Hàng trăm hộ nông dân trồng quất Tứ Liên đã và đang tất bật chuẩn bị những công việc cuối cùng để cung ứng ra thị trường những gốc quất đẹp, độc đáo và có giá trị cao phục vụ nhu cầu chơi Tết của người dân.
Những ngày này, khắp nơi làng quất cổ Tứ Liên luôn nhộn nhịp cảnh người dân chuẩn bị những khâu cuối cùng để đưa cây quất ra thị trường.
Chỉ hơn 1 tháng nữa, Tết cổ truyền sẽ đến, dịp này người nông dân tiến hành "đánh thuốc" kích thích quả quất chín vàng ruộm.
Việc "đánh thuốc" là một trong hàng chục công đoạn mà nông dân Tứ Liên thực hiện hàng ngày. Ngoài ra, việc điều tiết nước, phân bón cũng như theo dõi thời tiết là công việc buộc nông dân phải sát sao.
Gia đình ông Hoàng Văn Long nhiều ngày nay đã thuê nhóm công nhân vận chuyển quất cảnh sâu bên trong ruộng ra phía ngoài để chào bán.
Công đoạn vận chuyển quất cảnh lên trên cũng đòi hỏi sự khéo léo, cẩn trọng, nếu không quất sẽ bị rụng, tệ hơn có thể bị bật rễ, bung bầu.
Ông Long cho biết, bản thân có hơn 20 năm trong nghề trồng quất cảnh nên hiểu biết đặc tính sinh trưởng, cách điều tiết nước, phân bón...
Nhóm công nhân gồng mình vận chuyển từng gốc quất trên bình gốm lên đầu ruộng để phục vụ khách đến thuê mua.
Ông Long cho biết, tại Tứ Liên rất nhiều gia đình có truyền thống trồng quất hàng chục năm, nhà ít vài trăm gốc, nhà nhiều lên đến cả nghìn.
Quất bonsai ngự trên lưng linh vật hay trong bình gốm được người dân Thủ đô ưa chuộng trong nhiều năm trở lại đây.
Giá mỗi cây quất bonsai có giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng.
Những chậu quất cỡ lớn thế này trên bình gốm có giá lên đến 5 triệu đồng.
Thời điểm này, các nhà vườn cũng đã nhận đặt cọc của khách đến thuê hoặc mua đứt.
Trồng quất bonsai hay quất cảnh trên bình gốm mang lại giá trị cao cho người nông dân Tứ Liên.
Theo các chủ vườn, nhiều khách từ các tỉnh lân cận cũng đã tìm đến Tứ Liên để đặt mua.
Hơn lúc nào hết, người nông dân Tứ Liên đang mong ngóng từng ngày với hi vọng năm nay sẽ được mùa, được giá.
Để nghề trồng quất tại Tứ Liên luôn được lưu giữ mãi trước quá trình đô thị hóa.
Lê Bảo