Hà Nội phát sinh 2 ổ dịch cúm gia cầm tại huyện Chương Mỹ
Thông tin mới nhất từ Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP vừa phát sinh thêm 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, những ngày qua, trên địa bàn huyện Chương Mỹ phát sinh 2 hộ chăn nuôi gia cầm bị cúm A/H5N6. Cụ thể, tại thôn Trung Cao, xã Trung Hòa có 1 hộ và thôn Mỹ Lương, xã Mỹ Lương có 1 hộ. Tổng số gia cầm buộc phải tiêu hủy là 6.352 con.
Như vậy đến nay, trên địa bàn huyện Chương Mỹ còn 2 xã (Trung Hòa, Mỹ Lương) có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. Còn lại các xã: Phú Nghĩa, Nam Phương Tiến, Tốt Động, những địa phương ghi nhận có dịch cúm gia cầm những ngày trước đó thì đã qua 21 ngày không phát sinh.
Để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Sở NN&PTNT Hà Nội đã triển khai thực hiện công điện của Bộ NN&PTNT về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm; thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP…
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã phối hợp với UBND cấp huyện, đặc biệt là huyện Chương Mỹ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Trong đó, lưu ý các huyện chưa có dịch chủ động tăng cường công tác kiểm tra, tiêm phòng và giám sát chặt chẽ phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi có ổ dịch xảy ra.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra tình hình chăn nuôi, chỉ đạo hệ thống thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tới tận hộ chăn nuôi, phát hiện kịp thời, khoanh vùng và xử lý nhanh gọn khi có ổ dịch xảy ra. Đồng thời, tiếp tục duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn.
Cùng với đó, chuẩn đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP. Làm tốt công tác tuyên truyền để người chăn nuôi tự chủ động phòng dịch, đặc biệt, chủ động tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định cho đối tượng gia súc, gia cầm; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không để dịch bệnh xảy ra…