Hà Nội phát lệnh báo động 2 trên sông Hồng, quyết tâm hạn chế tối đa thiệt hại do bão lũ

UBND TP Hà Nội vừa phát lệnh báo động lũ trên sông Hồng trong bối cảnh mực nước lũ tại sông này đang lên nhanh. Sẵn sàng mọi phương án đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa thiệt hại do bão lũ.

Cụ thể, căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Hà Nội (Long Biên) hồi 23h30 ngày 10/9 là 10,5m (mực nước báo động 2 là 10,5m), Hà Nội phát lệnh báo động 2 trên sông Hồng.

Các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, các đơn vị ở địa phận trên và các ngành, các cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh những quy định khi có lệnh báo động 2.

Sẵn sàng phương án lũ báo động 3

Thời điểm nước sáng 11/9, Hà Nội đang mưa rất to, cộng với nước lũ từ thượng nguồn đổ về, dự kiến mực nước trên sông Hồng sẽ tiếp tục lên cao.

Mực nước sông Hồng lên báo động 2 và dự báo tiếp tục dâng cao (Ảnh: Phạm Hòa).

Mực nước sông Hồng lên báo động 2 và dự báo tiếp tục dâng cao (Ảnh: Phạm Hòa).

Trước đó, vào chiều qua (10/9), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại quận Bắc Từ Liêm – địa phương có sông Hồng chảy qua địa bàn bốn phường: Thượng Cát, Liên Mạc, Thụy Phương, Đông Ngạc.

Hiện mực nước sông Hồng dâng cao hơn 10,5m, trên mức báo động 1, mỗi một giờ mực nước sông Hồng dâng lên 10cm. Hiện bốn phường ven đê sông Hồng có 802 hộ ngoài đê. Trong đó phường Đông Ngạc có 340 hộ, Liên Mạc 147 hộ, Thụy Phương 75 hộ và Thượng Cát 240 hộ.

Theo báo cáo của quận Bắc Từ Liêm, đến chiều ngày 10/9, 4 phường ven đê sông Hồng cần di dời 567 hộ dân đến nơi an toàn. Các phường ven sông Nhuệ, sông Pheo gồm Minh Khai, Phú Diễn, Cổ Nhuế 1, Đức Thắng, Phúc Diễn, Tây Tựu, Cổ Nhuế 2 có 553 hộ ngoài đê, đây cũng là số hộ dân cần di dời đến nơi an toàn. Hiện quận đang di dời khoảng 1.120 hộ dân, bảo đảm xong trong ngày 10/9.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận định: với thời tiết hiện tại, tình hình mưa lũ trong thời gian tới sẽ còn diễn biến phức tạp, áp lực nước dồn từ thượng nguồn về hệ thống sông trên địa bàn thành phố rất lớn.

"Chúng ta không được chủ quan mà cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thậm chí phải chuẩn bị sẵn, tính toán hết tất cả phương án dự phòng về lực lượng, phương tiện ứng phó với sự cố trong trường hợp mực nước sông Hồng đạt mức báo động 3", ông Thanh nói.

Hạn chế tối đa thiệt hại về người

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh, công tác phòng, chống thiên tai hiện tại cần được xem như hoạt động phòng thủ dân sự chính thức. Do đó, cần huy động tổng lực các lực lượng của quận cũng như các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn; tổ chức phân công cụ thể nhiệm vụ phòng, chống thiên tai; bảo đảm hậu cần, huy động phương tiện, vật lực xử lý kịp thời các tình huống.

Hà Nội triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn, quyết tâm hạn chế thiệt hại (Ảnh: Phạm Hòa).

Hà Nội triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn, quyết tâm hạn chế thiệt hại (Ảnh: Phạm Hòa).

Nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phải kiên quyết, quyết liệt thực hiện công tác vận động quần chúng để người dân nhận thức mối nguy hại của thiên tai với tài sản, tính mạng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu nơi nào cần di chuyển người dân thì phải di chuyển triệt để cả người và tài sản; chăm lo chu đáo nơi ở, đời sống nơi sinh hoạt tạm thời cho người dân.

"Quyết tâm với mục tiêu không để xảy ra thiệt hại cho người dân, sau đó cố gắng bảo vệ an toàn tài sản, an ninh trật tự trên địa bàn", ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Trong cùng diễn biến, bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đã đi kiểm tra công tác khắc phục bão và kiểm tra tình hình ngập lụt tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội lưu ý hiện nay nước lũ từ thượng nguồn đang dồn xuống Hà Nội khiến mực nước các sông dâng cao. Quận Ba Đình, phường Phúc Xá tuyệt đối không chủ quan, lơ là, phải tiến hành rà soát lại các khu vực nguy hiểm, đề phòng người dân quay trở lại nơi ở cũ.

"Phải cá thể hóa trách nhiệm, cộng đồng trách nhiệm để nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ với mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng từng người dân và bảo vệ an toàn tài sản của nhân dân," Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.

Báo động lũ cấp 3 trên sông Nhuệ

Chiều 10/9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội ban hành Lệnh báo động lũ số 57/L-BCH trên sông Nhuệ, căn cứ vào mực nước sông Nhuệ tại Đồng Quan hồi 14h ngày 10-9 là 4,70m (mực nước báo động III là 4,70m).

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội lệnh: Báo động III trên sông Nhuệ, tại địa phận các xã ven đê, thuộc các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông và các huyện: Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa.

Theo đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, đơn vị, ngành ở địa phận trên và cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh quy định khi có Lệnh báo động III.

Báo động cấp III là mức giới hạn mực nước cho biết lũ trong sông đã lên cao, nguy cơ gây ngập lụt sâu, diện rộng ở các khu vực sản xuất nông nghiệp và nhiều vùng dân cư, đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân - là mức độ tương đương lũ lớn.

Thời tiết hôm nay 11/9: Bắc Bộ vẫn mưa to, Nam Bộ mưa tăng

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết thời tiết vùng núi và trung du Bắc Bộ chiều tối qua đến đến chiều tối nay 11-9 mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa 30-70mm, có nơi trên 120mm. Riêng Lào Cai, Yên Bái mưa đạt 50-100mm, có nơi trên 200mm. Đêm nay mưa tiếp tục diễn ra với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm.

Đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa từ chiều tối qua đến chiều nay mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa 50-120mm, có nơi trên 250mm. Đêm nay đến chiều mai dự báo mưa từ 30-70mm, có nơi trên 120mm.

Mưa lớn liên tục những ngày qua khiến các sông suối ở Bắc Bộ đang có lũ nguy hiểm. Ngoài ra sạt lở đất cũng ở mức cảnh báo cao.

Trung Bộ hôm nay ngày nắng, chiều tối mưa rào đến mưa to.

Nam Bộ mưa tăng và xảy ra nhiều nơi, có lúc mưa vừa đến rất to. Trong mưa dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.

Thời tiết biển ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) mưa rào và dông. Gió giật mạnh cấp 7-8, đề phòng sóng cao trên 2m.

Vùng biển phía tây của khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) gió cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-3m. Biển động.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động tại các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy và gió giật mạnh.

Đông Phong

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/ha-noi-phat-lenh-bao-dong-2-tren-song-hong-quyet-tam-han-che-toi-da-thiet-hai-do-bao-lu-1102277.html