Những ngày gần đây, miền Bắc trải qua nhiều trận mưa lớn cộng thêm việc Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở 4 cửa xả lũ nên mực nước hạ lưu sông Hồng dâng cao
Theo ghi nhận của chúng tôi sáng 15/6, rất đông người dân ra, vào bãi giữa sông Hồng phải di chuyển bằng đò. Hiện tại, có hai đường duy nhất để xuống bãi giữa sông Hồng, một là từ cầu Long Biên xuống, hai là từ đường An Dương đi vào nhưng con đường đi từ ngõ An Dương vào đã bị ngập sâu
Trung bình mỗi chuyến đò có thể chở được khoảng 5-7 chiếc xe máy. Người dân phải trả 10.000 đồng/xe đạp, 20.000 đồng/xe máy mỗi lần qua đò
Đoạn đường đất bị ngập dài khoảng 200 mét, ngày thường người dân chỉ mất khoảng 5 phút để đi qua nhưng giờ đây họ phải mất khoảng 20 phút (tính cả thời gian đợi đò)
Người phụ đò cũng rất vất vả để giữ cho đò không di chuyển trong lúc người dân mang xe máy lên đò
Túp lều của ông Trần Thái Dũng người dân bãi giữa sông Hồng bị nước ngập đến nóc
Không có nơi ở, ông Dũng cho biết, hàng ngày ông phải ở nhờ túp lều của cửa hàng bên cạnh. Công việc của ông Dũng là trồng trọt, chăn nuôi với vài sào đất ở bãi giữa sông Hồng. Hiện tại, nước lũ dâng cao nên ông cùng 3 người khác dùng đò, đưa người dân qua khu vực nước sâu
"Hiện tượng nước lên cao thì 2 năm mới có 1 lần. Năm nay, nước lên nhanh, nhiều hơn các năm trước và nếu còn mưa thì sẽ còn xả lũ và ở đây sẽ ngập lâu hơn. Trước kia, ở đây ít cọc, dây thép gai, ít cây cối, đò quay đầu thuận lợi. Mỗi chuyến đò đủ khách chỉ tầm 5-7 phút nhưng bây giờ có khi gấp đôi vì phải lần mò tránh cọc, tránh đủ mọi thứ", ông Dũng nói
Theo ông Dũng, một ngày ông chở khoảng 80-100 người qua đò
Người dân qua đò chủ yếu sống bằng nghề buôn bán rau nên việc nước ngập sâu ảnh hưởng tới việc mưu sinh của họ
"Hiện tại nước đã dâng lên khoảng 4 mét, chỉ có 1 phương tiện duy nhất là đò để đi. Rất may hoa màu, vật nuôi của chúng tôi không bị ảnh hưởng nhưng việc đi lại rất khó khăn".
Nhiều người mang các sản phẩm như chuối, rau...đi lại di chuyển như thế này rất dễ bị dập, ảnh hưởng đến chất lượng", người dân sống tại bãi giữa sông Hồng cho hay
Trước đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng đã có các công điện thông báo về tình hình xả lũ hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình. Trong đó đề nghị các tỉnh, TP (bao gồm cả Hà Nội) cần theo dõi sát diễn biến mưa lũ, an toàn công trình; các công ty thủy điện thường xuyên cập nhật mực nước hồ chứa, mực nước thượng lưu, hạ lưu hồ chứa, báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia