Hà Nội: 'Nhồi' cao ốc sau khi di dời cơ sở ra khỏi nội đô

HĐND TP. Hà Nội đã thống nhất sẽ di dời 9 nhà máy, cơ sở nhà đất phải tiến hành di dời khỏi nội đô trong 5 năm tới. Nhiều người đồng tình tán thành với chủ trương chung nhưng cũng không khỏi băn khoăn về việc sẽ có nhiều cao ốc mọc lên sau khi quá trình di dời thực hiện xong.

Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long tại 235 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân có diện tích hơn 64.000m2 sẽ phải di dời trong 5 năm tới. UBND TP. Hà Nội phê duyệt khu đất này nằm trong quy hoạch khu chức năng đô thị có tổng diện tích gần 110.000m2, dân số gần 10 nghìn người. Khu vực này sẽ được thực hiện nhiều dự án thương mại lên tới 46 tầng.

Anh NGUYỄN ĐÌNH LƯU, Phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội: “Tôi cũng rất quan tâm là sau di dời thì đất này dùng vào việc gì ? Tôi đề nghị là phải ưu tiên cho môi trường, thêm các lá phổi xanh cho thành phố. Chứ bây giờ dân cư ngày càng đông, khói bụi, ô nhiễm thì lúc nào cũng có cả.”

Theo kế hoạch, TP. Hà Nội sẽ tiến hành di dời 9 cơ sở nhà đất, nhà máy ra khỏi nội đô. Từ đó sẽ giảm thiểu ô nhiễm, thêm không gian sống cho người dân.

Anh NGÔ ĐÌNH LONG, Phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP.Hà Nội: “Cái việc di dời thì đúng chủ trương, nhưng tương lai thì nên giữ lại, xây các công trình công cộng, chứ xây chung cư thì lại không có không gian cho người dân sinh hoạt.”

Theo quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ, việc sử dụng quỹ đất sau di dời phải ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị, không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành. Tuy nhiên, theo đánh giá những quy hoạch gần đây của UBND TP. Hà Nội dường như chưa đúng với chỉ đạo của Thủ tướng.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội:Chuyển đổi nhà máy đó trở thành không gian công cộng, không gian xanh thì chúng ta biết rằng đấy là mục tiêu. Nhưng thực tế thì rất khác xa việc đó. Chúng ta có thể quay lại, bao nhiêu nhà máy, trở thành không gian công cộng, thảm xanh của thành phố thì không có, thay vào đó là những chung cư, cao ốc. Quá trình tư nhân hóa biến đổi tài sản công thành tài sản tư của cá nhân hay tập đoàn thì cũng đều là tư hữu tài sản công đó. Xã hội, không có lợi ích gì trong dự án đó, và rõ ràng niềm hy vọng tan vỡ.”

Bài học “băm nát” quy hoạch tại tuyến Lê Văn Lương, Tố Hữu vẫn còn hiện hữu, thực tế đã chỉ ra việc UBND TP. Hà Nội lạm dụng điều chỉnh quy hoạch, đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng để cấp phép cho nhiều công trình cao vượt tầng gây gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật. Cử tri mong muốn 9 khu đất vàng sẽ không tiếp tục rơi vào cảnh tương tự khi những quy hoạch được thông qua như lá “bùa hộ mệnh” cho việc thực thi đúng quy trình.

Thực hiện : Ngọc Thiện Khánh Hoàng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/ha-noi-nhoi-cao-oc-sau-khi-di-doi-co-so-ra-khoi-noi-do