Hà Nội: Nhiều trường đề xuất hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng kiến thức cho học sinh
Các trường đề xuất được hỗ trợ kinh phí cho việc bồi dưỡng, bổ trợ kiến thức cho 3 nhóm học sinh theo quy định của Thông tư 29, có giải pháp để tận dụng hiệu quả cơ sở vật chất trường lớp học, có chính sách đãi ngộ phù hợp với nhà giáo, đảm bảo giáo viên có thể yên tâm cống hiến với nghề...

Ảnh minh họa.
Ngày 24/2/2025, Đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc thực hiện Thông tư số 29/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29).
Báo cáo về tình hình của nhà trường trước và sau khi triển khai Thông tư 29, bà Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh (Quận Ba Đình) cho biết Trường THCS Phan Chu Trinh có hơn 1800 học sinh tại 44 lớp và 99 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Trước khi Thông tư 29 ban hành, do nhà trường đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhân viên để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho 100% học sinh, vì vậy nhà trường không tổ chức dạy thêm, học thêm.
Nhà trường thường xuyên tiến hành kiểm tra việc dạy thêm học thêm trong và ngoài nhà trường, kiểm tra nắm bắt tình hình học sinh trên lớp về việc dạy thêm, học thêm.
Kết quả kiểm tra không có giáo viên vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm; không có việc đối xử không công bằng đối với học sinh; không có tình trạng giáo viên chèn ép, bắt buộc học sinh phải đi học thêm.
Triển khai Thông tư 29, nhà trường đã thông tin, tuyên truyền tới đội ngũ giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh. Đồng thời đã chủ động, linh hoạt các giải pháp, đảm bảo việc thực hiện Thông tư 29 không làm xáo trộn các hoạt động dạy và học của nhà trường.

Quảng cảnh hội nghị. Ảnh: MOET.
Tại Trường THPT Phạm Hồng Thái, theo báo cáo của Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Sơn, trước khi Thông tư 29 ban hành, nhà trường không tổ chức dạy, học thêm có thu phí trong nhà trường và trong năm học.
Việc tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh có kết quả học tập yếu kém được thực hiện thường xuyên. Đây là nhiệm vụ của giáo viên, thực hiện theo phân công của tổ chuyên môn, phù hợp với kế hoạch giáo dục của nhà trường trong năm học. Các lớp học này từ trước đến nay là hoàn toàn miễn phí.
Việc ôn tập cho học sinh thi tốt nghiệp THPT được thực hiện sau khi kết thúc năm học, trên tinh thần tự nguyện của học sinh, mức thu chi thực hiện theo quy định.
Đối với việc dạy thêm ngoài nhà trường, có một số giáo viên, chủ yếu các môn Toán, Văn, Tiếng Anh dạy nhóm nhỏ theo đề nghị của phụ huynh học sinh hoặc phụ huynh đứng ra tổ chức mời giáo viên dạy kèm, học phí thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh và giáo viên.
Từ khi Thông tư số 29 được ban hành và có hiệu lực, các lớp phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi tiếp tục được thực hiện miễn phí theo kế hoạch năm học.
Hiện có 5 giáo viên Ngữ văn của nhà trường đang làm hồ sơ đăng ký tham gia dạy thêm tại trung tâm bồi dưỡng kiến thức.
Đánh giá về Thông tư 29, Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Sơn cho rằng nội dung quy định tại Thông tư 29 và hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Với Thông tư 29, việc quản lý dạy thêm dễ kiểm soát hơn, là cơ sở để nhà giáo nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm với học sinh. Giáo viên cũng có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ…
Nêu một số khó khăn khi triển khai Thông tư 29, cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh Trường THCS Phan Chu Trinh và Trường THPT Phạm Hồng Thái đề cập tới khó khăn kinh phí hỗ trợ giáo viên bồi dưỡng, ôn tập cho học sinh; khó khăn trong kiểm tra, giám sát dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; khó khăn trong thay đổi thói quen tự học của học sinh; khó khăn quản lý thời gian ở nhà của học sinh…
Các trường đề xuất được hỗ trợ kinh phí cho việc bồi dưỡng, bổ trợ kiến thức cho 3 nhóm học sinh theo quy định của Thông tư 29, có giải pháp để tận dụng hiệu quả cơ sở vật chất trường lớp học, có chính sách đãi ngộ phù hợp với nhà giáo, đảm bảo giáo viên có thể yên tâm cống hiến với nghề.
Báo cáo việc triển khai Thông tư 29 tại Hà Nội, ông Phạm Quốc Toản, Phó Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội, cho biết hiện đã có lộ trình để hỗ trợ kinh phí cho các nhà trường.