Hà Nội nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu về an toàn, vệ sinh lao động
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 18/KH-UBND về an toàn lao động, vệ sinh lao động thành phố Hà Nội năm 2021.
Theo kế hoạch, hằng năm, thành phố đặt mục tiêu, trung bình giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người trên địa bàn thành phố, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động (xây dựng, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, vận hành lưới điện...).
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện AT,VSLĐ, phấn đấu: Trên 95% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác AT,VSLĐ cấp quận, huyện, thị xã và trong các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được tập huấn nâng cao năng lực về AT,VSLĐ; hơn 85% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về AT,VSLĐ; người làm công tác AT,VSLĐ; người làm công tác y tế; an toàn vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh được huấn luyện về AT,VSLĐ.
Trên 80% số làng nghề, hợp tác xã làm việc trong môi trường có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin phù hợp về an toàn, vệ sinh lao động. Hơn 80% số người thuộc lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc được huấn luyện, cập nhật về sơ cứu, cấp cứu. Khoảng 60% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp phổ biến được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; 60% doanh nghiệp có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp được thực hiện đo quan trắc môi trường lao động.
Thành phố cũng đặt mục tiêu, giảm 15% số người lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp; đảm bảo trên 80% số người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp được khám, phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp. Tăng thêm 2.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả một số nội dung cơ bản của hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động xây dựng văn hóa an toàn trong lao động.
Cùng với đó, bảo đảm 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được điều trị và phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật. 100% số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. 100% đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thành lập được mạng lưới an toàn vệ sinh viên.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND thành phố đã triển khai nhiều nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về AT,VSLĐ. Nâng cao năng lực và hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát về AT,VSLĐ đối với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý nhà nước về công tác AT,VSLĐ cho cán bộ làm công tác AT,VSLĐ của các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.
Trong nâng cao nghiệp vụ quản lý và chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc, thành phố sẽ triển khai các biện pháp phòng, chống một số bệnh nghề nghiệp phổ biến, thường gặp trong các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp. Tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng cho người bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; nghiệp vụ quan trắc môi trường lao động, đánh giá các yếu tố có hại trong lao động. Tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho người làm công tác y tế, lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc.
Thành phố cũng sẽ triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền, tư vấn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, người sử dụng lao động và người lao động đối với công tác AT,VSLĐ. Nâng cao hiệu quả các phong trào quần chúng làm công tác AT,VSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, triển khai các dự án về an toàn lao động, vệ sinh lao động của thành phố.