Hà Nội: Nỗ lực nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính
Năm 2023, thành phố Hà Nội tiếp nhận 6.134 phản ảnh, kiến nghị, đã xử lý đạt 100%. Thành phố cũng xây dựng kế hoạch cải thiện, nâng cao các chỉ số cải cách hành chính, tổ chức hội thảo khoa học để tìm kiếm các giải pháp mới nhằm cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức.
Năm 2023, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố đã ban hành 363 văn bản để chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn Thành phố. Từ sự chỉ đạo quyết liệt đó, công tác cải cách soát thủ tục hành chính trong năm của Thành phố đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Đồng thời, UBND Thành phố đã phê duyệt phương án đơn giản hóa 122 soát thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực, đạt tỷ lệ trên 20%; công bố danh mục 1.221 thủ tục, sửa đổi và bổ sung 935 thủ tục, bãi bỏ 202 thủ tục.
Phê duyệt 1.369 quy trình nội bộ giải quyết soát thủ tục hành chính, trong đó có 26 quy trình nội bộ liên thông với Trung ương; 2 quy trình nội bộ liên thông giữa các cơ quan thuộc Thành phố; 166 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính cấp Thành phố; 827 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính cấp Sở; 276 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện và 72 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính cấp xã.
Tính đến 30/11/2023, toàn Thành phố tiếp nhận 2.060.893 hồ sơ, trong đó đã giải quyết 1.996.534 hồ sơ; đang giải quyết: 64.359 hồ sơ. 100% các quyết định công bố danh mục, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và được các cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính công khai tại Bộ phận Một cửa theo quy định.
UBND Thành phố cũng đã ban hành các quyết định ủy quyền kèm theo quy trình nội bộ của 578 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 94%). Trong đó, rà soát và ban hành kịp thời các quy trình giải quyết với các thủ tục ủy quyền cho cấp huyện, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều thủ tục như công thương, giao thông vận tải, kế hoạch đầu tư, lao động thương binh và xã hội… đảm bảo 100% các thủ tục được ủy quyền có quy trình nội bộ giải quyết kèm theo.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng đã ban hành hướng dẫn thực hiện, kế hoạch thông tin, tuyên truyền thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và các nội dung của Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; xây dựng phương án Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh; hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố đảm bảo vận hành theo quy chuẩn. Trong năm, Thành phố tiếp nhận 6.134 phản ảnh, kiến nghị, đã xử lý đạt 100%...
Thành phố cũng xây dựng kế hoạch cải thiện, nâng cao các chỉ số cải cách hành chính, tổ chức hội thảo khoa học để tìm kiếm các giải pháp mới nhằm cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính.
Tại hội thảo “Cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính thành phố Hà Nội” do UBND Thành phố tổ chức mới đây, nhiều đại biểu đã đánh giá cao nỗ lực cải thiện công tác giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề Hà Nội cần khắc phục.
Đối với các thủ tục hành chính, cần phải hợp lý hóa quy trình giải quyết, bảo đảm được thực hiện đúng quy định với ít thời gian, chi phí nhất có thể là quan điểm của TS Bùi Thị Ngọc Hiền (Học viện Hành chính quốc gia). Trong đó, TS Bùi Thị Ngọc Hiền cho rằng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cũng là biện pháp quan trọng để hợp lý hóa quy trình làm việc do rút ngắn được thời gian, sử dụng nguồn dữ liệu dùng chung, liên thông các thủ tục hành chính...
Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) cho rằng, thành phố Hà Nội cần tăng cường thông tin tuyên truyền đối với đội ngũ cán bộ, công chức để chuyển biến về tinh thần phục vụ, tuyên truyền cho người dân để họ hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình trong tham gia xây dựng chính quyền.
Khi có kết quả về các chỉ số cải cách, các cấp chính quyền cần coi đó là thông tin phục vụ cho việc chỉ đạo, điều hành. Từ đó có giải pháp khắc phục hạn chế mà người dân chỉ ra cũng như giải pháp duy trì những nội dung được người dân đánh giá cao. Đặc biệt, Hà Nội cần xử lý tốt những phản ánh, kiến nghị của người dân và coi đây là kênh thông tin hết sức thực tế, thực tiễn để điều chỉnh chính sách.
Còn theo Phó trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân Thành phố Hoàng Thị Thúy Hằng, thời gian tới, Thành phố cần quan tâm hơn nữa đến nhân tố con người trong việc nâng cao sự hài lòng của tổ chức, người dân. Trong đó, cần xác định vai trò người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có tính dẫn dắt, tác động hết sức lớn đến toàn bộ sự vận hành, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính cụ thể hơn nữa.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao tính minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính; cải thiện môi trường giao dịch với công dân, tổ chức hướng đến sự thuận tiện, văn minh, hiện đại. Đặc biệt, cần nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế và chế tài xử lý các vi phạm trong quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công vụ.
Năm 2024, thành phố Hà Nội sẽ tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hiện đại; hoàn thiện và nâng cấp chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch và giải quyết thủ tục hành chính…