Hà Nội như 'nhà mặt tiền', cần cơ chế để phát huy tiềm lực

'Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn được coi là 'nhà mặt tiền' của quốc gia, có vị thế, vị trí hơn hẳn các địa phương khác. Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa xã hội và là trái tim cả nước. Cơ chế nào để phát huy tiềm lực ấy, của nhà mặt tiền ấy', Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đặt vấn đề.

Ngày 12-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình về việc trao một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù để Hà Nội phát triển tương xứng vị trí Thủ đô.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nhấn mạnh, Hà Nội là địa phương duy nhất có luật là Luật Thủ đô. Năm 2017, Chính phủ cũng đã có Nghị định 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, các quy định về cơ chế tài chính, chính sách chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển của Hà Nội. Do đó, việc xem xét, bổ sung cơ chế, chính sách về tài chính ngân sách cho Thủ đô là cần thiết để thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2025 xây dựng và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là Thủ đô, là động lực phát triển của vùng và của cả nước.

Về quan điểm của một số đại biểu cho rằng, cơ chế đặc thù nên dành cho các tỉnh nghèo, có điều kiện còn nhiều khó khăn để giúp các tỉnh đó vươn lên, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết ông có quan điểm khác. “Đúng là địa phương nào cũng có đặc thù. Nhưng mỗi địa phương có điều kiện khác nhau thì cơ chế có những quy định riêng cho địa phương ấy. Thực tế cho thấy, việc ban hành văn bản, cơ chế chính sách ban hành ra không thể phù hợp với tất cả các địa phương được. Cho nên, cơ chế đặc thù được coi là sự bổ khuyết và cho phép các địa phương năng động hơn về cơ chế, chính sách để phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, dự thảo Nghị quyết thể hiện rõ tinh thần cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, dự thảo Nghị quyết thể hiện rõ tinh thần cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng bày tỏ đồng tình với đề xuất như Nghị quyết. Theo đại biểu, dự thảo đề xuất 9 cơ chế đặc thù thì có 7 cơ chế có tính tương đồng với nhiều cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. 7 cơ chế tương đồng này TP Hồ Chí Minh đã áp dụng hiệu quả. Còn lại 2 nội dung khác biệt, đại biểu phân tích, “Hà Nội xin sử dụng kinh phí chi thường xuyên còn dư dôi đầu tư cho các công trình cấp bách thực chất là tiết kiệm chi thường xuyên cho chi đầu tư. Chúng ta khuyến khích việc này vì vậy không lí do gì không đồng tình. Hai Hà Nội đề xuất sử dụng ngân sách của TP để hỗ trợ cho địa phương khác trong điều kiện gặp khó khăn. Điều này thể hiện rõ tinh thần cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước. Vì vậy, cũng không có gì phải băn khoăn khi thông qua cơ chế này với Hà Nội”, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) ví Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn được coi là “nhà mặt tiền” của quốc gia, có vị thế, vị trí hơn hẳn các địa phương khác. Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, là “trái tim” của cả nước.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: "Điều quan trọng hiện nay là phát huy vai trò cấp ủy, của chính quyền, người lãnh đạo, phát huy được sự phấn đấu của người dân Thủ đô để phát triển". Ảnh Quochoi.vn

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: "Điều quan trọng hiện nay là phát huy vai trò cấp ủy, của chính quyền, người lãnh đạo, phát huy được sự phấn đấu của người dân Thủ đô để phát triển". Ảnh Quochoi.vn

Đại biểu băn khoăn, cơ chế nào để phát huy tiềm lực của Hà Nội, của “nhà mặt tiền” đấy. Việc xin cơ chế là đúng nhưng xin cơ chế phải khác với xin nguồn lực, phải đánh giá rõ rang. “Điều quan trọng hiện nay là phát huy vai trò cấp ủy, của chính quyền, người lãnh đạo, phát huy được sự phấn đấu của người dân Thủ đô để phát triển”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Theo chương trình, ngày 19-6-2020, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-nhu-nha-mat-tien-can-co-che-de-phat-huy-tiem-luc-197262.html