Hà Nội: Phân khu đô thị nội đô lịch sử được quy hoạch thế nào?
Về tổng thể, 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử H1-1A, H1-1B, H1-1C, H1-2, H1-3, H1-4 có quy mô nghiên cứu trên 2.700ha với yêu cầu chính là kiểm soát dân số, giảm từ 1,2 triệu dân (năm 2009) xuống dự kiến còn 672.000 dân; đồng thời cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.
Sáng 22/3, tại UBND quận Hoàn Kiếm, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, UBND các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng tổ chức hội nghị công bố các Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H1-1A, H1-1B, H1-1C; H1-2; H1-3 và H1-4, tỷ lệ 1/2000 thuộc địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Theo UBND TP Hà Nội, các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H1-1A, H1-1B, H1-1C, H1-2, H1-3 và H1-4, tỷ lệ 1/2000 được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý để xác định các dự án đầu tư xây dựng và triển khai tổ chức lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phục vụ kiểm soát phát triển, quản lý và chỉnh trang đô thị, bảo tồn và phát huy giá trị khu vực di sản đô thị, phát huy trung tâm đô thị và làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Trước đó, ngày 19/3/2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các quyết định: 1357/QĐ-UBND, 1358/QĐ-UBND, 1359/QĐ-UBND, 1360/QĐ-UBND, 1361/QĐ-UBND, 1362/QĐ-UBND phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu đô thị H1-1A, H1-1B, H1-1C, H1-2, H1-3, H1-4.
Về quan điểm bảo tồn và phát triển, Quy hoạch tuân thủ theo đúng định hướng Quy hoạch chung Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011.
Riêng đối với Khu phố Cổ Hà Nội được xếp hạng di tích quốc gia, khu vực hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt và các công trình di tích, tôn giáo, danh thắng..., ngoài tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch đô thị và các Nghị định có liên quan, việc quản lý, bảo tồn cần bám sát quy định của Luật Di sản Văn hóa và các văn bản pháp luật có liên quan.
Về tính chất và chức năng chủ yếu, tại khu vực phố cổ, phố cũ, Hồ Gươm và phụ cận Khu phố cổ (thuộc QHPK H1-1A) là khu vực đô thị cổ có giá trị về lịch sử và văn hóa. Các chức năng chủ yếu: Thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư.
Khu vực Hồ Gươm và phụ cận (thuộc QHPK H1-1B) là vùng thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Các chức năng chủ yếu: Trung tâm văn hóa hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư, di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng.
Khu phố cũ (thuộc QHPK H1-1C và một phần các QHPK H1-2, H1-3 và H1-4): Là khu đô thị cũ có nhiều công trình có giá trị lịch sử và văn hóa, kiến trúc. Các chức năng chủ yếu: Di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở, cơ quan, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hóa, y tế và các chức năng công cộng khác.
Tại khu vực hạn chế phát triển (phần còn lại các QHPK H1-2, H1-3 và H1-4) là khu vực cải tạo và hạn chế phát triển xây dựng nhà ở cao tầng. Các chức năng chủ yếu: Nhà ở, cơ quan, di sản, di tích, du lịch, dịch vụ thương mại, tiện ích đô thị...
Về các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc (tổng thể) cơ bản tuân thủ định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt, Quy chuẩn, Tiêu chuẩn thiết kế hiện hành. Cụ thể, đất công cộng đô thị, hỗn hợp có tổng diện tích khoảng 284,54ha (tỷ lệ 10,89%); đạt chỉ tiêu khoảng: 4,39m2/người; bao gồm đất cây xanh, mặt nước, TDTT đô thị có tổng diện tích khoảng 247,14ha (tỷ lệ 9,46%), đạt chỉ tiêu khoảng 3,82m2/người.
Đất trường trung học phổ thông có tổng diện tích khoảng 18,34ha (tỷ lệ 0,7%); đạt chỉ tiêu khoảng: 0,28m2/người - tương ứng 7,1m2/học sinh. Đất giao thông đô thị có tổng diện tích khoảng 471,22ha (tỷ lệ 18,04%); đạt chỉ tiêu khoảng 7,28m2/người. Đất đơn vị ở có tổng diện tích khoảng 1.343,35ha (tỷ lệ 51,43%); đạt chỉ tiêu: khoảng 20,75m2/người...
Cấu trúc không gian được tổ chức theo các tuyến trục và mạng lưới đường vành đai, hướng tâm, tạo thành các ô phố với lõi trung tâm. Không gian đô thị được xác lập chủ yếu là công trình thấp tầng. Các công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, tuyến đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị tạo một số điểm nhấn cao tầng trên các trục tuyến phù hợp Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc tại khu vực; Tại các khu vực xây dựng công trình cao tầng xem xét ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung các tiện ích đô thị: cây xanh, đỗ xe...
Các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị đã được nghiên cứu tuân thủ định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; khớp nối đồng bộ các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị Thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (giao thông vận tải, cao độ nền và thoát nước mặt đô thị, cấp điện đô thị, cấp nước đô thị, thoát nước thải đô thị, thông tin liên lạc....), cũng như các quy hoạch chuyên ngành trên địa bàn Thành phố đã được phê duyệt trong thời gian qua mạng lưới trường học, cây xanh, mạng lưới bán buôn bán lẻ, y tế, tư pháp..), Quy chuẩn, Tiêu chuẩn thiết kế hiện hành.
Theo Quy hoạch được công bố, về định hướng giao thông đường bộ kết hợp đường sắt đô thị: Khu vực các nhà ga đường sắt đô thị đầu mối được nghiên cứu theo mô hình TOD. Trong phạm vi 500m từ đầu mối TOD, cần sử dụng tối đa chiều sâu để hình thành không gian công cộng ngầm.
Ngoài phạm vi 500m từ đầu mối TOD, khuyến khích sử dụng tối đa chiều sâu để hình thành không gian công cộng ngầm, giảm mật độ xây dựng phần nổi Khuyến khích tạo lập các tuyến đi bộ ngầm kết nối giữa phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất trong các cụm công trình có phạm vi không quá 500m.
Về giải pháp quy hoạch không gian ngầm, Thành phố nghiên cứu tổ chức không gian đô thị theo - mô hình TOD (Khi nghiên cứu cần bố trí quảng trường ga, bãi đỗ xe trung chuyển, trung tâm thương mại, dịch vụ...; Khuyến khích xây dựng các công trình cao tầng có chức năng: văn phòng, dịch vụ, thương mại, trung tâm tài chính, công cộng... nhằm hỗ trợ, khai thác hiệu quả tại các đầu nút giao thông quanh các khu vực TOD). Hình thành các tuyến đường đi bộ ngầm kết nối các công trình công cộng ngầm, gara ngầm với đầu mối TOD.