Hà Nội: Những đặc sản bản địa quý đang được bảo tồn như thế nào?
Nhờ thực hiện tốt việc bảo tồn, khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, Hà Nội đã phục tráng và nhân rộng thành công nhiều giống cây trồng, vật nuôi đặc sản. Đây là động lực giúp các đặc sản của Thủ đô phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Sản xuất đại trà nhiều giống cây trồng, vật nuôi quý
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhiều huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã chú trọng phát triển các loại đặc sản. Tại huyện Mỹ Đức, việc bảo tồn và phát triển giống mơ Hương Tích đang được địa phương này tích cực thực hiện và cho kết quả khả quan.
Khu Thung Chùa (thôn Phú Yên, xã Hương Sơn) hầu như gia đình nào cũng trồng một vài cây mơ, trong đó nhiều hộ trồng quy mô lớn. Vườn mơ của gia đình bà Đinh Thị Trâm có 350 gốc, trong đó có 2 cây cổ thụ (khoảng 100 năm).
Bà Trâm chia sẻ: “Từ gốc mơ cổ thụ, gia đình đã nhân giống để vừa trồng thêm trong vườn nhà, vừa bán cây giống. Vụ mơ năm 2022, gia đình bà Trâm thu hoạch được 5 tạ, bán với giá 80.000 đồng/kg và bán tại vườn cho du khách tự hái kết hợp chụp ảnh với giá 100.000 đồng/kg. Giá mơ Hương Tích luôn cao gấp 3 lần so với mơ nơi khác nhưng chưa bao giờ đủ hàng để bán”.
Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng (Sở NN&PTNT Hà Nội), rừng đặc dụng Hương Sơn có diện tích 4.705ha, có nhiều thung lớn tới vài chục héc ta, trong đó Thung Chùa rộng nhất (khoảng 70ha) với hơn 100 hộ dân canh tác. Ước tính mỗi năm, sản lượng mơ toàn vùng đạt khoảng 2 tấn.
Không chỉ với cây trồng, nhiều giống vật nuôi bản địa đặc sắc cũng được ngành nông nghiệp phục tráng, đưa vào sản xuất đại trà hiệu quả. Giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm (Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội - HADICO) Nguyễn Duy Vụ cho hay, năm 2005, Bộ NN&PTNT đưa giống gà Mía vào danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn.
HADICO được giao thực hiện nhiệm vụ này và trở thành cơ sở lớn nhất miền Bắc về chăn nuôi, sản xuất gà Mía, đồng thời tạo ra những dòng riêng đáp ứng yêu cầu phát triển đàn gà thương phẩm.
Hiện, Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm đang sở hữu khoảng 10.000 con gà giống gốc thuần, được chăm sóc theo quy trình đặc biệt tại trang trại 11ha, xa khu dân cư; khu lò ấp được đầu tư máy móc hiện đại, mỗi năm cung cấp khoảng 2 triệu con giống gà Mía...
Bên cạnh thành công như trên vẫn còn nhiều giống cây trồng, vật nuôi bản địa của Hà Nội được khôi phục nhưng quy mô, hiệu quả chưa được như mong muốn do chi phí đầu vào cao, khâu tiêu thụ chưa thuận lợi. Điển hình: Vịt cỏ Vân Đình (huyện Ứng Hòa), rau muống Linh Chiểu (huyện Phúc Thọ), rau sắng chùa Hương của huyện Mỹ Đức, rau húng Láng, rau cải mơ Hà Nội, cải mào gà của huyện Hoài Đức...
Cần thêm nguồn lực, kinh phí để nhân rộng
Thông tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội, TP hiện có khoảng 30 giống cây trồng, vật nuôi đặc sản, trở thành thương hiệu nổi tiếng, được đưa vào danh mục những nguồn gen cần bảo tồn, phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi để các địa phương có giải pháp tăng diện tích, sản lượng, đưa nông sản trở thành sản phẩm chủ lực của Hà Nội.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, TP đã và đang tăng cường đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất song song với việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển các giống bản địa như gà Mía Sơn Tây, Vịt cỏ Vân Đình để phục vụ công tác lai tạo giống cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm ngày càng cao của thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất.
Đối với chăn nuôi vịt, vùng trọng điểm sản xuất giống vịt được phát triển tập trung tại 2 huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa và xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển giống vịt cỏ tại huyện Ứng Hòa. Đặc biệt, hiện nay, giống Vịt cỏ Vân Đình đang được nuôi giữ phục vụ công tác lai tạo giống tại các đơn vị nghiên cứu, khoa học của Bộ NN&PTNT và phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Cụ thể như vịt cỏ Vân Đình, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho hay, thời gian qua, Viện phối hợp chặt chẽ với Hà Nội triển khai các chương trình nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển nông nghiệp.
Trong hơn 5 năm qua, đã có 47 nhiệm vụ khoa học công nghệ được Viện phối hợp thực hiện với các sở, ngành của thành phố. Các chương trình hợp tác hướng đến nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi bản địa, đặc sản; tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu nông sản; nghiên cứu phục tráng nguồn gen cây trồng bản địa; các biện pháp canh tác bền vững cây ăn quả đặc sản; ứng dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại.
“Thời gian tới, Hà Nội cần đầu tư thêm nguồn lực, kinh phí để nhân rộng, đưa khoa học kỹ thuật mới vào phục vụ sản xuất đại trà” - GS.TS Nguyễn Hồng Sơn kiến nghị.
TP, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng và các cục, vụ, viện để bảo tồn, lưu giữ những nguồn gen quý. Hà Nội cũng đang từng bước xây dựng bộ kỹ thuật sản xuất cho từng loại cây trồng, vật nuôi gắn với chú trọng phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn; ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến nhằm nâng tầm cho đặc sản của Thủ đô.