Hà Nội ô nhiễm không khí đứng đầu thế giới, chuyên gia lý giải nguyên nhân?
Những ngày gần đây, Thủ đô Hà Nội luôn trong tình trạng ô nhiễm không khí. Điều này khiến nhiều người dân lo lắng và thắc mắc nguyên nhân từ đâu?
Theo thống kê, từ 4 – 6/3, Hà Nội đứng đầu thế giới về chỉ số ô nhiễm không khí. Đến 15h ngày 7/3, mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội tiếp tục đứng đầu thế giới. Trước tình trạng này, người dân Thủ đô không khỏi lo lắng và thắc mắc nguyên nhân vì sao?
Liên quan đến vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng - Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên &Môi trường), cho biết qua quan trắc, nghiên cứu nhiều năm, chất lượng không khí Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc không tốt. Các chỉ số AQI luôn ở mức màu đỏ (không lành mạnh – PV), thậm chí màu tím (nguy hiểm- PV).
Theo TS Tùng, chúng ta đang bị ô nhiễm bụi mịn PM2.5. Có nhiều số liệu nghiên cứu và quan trắc chỉ ra, bụi mịn PM2.5 sinh ra do các hoạt động phát triển kinh tế xã hội.
TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, nguồn gây phát sinh ô nhiễm có rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên có một số nguyên nhân chính như sau:
Khu công nghiệp: Các cơ sở sản xuất, cơ sở tái chế, làng tái chế nhựa và kim loại.
Công trình xây dựng: Hạ tầng không có che chắn.
Phương tiện giao thông cá nhân: Hiện, Hà Nội có khoảng 4 – 5 triệu xe máy chưa có kiểm soát khí thải. Ô tô cũng góp phần lớn vào việc phát sinh ô nhiễm.
Đốt rác thải tự phát: Nhiều nơi tự phát đốt rác thải gây phát sinh bụi mịn và chất độc khác.
Đốt phụ phẩm nông nghiệp: Nhiều nơi đốt rơm, cây khô... sau khi thu hoạch cũng sẽ gây ra bụi.
Lý giải về việc ô nhiễm bụi mịn PM2.5 thường xảy ra vào dịp mùa đông, đầu năm và cuối năm, TS Dương cho rằng, yếu tố thời tiết cũng góp phần ảnh hưởng. Theo đó, những hạt bụi bay lơ lửng trong không khí, mùa hè các tác động như mưa, gió bão, sẽ rửa trôi và khuếch tán làm giảm nồng độ ô nhiễm.
“Trong những tháng mùa đông như những ngày qua, thời tiết ẩm thấp, lặng gió, sương mù nhiều làm cho bụi mịn lơ lửng ở tầng thấp. Trong thời điểm đó, ta vẫn tiếp tục phát thải vào làm cho nồng độ ngày càng tăng”, TS Hoàng Dương Tùng lý giải.