Hà Nội: Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai bệnh án điện tử
Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong khám, chữa bệnh (KCB). Đặc biệt, các bệnh viện trên địa bàn Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ triển khai bệnh án điện tử, đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/9/2025, theo đúng lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ.

Bệnh án điện tử giúp thuận tiện lưu trữ, tra cứu thông tin sức khỏe người bệnh, nâng cao chất lượng điều trị. Ảnh: ST
Từng bước số hóa quy trình khám, chữa bệnh
TS Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội - cho biết, ngành y tế Hà Nội xác định chuyển đổi số là quá trình liên tục và quyết liệt đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý điều hành, KCB để người dân được thụ hưởng các tiện ích trong KCB và chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Sở đang tích cực chỉ đạo các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập đẩy nhanh tiến độ triển khai bệnh án điện tử, đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/9/2025 theo đúng lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ. Đây là cơ sở để triển khai kết nối, liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện trên địa Thành phố với các bệnh viện Bộ/ngành, tạo sự chuyển biến về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế trên địa bàn; tăng cường khả năng chuẩn hóa, chia sẻ dữ liệu giữa các tuyến cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố.
“Việc ứng dụng bệnh án điện tử không chỉ giúp bác sĩ và nhân viên y tế tra cứu, cập nhật thông tin bệnh nhân một cách thuận tiện, mà còn nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe người dân. Đồng thời, hệ thống bệnh án điện tử còn giúp tiết kiệm chi phí vận hành, giảm áp lực lưu trữ hồ sơ giấy” - TS Nguyễn Đình Hưng chia sẻ.
Trước đó, ngày 20/5/2025, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 144/KH-UBND về việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại toàn bộ các bệnh viện trên địa bàn nhằm thực hiện Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 14/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, 100% bệnh viện trên toàn TP. Hà Nội phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện, hoàn thành trong tháng 9/2025; đồng thời nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, tối ưu hóa quy trình quản lý và vận hành hệ thống y tế, hướng tới mục tiêu xây dựng nền y tế số hiện đại. Các bệnh viện trong và ngoài công lập triển khai hồ sơ bệnh án điện tử phải bảo đảm theo nội dung Thông tư 46/2018/TT-BYT hướng dẫn triển khai hồ sơ bệnh án điện tử của Bộ Y tế và hoàn thành chậm nhất trước ngày 30/9/2025.
UBND Thành phố yêu cầu, các bệnh viện cần đạt các tiêu chí về: hệ thống thông tin bệnh viện (HIS), lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS-PACS), hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS), bảo mật và an toàn thông tin triển khai kết nối liên thông dữ liệu toàn thành phố. Ngoài ra, các bệnh viện phải thực hiện liên thông dữ liệu khai thác thông tin hồ sơ bệnh án điện tử như: sổ sức khỏe điện tử, đơn thuốc điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại… giữa các bệnh viện trên toàn thành phố.
Tính đến ngày 17/7/2025, Hà Nội đã có 18/42 bệnh viện công lập hoàn thành đã hoàn thành triển khai bệnh án điện tử, gồm: Đa khoa Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội, Ung bướu Hà Nội, Đa khoa Đông Anh, Đa khoa Vân Đình, Đa khoa Hòe Nhai, Đa khoa Sóc Sơn, Đa khoa Ba Vì, Đa khoa Quốc Oai, Đa khoa Mỹ Đức, Nhi Hà Nội, Đa khoa Phú Xuyên, Đa khoa Hoài Đức, Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, Đa khoa huyện Mê Linh, Nam Thăng Long, Đa khoa Hà Đông, Đa khoa Sơn Tây.
Giảm chi phí, tăng sự hài lòng
Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức là bệnh viện công lập đầu tiên của TP Hà Nội triển khai thành công Bệnh án điện tử và là địa điểm được nhiều đơn vị trong ngành đến tham quan, học hỏi. Bệnh án điện tử tại Bệnh viện được triển khai một cách đồng bộ đầy đủ các giải pháp HIS, LIS, EMR, PACS, quản lý điều hành và hạ tầng công nghệ thông tin. Hồ sơ bệnh án điện tử bao gồm hồ sơ bệnh án nội trú, hồ sơ bệnh án ngoại trú và các loại hồ sơ bệnh án khác theo quy định của Bộ Y tế. Bệnh viện đã sử dụng chữ ký số, chữ ký điện tử trong hồ sơ bệnh án điện tử, kết nối đầy đủ các hệ thống phần mềm như: HIS, LIS, EMR, PACS, ...

