Hà Nội phấn đấu trở thành hình mẫu triển khai Đề án 06 của Chính phủ
Nhiều nội dung quan trọng trong triển khai Đề án 06 trên địa bàn TP Hà Nội đã được Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ thảo luận, thống nhất với UBND TP Hà Nội lộ trình thực hiện, đảm bảo đúng yêu cầu đặt ra, góp phần phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, phát triển mạnh mẽ, bền vững kinh tế - xã hội, kiến tạo văn minh xã hội, phòng, chống hiệu quả tội phạm…
Chiều 14/3, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cùng các thành viên của Tổ Công tác đã làm việc với TP Hà Nội về một số nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Đề án 06 trên địa bàn TP Hà Nội.
Tham dự buổi làm việc, về phía UBND TP Hà Nội có đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị chức năng của UBND TP Hà Nội. Buổi làm việc được tổ chức trực tuyến đến UBND 30 quận, huyện và thị xã trên toàn địa bàn thành phố.
Đề cập đến nội dung đầu tiên liên quan đến xây dựng Sổ sức khỏe điện tử, Hồ sơ sức khỏe điện tử, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá: TP Hà Nội mang những nét đặc trưng, đặc thù hơn tất cả các địa phương khác trên toàn quốc. Đây cũng là nơi tập trung rất đông các bệnh viện, có nhiệm vụ không chỉ chăm sóc sức khỏe cho người dân Thủ đô mà còn cả nước. Những nội dung, nhiệm vụ liên quan đến các bộ, ngành về xây dựng Sổ sức khỏe điện tử, Hồ sơ sức khỏe điện tử của Hà Nội đã được đồng chí Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành trong Tổ Công tác trực tiếp giải đáp, hướng dẫn, hỗ trợ UBND TP Hà Nội triển khai hiệu quả.
Trên tinh thần đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã báo cáo quá trình hướng dẫn, phối hợp với UBND TP Hà Nội xây dựng Sổ sức khỏe điện tử, Hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn TP Hà Nội cũng như trên cả nước. Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam báo cáo về dữ liệu bảo hiểm góp phần hỗ trợ Hà Nội xây dựng dữ liệu. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, Hà Nội chốt thời gian về nội dung triển khai nhân rộng Sổ sức khỏe điện tử, Hồ sơ sức khỏe điện tử. Cùng với đó, Hà Nội đề xuất, sẽ xây dựng, mở rộng hơn kho chứa dữ liệu hiện tại nhằm phục vụ cho quá trình triển khai Sổ sức khỏe điện tử, Hồ Sơ sức khỏe điện tử, làm mẫu, làm điểm cho toàn quốc.
Về thí điểm xây dựng học bạ số, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định, phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội trong tháng 6/2024 sẽ hoàn thành thí điểm học bạ số. Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện Hà Nội có kho dữ liệu và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có kho riêng. Trong trường hợp cả hai kho dữ liệu này đầy, sẽ kiến nghị Bộ Công an giúp đỡ trong công tác lưu trữ.
Bổ sung về nội dung này, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cũng thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ đã có hướng dẫn các đơn vị cấp chữ ký số. Còn Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa Hà Nội trong triển khai nội dung này.
Đối với công tác thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm đỗ xe trên địa bàn TP Hà Nội, hiện thống kê Hà Nội có 1620 bãi đỗ xe được quy hoạch và đã có 57/1620 bãi đỗ xe đang được đưa vào khai thác, sử dụng. Có 639 điểm đỗ xe với tổng diện tích lên tới hàng trăm nghìn m2. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua UBND TP Hà Nội đã phối hợp với Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại quận Tây Hồ, mang lại kết quả rất cao.
Về nội dung này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định sẽ triển khai ngay, đồng thời giao Sở GTVT trước ngày 30/3 phải tham mưu, xây dựng UBND TP để ban hành kế hoạch triển khai tổng thể trên toàn địa bàn thành phố. Trong tháng 3 và tháng 4 hoàn thành những giải pháp công nghệ đối với những điểm đỗ trông giữ xe. Các sở, ngành có liên quan đảm bảo cơ chế thu phí, lệ phí, hoàn thành trước ngày 30/4. Cùng với đó, tổng rà soát toàn bộ hạ tầng phục vụ quản lý, vận hành, phục vụ nhiệm vụ chung, hoàn thành trước 30/4.
