Hà Nội: Phát huy vai trò của cán bộ làm công tác quản lý di tích, lễ hội
Sáng 31/10, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội tổ chức chung khảo Hội thi 'Cán bộ quản lý và tổ chức lễ hội giỏi thành phố Hà Nội, lần thứ I - năm 2023'.
Phát biểu khai mạc Hội thi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, Hội thi “Cán bộ quản lý và tổ chức lễ hội giỏi" thành phố Hà Nội lần thứ I - năm 2023 được tổ chức từ tháng 8/2023.
“Hội thi là một trong những nội dung nhằm cụ thể hóa việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn Thành phố. Thông qua Hội thi nhằm nâng cao vị trí, vai trò của cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý về di tích, lễ hội tại địa phương. Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý nhà nước về tổ chức lễ hội, quán triệt sâu sắc trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể các cấp về trách nhiệm đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Đồng thời, đây cũng là dịp tạo cơ hội giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm triển khai có hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh.
Hội thi “Cán bộ quản lý và tổ chức lễ hội giỏi” thành phố Hà Nội lần thứ I - năm 2023 đã nhận được sự tham gia tích cực của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố. Vòng sơ khảo có sự tham gia của 28 quận, huyện, thị xã, với 28 video clip dự thi chất lượng, đáp ứng được tiêu chí của Hội thi, đã nêu được những nét đặc trưng về văn hóa, nhất là phần di sản phi vật thể ở mỗi địa phương.
Vòng chung khảo hôm nay, có sự tham gia của 10 đội tuyển thuộc các quận, huyện, thị xã: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Tây Hồ, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Sơn Tây, Đông Anh, Thanh Oai, Hoài Đức, Thạch Thất.
Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, là trung tâm của cả nước về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế. Với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng, Hà Nội là nơi hội tụ, giao thoa, chắt lọc và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc, với đủ đặc trưng về đạo đức, nếp sống, phong tục tập quán, các nét riêng tâm lý, các sắc thái và phong cách văn hóa, đặc biệt là hệ thống di tích lịch sử văn hóa gắn với hàng ngàn lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm.
Các đội thi tham gia 3 phần thi: Chào hỏi, kiến thức và thuyết trình. Với phần thi chào hỏi, các đội thi đã giới thiệu khái quát một số nét chính của địa phương, giới thiệu về di sản văn hóa, di tích, lễ hội đặc sắc, tiêu biểu tại địa phương mình, kết quả nổi bật trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong năm 2022 - 2023 bằng hình thức sân khấu hóa như ca nhạc, kịch ngắn, hò, vè.
Với phần thi kiến thức, các đội dự thi theo hình thức trả lời bộ câu hỏi kiến thức về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố. Cuối cùng là phần thi thuyết trình, các đội thi trình bày về việc triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại địa phương, các giải pháp thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động di tích và lễ hội.
Thực tế, trong những năm qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực, lễ hội được tổ chức trang nghiêm, thành kính. Công tác an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các lễ hội được duy trì, đảm bảo.
Những kết quả đó đã góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng nhân dân. Để đạt được thành công đó có một phần đóng góp không nhỏ của những người trực tiếp làm công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và đặc biệt là các cán bộ đang thực hiện nhiệm vụ tại các Ban quản lý di tích trên địa bàn Thành phố.
Tại Hội thi, cán bộ phụ trách công tác lễ hội thuộc Phòng Văn hóa Thông tin quận Long Biên - Phùng Thị Thúy cho biết: Trên địa bàn quận Long Biên hiện có 87 di sản văn hóa. Trong đó, có 36 di sản văn hóa phi vật thể lễ hội truyền thống. Hiện có 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Trong số đó, tiêu biểu là di tích lịch sử quốc gia Đình Lệ Mật có nghi thức lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2014.
Và đặc biệt, Điệu múa dân vũ Diệt Giảo Long của làng Lệ Mật là 1 trong 7 điệu múa cổ của Hà Nội. Hằng năm, công tác quản lí và tổ chức 36 lễ hội được triển khai bài bản, đảm bảo theo quy định, đảm bảo an toàn trên các lĩnh vực như an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn phòng cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, các nghi lễ được diễn ra theo truyền thống của từng địa phương, phát huy giá trị.
PGS, TS Trần Thị An, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, Trưởng ban Giám khảo Hội thi đánh giá, Hội thi lần này cũng chính là dịp để nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ của cán bộ thực thi nhiệm vụ tại địa phương, thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đối với đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở cơ sở. Mỗi đội thi đã có những phần thi với các nội dung rất phong phú và đặc sắc. Các đội cũng đã cố gắng trình bày một cách tốt nhất những hiểu biết của mình về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đồng thời trao đổi cởi mở về những kinh nghiệm từ thực tiễn trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội tại địa phương.
Kết quả, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho huyện Đông Anh cùng 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích.