Hà Nội: Nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn tại vùng núi Ba Vì
Nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc của vùng núi Ba Vì, Hà Nội sẽ được giới thiệu tại Lễ khai trương Mùa du lịch Ba Vì năm 2022, diễn ra ngày 16/4.
Ngày 16/4 tới, UBND huyện Ba Vì sẽ tổ chức Khai trương du lịch Ba Vì năm 2022 với chủ đề “Du lịch Ba Vì - Trải nghiệm xanh, an toàn”.
Đây là hoạt động văn hóa du lịch hấp dẫn nhằm quảng bá, giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế về các sản phẩm du lịch Ba Vì. Qua đó, tăng cường giao lưu, xúc tiến, mở rộng hợp tác, mở rộng thị trường và liên kết phát triển các sản phẩm du lịch của địa phương với các địa phương khách trong toàn quốc.
Tại sự kiện, người dân và du khách sẽ được tham quan, trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện như: Ao Vua với các “Sản phẩm chăm sóc sức khỏe như “Dịch vụ tắm thuốc thảo dược” và “Chẩn trị và chăm sóc sức khỏe Nam y - Đông y”; thăm Vườn quốc gia Ba Vì; Tản Đà; Khoang Xanh – Suối tiên; Ba Vì Resort; Melia Ba Vi Moutain Resort….
Tham quan du lịch Bản Coốc tại xã Minh Quang với sản phẩm du lịch mới: “Chợ phiên Mường - Dao Ba Vì”.
Tham quan Khu du lịch Khoang Xanh – Suối Tiên với sản phẩm: “Động băng tuyết”.
Tham quan trải nghiệm dịch vụ nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe tại Thiên Sơn - Suối Ngà.
Thăm di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn: cụm di tích đền thờ Tản Viên Sơn Thánh: đền Thượng – đền Trung – đền Hạ; chùa Tản Viên, K9 Đá Chông, đền thờ Bác Hồ…
Sau khai trương du lịch các công ty lữ hành, Trung tâm xúc tiến du lịch các tỉnh có thể ký kết, trao đổi sản phẩm với các đơn vị du lịch của Ba Vì.
Ban Tổ chức cho biết, năm 2022 sẽ có nhiều hoạt động diễn ra thường xuyên tại huyện Ba Vì.
Tại Du lịch Bản Coôc - Minh quang sẽ có một số hoạt động “Chợ phiên Mường - Dao Ba Vì” vào cuối tuần. Ngoài ra đến đây, du khách còn được trải nghiệm văn hóa Mường, Dao Ba Vì với tục vác nước đầu xuân của già làng Mường, văn hóa ẩm thực dân tộc; Văn hóa chiêng Mường; Tìm hiểu Bộ lịch cổ đại người Mường Việt Nam…, tham quan và trải nghiệm vườn chè, vườn thuốc nam dân tộc Dao…
Đặc biệt, “Lễ hội Cơm mới” sẽ được tổ chức tại Bản Coôc vào dịp 10/10 âm lịch, đúng dịp cũng cơm mới truyền thống của nhân dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tại đây sẽ có các hoạt động chế biến nông sản và hội thi nấu cơm ngày mùa mừng cơm mới gắn với các hoạt động của chợ phiên và các hoạt động tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn.
Trong khi đó, tại Vườn Quốc gia Ba Vì sẽ có “Lễ hội khinh khí cầu” gắn với hoạt động trải nghiệm và trình diễn hoa dã quỳ như con đường hoa; lều hoa; carnaval hoa dã quỳ được tổ chức vào tháng 11.
