu.
Chính vì vậy, Thành phố Hà Nội đã xác định áp dụng các biện pháp mạnh nhất gần với Chỉ thị 16 của Thủ tướng đề quyết tâm ngăn dịch. Tuy nhiên, ở một số nơi việc thực hiện còn chưa nghiêm túc, để xảy ra tình trạng như trên vô hình chung sẽ làm giảm hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch.
Điều này đòi hỏi các cấp cơ sở phải vào cuộc kịp thời, kiểm tra thực hiện nghiêm các quy định, không để ra sai sót dẫn đến bùng phát dịch.
Tốc độ lây lan cao, biến chứng bệnh nặng nhanh
Những ngày gần đây, tại các tỉnh phía Nam ghi nhận thực tế tại các địa phương cho thấy số ca mắc COVID-19 tăng rất nhanh, con số tăng hết sức chóng mặt. một tuần gần đây, mỗi ngày cả nước phát hiện 4000-5.000 trường hợp mắc mới COVID-19.
Tốc độ lây lan của virus SARS-Cov2 nhanh hơn rất nhiều lần và nhiều ca mắc mới đã không truy vết được nguồn lây.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định thực tế dịch bệnh trên thế giới đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực và đặc biệt đã xuất hiện các biến chủng mới được cảnh báo nguy hiểm hơn. Chính vì vậy nguy cơ bùng phát dịch là hiện hữu, kể cả tại các quốc gia đã đạt được độ bao phủ tiêm chủng cao. Việt Nam cũng đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn khi phải đối phó với biến chủng mới đầy nguy hiểm này, nhất là nước ta mới đang trong giai đoạn đầu triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Cụ thể, đợt dịch lần thứ 4 này, với biến chủng Delta có khả năng lây lan rất nhanh, đã được ghi nhận tại 58/63 tỉnh, thành phố. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết riêng đợt dịch thứ 4, Việt Nam đã ghi nhận hơn 60.000 ca mắc COVID-19, hơn 300 trường hợp tử vong./.
Một vài hình ảnh người dân chen nhau đi xét nghiệm COVID-19 tại Viện kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế - Hoàng Mai - Hà Nội, không thực hiện đúng quy định của Công điện 15 và các quy định 5K về phòng, chống dịch: