Hà Nội: Nước bẩn 'hoành hành' các khu chung cư, nhà ở

Trước việc tuyến ống nước sạch sông Đà số 2 không thể hoàn thành như cam kết của chủ đầu tư, nhiều khu vực ở Hà Nội đang xảy ra tình trạng thiếu nước sạch cục bộ khiến hàng trăm ngàn hộ dân đang hàng ngày đối diện nước sinh hoạt bẩn.

Hà Nội vật vã" vì thiếu nước và nước bẩn

Dù nằm trong Khu đô thị mới, tòa nhà CT3, Khu đô thị mới Linh Đàm (quận Hoàng Mai) vẫn phải “vật vã” với tình cảnh thiếu nước sinh hoạt. Bà Liên, cư dân sống ở đây phàn nàn: “Các con, cháu đi làm về không có nước tắm rửa, nấu ăn, chứ đừng nói đến nước để giặt giũ, lau chùi. Nhiều hôm cả nhà phải đi tắm, giặt nhờ nhà người quen ở nơi khác”.

Người dân cho biết, nhiều khi ngay cả trong giờ cấp nước cũng không có nước. Không chỉ CT3 mà các chung cư chung quanh như CT4-A1, CT2-TP cũng mất nước. Nhiều hộ dân phải mua nước ở nơi khác về dùng.

Không chỉ Linh Đàm, hàng loạt khu vực dân cư khác cũng nằm trong nguy cơ mất nước kéo dài. Đáng chú ý là Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương nằm trên đường Đê La Thành đều ở khu vực khó khăn về nước, gây lo lắng về việc bảo đảm vệ sinh, môi trường và bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Theo Công ty Nước sạch Hà Nội, hiện nguồn nước ngầm tiếp tục bị suy giảm từ 1% -2% hằng năm, nguồn nước Sông Đà cung cấp cho nội đô cũng chỉ đạt bình quân từ 40.000 - 45.000m3/ngày đêm, trong khi nhu cầu sử dụng nước hàng năm dự kiến tăng từ 2- 3%.

Đặc biệt vào dịp hè có những đợt nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng nước tăng đột biến từ 10 - 15%, do vậy tổng lượng nước thiếu hụt so với nhu cầu từ 40.000 - 60.000 m3/ngày đêm.

Không những vậy, công tác khoan bổ sung thay thế các giếng suy thoái để duy trì công suất khai thác, bổ sung nguồn nước cũng gặp nhiều khó khăn do quỹ đất thành phố hạn hẹp chưa bố trí được địa điểm khoan thay thế giếng.

Các dự án phát triển nguồn nước mặt sông Hồng, sông Đuống triển khai chậm so với kế hoạch do vướng mắc về bố trí mặt bằng, cơ chế huy động vốn và đầu tư…

Lõi lọc nước đen kịt chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng (Ảnh: Kinhdoanhnet.vn)

Lõi lọc nước đen kịt chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng (Ảnh: Kinhdoanhnet.vn)

Trong khi đó nguồn nước sông Đà cấp cho công ty thường xuyên xảy ra sự cố (đã xảy ra sự cố 2 lần vỡ ống và 1 lần mất điện tại trung tâm nhà máy, gây ảnh hưởng đến công tác điều phối cấp nước đặc biệt cho 2 quận Đống Đa và Cầu Giấy vào đầu năm 2015).

Không chỉ thiếu nước, người dân thủ đô đang hàng ngày đối mặt với cảnh nước sinh hoạt bẩn bên cạnh giá nước tăng, còn nhà cung cấp thì lãnh cảm, thờ ơ và vô trách nhiệm.

Câu chuyện điển hình xảy ra vào tháng 3 vừa qua tại các chung cư CT9 Khu đô thị Định Công (quận Hoàng Mai), Sông Hồng Parkview (số 165, phố Thái Hà), Meco Complex (số 102, đường Trường Chinh, quận Đống Đa) và CT6A, B Khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm) là một ví dụ.

Theo đó, vào thời điểm tháng 3/2016, có nhiều thông tin phản ánh nước sinh hoạt tại các dự án này dính bẩn, có cặn, thậm chí có giun.

Sau khi nhận được phản ánh, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng liên quan lấy mẫu nước giám định, kiểm tra.

Kết quả kiểm tra tại chung cư Sông Hồng Parkview, Q.Đống Đa, chất lượng nước có nhiều chỉ tiêu vượt giới hạn quy chuẩn. Chất lượng nước tại đây không đạt 5 chỉ tiêu về hóa và vi sinh.

Tại chung cư CT6A, B, khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, kết quả kiểm nghiệm cho thấy nước sạch tại khu chung cư này không đạt 2 chỉ tiêu về hóa.

Trong khi đó tại chung cư CT9 Định Công, Q.Hoàng Mai, mặc dù chất lượng nước trước đồng hồ tổng của tòa nhà đạt quy chuẩn, nhưng chất lượng nước sau đồng hồ đều không đạt quy chuẩn về hóa học hoặc vi sinh vật.

Đáng chú ý, tại chung cư cao cấp Meco Complex, Q.Đống Đa, trong khi nước đầu vào nguồn cấp của Thành phố đạt quy chuẩn cho phép về hóa lý và vi sinh thì các mẫu nước bên trong hệ thống cấp nước của tòa nhà lại không đạt chuẩn.

Thực trạng về chất lượng nước sạch đang khiến các cư dân tại nhiều chung cư lo lắng. Khi trao đổi với chủ đầu tư, đơn vị quản lý tại không ít chung cư đều khẳng định luôn kiểm tra thường xuyên định cư vấn đề nước sạch nhưng kết quả người dân vẫn phải bỏ tiền ra mua và sử dụng nước không đạt chất lượng.

Cơ quan chức năng ở đâu?

Theo nhiều nguồn thông tin thì hiện nay việc kiểm định nước vẫn áp dụng theo phương pháp truyền thống, “chữa cháy” cho xong rồi lại đâu vào đấy. Cụ thể trong quá trình lấy mẫu nước xét nghiệm ở bể chứa khu chung cư thì nguồn nước đó vẫn được cung cấp đến người sử dụng. Như vậy, khi có kết quả xét nghiệm nước không đảm bảo thì lượng nước bẩn này đã được rất nhiều người dân sử dụng.

Đại diện Trung tâm YTDP Hà Nội cho rằng, hiện hầu hết Trung tâm YTDP quận, huyện hiện nay chưa có đủ khả năng xét nghiệm đủ chỉ tiêu nước sinh hoạt.

Không chỉ Hà Nội, hiện phương pháp kiểm tra, giám sát của Trung tâm YTDP các địa phương, các công ty cấp nước chủ yếu tập trung vào kiểm tra chất lượng nước cuối đường ống (tại các hộ gia đình) nên việc áp dụng quy chuẩn không khả thi.

Hầu hết không có đủ năng lực để phân tích toàn bộ 109 chỉ tiêu nước, đặc biệt là các chỉ tiêu nhóm B và C.

Trước thực trạng trên, cuối tháng 4 vừa qua, Sở Xây dựng đã phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội hướng dẫn, tập huấn các đơn vị quản lý chung cư về quy trình kỹ thuật thau rửa, vệ sinh bể chứa; trong đó yêu cầu phải định kỳ thau rửa ít nhất hai lần/năm và ngay khi có sự cố, phải kiểm tra định kỳ các chỉ tiêu của nước trong bể, phải súc rửa toàn bộ hệ thống đường ống… Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi về những cải tiến này bởi ai sẽ giám sát những việc làm trên.

Xem ra, với cách quản lý như hiện nay, các khu chung cư, khu dân cư Hà Nội sẽ còn phải gánh chịu nạn thiếu nước và nước bẩn trong sinh hoạt kéo dài nếu không có những giải pháp đồng bộ và triệt để.

P.V

/**/

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/doi-song/ha-noi-nuoc-ban-hoanh-hanh-cac-khu-chung-cu-nha-o-d97278.html