Đánh giá nội dung trên, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, khi triển khai sẽ đem lại hiệu ứng rất tích cực trong việc kéo giảm ùn tắc và TNGT; ngăn chặn tham nhũng, chống thất thu ngân sách Nhà nước cũng như phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm trong đó tội phạm có tổ chức trên lĩnh vực này. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị UBND TP Hà Nội lưu ý hai nội dung, đó là bãi đỗ xe trên vỉa hè và lòng đường.
“Doanh nghiệp nào có đủ điều kiện năng lực sẽ được thực hiện, tránh tình trạng các đơn vị năng lực yếu kém tham gia, không quản lý được, gây hệ lụy xã hội. Từ việc thu phí không dùng tiền mặt đến kết nối các hệ thống xử lý vi phạm “nguội”, quản lý phương tiện sẽ đảm bảo, nâng cao được những yêu cầu quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đô thị, an toàn giao thông”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định.
Về quản lý hộ kinh doanh, mô hình hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, cơ sở kinh doanh, UBND TP Hà Nội đã kiến nghị, đề xuất các biện pháp giúp thực hiện hiệu quả lĩnh vực trên. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh thống nhất, Hà Nội đã có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện nội dung này, chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan để thực hiện.
Đối với 7 nội dung đề xuất của UBND TP Hà Nội nhằm thực hiện hiệu quả hơn 2 dịch vụ công liên thông, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Trung tâm Dữ liệu dân cư Quốc gia, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp… giải đáp, hướng dẫn và tháo gỡ những vướng mắc.
Theo báo cáo của đại diện Văn phòng Chính phủ, có những bộ, ngành chậm gửi báo cáo góp ý những vấn đề liên quan đến 2 dịch vụ công chậm cả tháng, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung. Tổ Công tác triển khai Đề án 06 thống nhất ngày 20/3 sẽ phải chốt xong các nội dung góp ý của các bộ, ngành gửi về Văn phòng Chính phủ để tập hợp, giúp Hà Nội thực hiện hiệu quả hơn. Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ nêu rõ, nếu ngày 20/3, bộ, ngành nào không hoàn thiện xong báo cáo trên, sẽ mời thành viên Tổ Công tác của bộ, ngành đó lên họp để làm rõ sự chậm trễ.
Đối với 3 kiến nghị, đề xuất của UBND TP Hà Nội trong triển khai cấp lý lịch tư pháp trên VNeID, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cũng như thành viên các bộ, ngành có liên quan trong Tổ Công tác của Đề án 06 cũng khẳng định, không có vướng mắc gì trong đấu nối, kết nối dữ liệu, cấp lý lịch tư pháp đồng bộ vào VNeID. Sở Tư pháp Hà Nội cũng báo cáo, số lượng công dân xin cấp lý lịch tư pháp trên địa bàn thành phố ngày càng tăng.
Việc cấp lý lịch tư pháp trên VNeID không những người dân mà cơ quan chức năng cũng rất háo hức, vui mừng. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, chúng ta kiên quyết thực hiện việc hạn chế người dân phải dùng giấy tờ giấy, xác nhận lý lịch tư pháp, từ đó tạo văn minh xã hội, phòng, chống tham nhũng vặt. Giai đoạn vừa qua người dân đi tìm công ăn việc làm, thực hiện nhiều dịch vụ công, đáng ra không phải đến những nơi công quyền để xác nhận tư pháp nhưng vẫn phải đi, tạo bức xúc, gây tốn kém, lãng phí. Chủ tịch UBND TP Hà Nội hoàn toàn đồng tình với nội dung trên và chỉ đạo Sở Tư pháp sớm thực hiện.
Với những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị đề xuất thực hiện hiệu quả nhiệm vụ số hóa cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn TP Hà Nội, thành viên Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an, trả lời, thống nhất hướng dẫn triển khai.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp, hướng dẫn nâng cấp phần mềm VLLIS 2.0 hỗ trợ Dự án hồ sơ địa chính của thành phố. Bộ Xây dựng hướng dẫn quy chuẩn, định mức, đơn giá để số hóa dữ liệu nhà ở, công trình trên đất. Cục Cảnh sát QLHC về TTXH phối hợp trong việc làm sạch dữ liệu đất đai với dữ liệu dân cư; kiến nghị UBND TP Hà Nội tăng cường thu hồi, quản lý những khu vực nhà, đất hiện vẫn còn “trống” trên bản đồ, nhằm phục vụ cho việc quản lý, đặt tên đường, đánh số nhà, định danh, số hóa dữ liệu.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nhìn nhận công tác quản lý đất đai, số nhà cũng như số hóa dữ liệu có liên quan đến lĩnh vực này hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn. Những giao dịch dân sự liên quan đến mảng nội dung này vẫn còn nhiều vướng mắc. Để quản lý hiệu quả, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội phải gắn cả dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu đất đai, số nhà, số hóa, định danh. Về nội dung này, TP Hà Nội sẽ tích cực thảo luận, đưa ra giải pháp để thực hiện hiệu quả. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, nhiệm vụ này khó nhưng không thể không làm, đồng thời gợi mở giúp UBND TP Hà Nội tiếp cận qua 4 nhóm phương pháp trong đó có phương pháp lấy dữ liệu là căn bản.