Hội đồng đánh giá khảo sát cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại Bệnh viện đa khoa Sơn Tây. Ảnh: DUY TUÂN
Việc triển khai hệ thống bệnh án điện tử góp phần hiện đại hóa các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao. Theo chia sẻ của lãnh đạo Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức, hồ sơ bệnh án điện tử được triển khai sẽ mang lại nhiều lợi ích như bệnh nhân không còn phải mang nhiều loại giấy tờ khi đi KCB; việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế minh bạch, không còn tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế. Đặc biệt, việc ứng dụng thẻ từ thông minh để tiếp đón bệnh nhân rút ngắn thời gian tiếp đón từ khoảng 3 phút/1 bệnh nhân xuống còn từ 5-10 giây/1 bệnh nhân.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng bệnh án điện tử giúp mọi dữ liệu dễ dàng liên thông, giúp cho bác sĩ hội chẩn tức thì, mọi nơi, mọi lúc; tiết kiệm diện tích, không gian cho việc lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy như trước kia cũng như giảm thiểu bộ phận quản lý kho hồ sơ bệnh án - vốn tốn rất nhiều nguồn lực của bệnh viện.
Mới đây nhất, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây là bệnh viện công lập thứ 18 của Thành phố vừa được Hội đồng chuyên môn tư vấn triển khai bệnh án điện tử - đánh giá, công nhận đủ điều kiện triển khai hệ thống bệnh án điện tử phục vụ công tác KCB, thay thế hoàn toàn bệnh án giấy.
Đại diện Bệnh viện cho biết, nhận thức được vai trò của chuyển đổi số trong nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, Bệnh viện đã từng bước hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật và số hóa quy trình KCB. Từ năm 2023, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS), hoàn thiện số hóa các phân hệ theo quy định tại Thông tư 54/2017/TT-BYT. Các phân hệ được xây dựng đồng bộ bao gồm liên thông hai chiều với hệ thống xét nghiệm (LIS), quản lý nghiên cứu khoa học, nhân sự, đào tạo và quy trình kỹ thuật.
Bệnh viện cũng đã chủ động nâng cấp hạ tầng kỹ thuật nhằm đáp ứng các tiêu chí của Thông tư 54. Đặc biệt, từ ngày 01/5/2025, Bệnh viện đã chủ động triển khai thí điểm bệnh án điện tử và xây dựng Đề án triển khai bệnh án điện tử, giai đoạn 2025-2027. Các phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS), hệ thống xét nghiệm (LIS), hệ thống chẩn đoán hình ảnh (RIS) được tích hợp, kết nối liên thông với cơ quan bảo hiểm xã hội, hệ thống PACS kết nối các thiết bị chẩn đoán hình ảnh.
Theo PGS.TS Trần Quý Tường - Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, việc triển khai bệnh án điện tử là xu thế tất yếu và vô cùng cần thiết trong lộ trình chuyển đổi số ngành y tế. Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây đã triển khai đồng bộ các hợp phần quan trọng, trong đó hệ thống phòng máy chủ được trang bị đầy đủ thiết bị, phần mềm đáp ứng yêu cầu triển khai bệnh án điện tử. Bệnh viện cần tiếp tục trang bị chữ ký số cho toàn bộ các bác sĩ, đồng thời ban hành quy trình quản lý, sử dụng chữ ký số theo đúng quy định. Bệnh viện cũng cần trang bị thêm máy in mã vạch tại các khoa, phòng, nghiên cứu áp dụng các công cụ chatbot hỗ trợ chuyên môn và xây dựng phần mềm lưu trữ dữ liệu bệnh án điện tử có tính bảo mật cao.
Những nỗ lực của các cơ sở y tế trong triển khai bệnh án điện tử đã đặt những “viên gạch” đầu tiên trên lộ trình hướng tới mô hình bệnh viện thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phục vụ tốt hơn công tác KCB cho nhân dân./.