Tại các điểm du lịch trên địa bàn các xã Minh Quang, Ba Vì, Vân Hòa, Yên Bài, cả năm sẽ có sản phẩm văn hóa, ẩm thực dân tộc Mường (văn hóa chiêng Mường, trang phục dân tộc, ẩm thực dân tộc Mường); các hoạt động trải nghiệm trồng rau, chế biến nông sản thủ công truyền thống gắn với hoạt động sản xuất các sản phẩm OCOP của nhân dân như vườn chè Phú Yên, mô hình trồng bưởi…
Về du lịch sinh thái, Ba Vì là vùng đất có rất nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như núi, rừng, thác, suối, sông, hồ gắn liền với các địa chỉ du lịch được nhiều du khách biết đến như: Vườn quốc gia Ba Vì; Du lịch Ao Vua; Khoang Xanh - Suối Tiên; Thiên Sơn - Suối Ngà, Tản Đà,... Nơi đây còn có nhiều trang trại đồng quê, nhiều sản phẩm nông nghiệp phong phú và nguồn nước khoáng nóng thiên nhiên tại Thuần Mỹ rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Về du lịch văn hóa tâm linh, vùng đất Ba Vì ngày nay vào thời Hùng Vương dựng nước thuộc bộ lạc Văn Lang, miền đất từ núi Tản, sông Đà sang đến Sông Hồng. Là miền truyền thuyết cổ tích thời các vua Hùng hiện còn nhiều nhất. Tương truyền là trường hoạt động của Sơn Tinh - Tản Viên Sơn Thánh, qua bao thế kỷ vẫn được suy tôn là một trong tứ bất tử, “thượng đẳng tối linh thần”, đệ nhất phúc thần của toàn quốc và toàn dân.
Ba Vì có mật độ các di tích lịch sử văn hóa dày đặc như: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh núi Ba Vì, khu di tích K9, Cụm di tích Đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, đình Thụy Phiêu,... gắn liền với tên tuổi các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa như: Tản Viên Sơn Thánh, Chủ tịch Hồ Chí Minh,…
Bên cạnh đó còn có hệ thống các di tích liên quan đến các danh nhân trong lịch sử phong kiến Việt Nam như Nhà thờ Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Sư Mạnh ở xã Cổ Đô, Nhà thờ Tiến sĩ, Thượng thư Trần Thế Vinh ở xã Phú Châu, danh nhân Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu ở Sơn Đà, khu Di tích Miếu Mèn (thờ mẹ Hai Bà Trưng) thuộc thôn Nam An, xã Cam Thượng, đền Bà Chúa Đá Đen….
Về du lịch nông nghiệp, Ba Vì có Trang Trại Đồng Quê (Bavi Homestead), Hợp tác xã cổ phần nông trại xanh, Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì xã Vân Hòa; Gia Trịnh ecofarm, Nông trang vui vẻ xã Yên Bài… Đến đây, du khách sẽ được tham quan các làng sản xuất nông nghiệp có truyền thống lâu, được hưởng thụ các đặc sản thiên nhiên tươi lành cũng như có cơ hội tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch nông nghiệp mang đậm dấu ấn văn hóa đồng quê Việt Nam như: cấy lúa, bắt cá cua ốc bằng những dụng cụ làm bằng tre, trồng và hái các loại rau rừng và rau thảo dược, xem cách làm mật ong, tự hái và sao chè khô, cho đà điểu, dê, thỏ, bò sữa ăn…
Đặc biệt, trên núi Ba Vì, từ những năm 1932 - 1944, người Pháp đã tiến hành xây dựng một thị trấn và khu nghỉ mát cách đây gần 100 năm gồm các cụm điểm: cốt 400 với rừng thông bạt ngàn với thảm cỏ xanh mướt; cốt 600 có khu phế tích của người Pháp với những công trình kiến trúc kỳ vĩ; lên độ cao khoảng 800m, rẽ phải, vượt lên một đoạn dốc cao và khúc cua tay áo là khu phế tích gồm nhà thờ, những biệt thự nghỉ mát hoang sơ tuyệt đẹp.
Sự tồn tại của gần 200 nền phế tích mà người Pháp để lại, hiện vẫn còn nguyên lớp tường đổ nát, rêu phong nằm rải rác giữa núi rừng Ba Vì. Đến đây, du khách sẽ được thưởng lãm vẻ đẹp hoang sơ và những bức ảnh lung linh, huyền ảo.