Về chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, UBND TP Hà Nội đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố phối hợp các Ngân hàng thương mại nghiên cứu, bố trí bổ sung thêm cây ATM tại các địa bàn còn thiếu; đẩy nhanh việc phát hành thẻ.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay tỷ lệ người dân có thẻ ATM hoặc tài khoản ngân hàng tại Hà Nội là rất cao. Việc giao dịch không dùng tiền mặt trong thời gian qua cũng được thực hiện mạnh mẽ, thậm chí vào thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, tại nhiều cây ATM còn “thừa” tiền, không còn cảnh ùn tắc khi người dân đến rút tiền. Từ 1/, cung cấp chữ ký số trên VNeID, thúc đẩy không dùng tiền mặt trong giao dịch.
Phát biểu kết luận phiên làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, những kết quả, thành tích của UBND TP Hà Nội trong triển khai Đề án 06 là rất to lớn. Kết quả này có được bởi quyết tâm chính trị rất cao của lãnh đạo thành phố khi được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ, cũng như sự vào cuộc quyết tâm, trách nhiệm, đồng bộ, xuyên suốt của các cấp lãnh đạo, sở, ban, ngành và nhân dân Thủ đô.
Ghi nhận kết quả của các bộ, ngành, thành viên của Tổ Công tác và các đơn vị được mời tham dự buổi làm việc đã rất trách nhiệm với Đề án 06, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định: “Chúng ta không thể chậm trễ hơn trong triển khai Đề án 06. Đây là việc làm tất yếu của tất cả các quốc gia. Chuyển đổi số phục vụ cho văn minh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống tội phạm. Trên cơ sở những kiến nghị, đề xuất của UBND TP Hà Nội, các bộ, ngành đã có những hướng dẫn cụ thể và cùng cam kết với Hà Nội để thực hiện và phải thực hiện theo đúng cam kết đó”.
Đồng chí Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cũng gợi mở Hà Nội cần tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ, đôn đốc các sở, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện. Những kết quả của Hà Nội rất cao, tự hào nhưng sẽ càng có ý nghĩa hơn nữa khi xác định được hiện nay còn bao nhiêu người dân vẫn chưa được dùng, chưa dùng được, chưa được hưởng lợi từ những tiện ích, dịch vụ mà thành phố xây dựng, ban hành. Chỉ khi nào người dân thực hiện, đồng hành, hài lòng về những dịch vụ đó thì chúng ta mới thật sự thành công.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng đặc biệt lưu ý những thủ tục nào không dùng giấy tờ thì bắt buộc phải bãi bỏ, tạo sự văn minh xã hội, không để gây cản trở đến sự phát triển chung của thành phố cũng như của cả nước.
Đối với hạ tầng, dữ liệu, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc gợi mở các bộ, ngành và UBND TP Hà Nội cần chủ động phối hợp chặt chẽ hơn nữa, sớm kết nối, chia sẻ để phục vụ nhiệm vụ chung cũng như phục vụ người dân, doanh nghiệp; đảm bảo dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống”. Dữ liệu chung, dữ liệu đã số hóa, chưa số hóa hoặc số hóa rồi nhưng vẫn phải liên tục được làm sạch, đồng bộ, kết nối, chia sẻ, làm giàu.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng lưu ý công tác bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin và các biện pháp phòng chống thất thoát, lộ, lọt, mất dữ liệu; tăng cường kinh phí đầu tư và khẳng định: Hà Nội sớm trở thành mẫu. Hà Nội xong thì Trung ương cũng được hưởng những thành quả đó. Hà Nội ra được mẫu, TP Hồ Chí Minh song hành và lấy kết quả nhân rộng ra toàn quốc. Đối với Công an TP Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Giám đốc Công an TP Hà Nội sẽ làm điểm, gương mẫu trong triển khai Đề án 06, chuyển đổi số trong lực lượng CAND.