Hà Nội phát triển hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại

5 năm qua, Thành ủy Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Chương trình số 06-Ctr/TU về 'Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại'. Đây là chương trình quan trọng trong giai đoạn 2016-2020, giúp thay đổi diện mạo thành phố, xứng tầm với vị thế Thủ đô của đất nước.

Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị

Nhìn vào hình ảnh của Hà Nội hôm nay, chúng ta có thể thấy được không gian đô thị hiện đại với hàng loạt các công trình hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Nhiều dự án giao thông trọng điểm giai đoạn 2016-2020 đã về đích, như: Cầu vượt Ô Đông Mác-Nguyễn Khoái; nút giao Cổ Linh; cải tạo nút giao Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch; cầu vượt tại nút giao An Dương-đường Thanh Niên; cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên-Hoàng Quốc Việt... Các công trình này không chỉ giúp giải quyết vấn đề giao thông cấp bách trên địa bàn mà còn tạo cảnh quan cho Thủ đô. Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Võ Nguyên Phong, những năm qua, Ban chỉ đạo Chương trình 06-Ctr/TU đã thực hiện kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án về kết cấu hạ tầng đô thị trọng điểm của thành phố. Đến nay, nhiều chỉ tiêu của chương trình đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành. Trong đó, việc tập trung huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư các dự án trọng điểm giao thông đã góp phần tăng nhanh diện tích đất đô thị dành cho giao thông từ 8,56% (năm 2015) lên 10,03% (năm 2020). Thành phố đã hoàn thành 5 tuyến đường giao thông theo quy hoạch vùng; 5 cầu vượt tại các nút giao thông trọng điểm... Cùng với đó, công tác vận tải hành khách công cộng được quan tâm đầu tư, mở rộng và nâng cao chất lượng. Hiện, toàn mạng lưới xe buýt có 127 tuyến (năm 2015 có 91 tuyến), bao phủ 30/30 quận, huyện, thị xã. Hệ thống vận tải hành khách đường sắt đô thị từng bước được đầu tư, đưa vào khai thác trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các công trình phát triển hạ tầng kỹ thuật của thành phố đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Các dự án phát triển nguồn nước tăng mạnh, đến hết năm 2019 đã có 4 dự án cấp nguồn hoàn thành, nâng tổng công suất nguồn cấp nước đạt khoảng 1.520.000m3/ngày đêm (năm 2015 đạt 920.000m3/ngày đêm). Nhờ đó, thành phố bảo đảm đủ nguồn để cung cấp nước sạch cho đô thị và nông thôn. Tỷ lệ hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch đạt 100%; tỷ lệ đấu nối vào hệ thống nước sạch khu vực nông thôn đạt 78%. Ngoài ra, với mục tiêu bảo vệ, cải thiện môi trường để đô thị phát triển bền vững, thành phố đã đầu tư hệ thống trạm quan trắc đánh giá ô nhiễm môi trường không khí, nhất là ở những khu vực nguy cơ cao, từ đó nâng cao năng lực dự báo và có kế hoạch kiểm soát ô nhiễm cụ thể với lộ trình rõ ràng.

Đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long đã hoàn thành, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh: VIỆT CƯỜNG.

Đối với phát triển hệ thống cây xanh, chiếu sáng đô thị, thành phố đã đẩy mạnh thực hiện chỉ tiêu trồng mới một triệu cây xanh và đã hoàn thành vào năm 2018, về đích sớm hai năm; đồng thời, tiếp tục trồng thêm 600.000 cây xanh trong năm 2019 và 2020. Thành phố cũng ứng dụng bản đồ số GIS nâng cao chất lượng vận hành, giám sát hệ thống chiếu sáng, đạt tỷ lệ chiếu sáng 98%.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, nhiệm kỳ vừa qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, Hà Nội đã tích cực triển khai khâu đột phá về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, Thành ủy Hà Nội đã triển khai Chương trình 06-CTr/TU, một trong 8 chương trình công tác lớn của Thành ủy, ban hành nhiều chuyên đề, văn bản để tổ chức thực hiện. Qua 5 năm thực hiện, diện mạo Thủ đô ngày càng sáng-xanh-sạch-đẹp, văn minh, khang trang, hiện đại hơn. Thành phố có thêm nhiều đô thị hiện đại, đường phố sạch hơn. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh, Hà Nội là đô thị đặc biệt, đang trong quá trình phát triển, tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, ít nhất sẽ có 5 huyện được xây dựng thành quận trong thời gian tới. Tốc độ gia tăng dân số cơ học rất nhanh, nhiều vấn đề mới, khó phát sinh, đòi hỏi phải được giải quyết.

Xác định trọng tâm trong công tác quy hoạch

Để phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng thành phố, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch gắn với tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý đô thị. Lập quy hoạch phát triển TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030 trên cơ sở tích hợp giữa quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các quy hoạch chuyên ngành liên quan. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Đồng thời, triển khai chương trình phát triển đô thị, chú trọng kết nối phát triển giữa đô thị và nông thôn. Xây dựng các khu đô thị mới hiện đại theo hướng đô thị xanh, thông minh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ công. Quan tâm đầu tư hệ thống giao thông kết nối liên vùng. Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh khớp nối hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, tăng diện tích giao thông tĩnh toàn đô thị. Tập trung đầu tư hệ thống đường sắt đô thị, nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng.

Cùng với đó, thành phố sẽ hoàn thành các dự án phát triển nguồn và mạng cấp nước để bảo đảm cấp nước sạch trên địa bàn thành phố đạt 100% đối với cả khu vực đô thị và nông thôn. Tập trung xây dựng nhà máy xử lý nước thải để nâng công suất xử lý; chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án thoát nước lưu vực tả sông Nhuệ và một số khu đô thị mới thường bị úng ngập. Thành phố cũng sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển và duy trì hệ thống cây xanh đô thị nhằm cải thiện môi trường và tạo điểm nhấn. Nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng, không để xảy ra tình trạng xây dựng sai phép, sai quy hoạch.

Đóng góp về công tác phát triển đô thị của Thủ đô, ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, Hà Nội cần sớm hoàn thành việc lập chương trình phát triển đô thị cho toàn thành phố. Đây là tài liệu rất quan trọng để định hướng cho việc đầu tư, phát triển thành phố theo quy hoạch, đáp ứng các tiêu chuẩn của đô thị. Trong thời gian tới, Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Xây dựng để nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị (sửa đổi) trên cơ sở tháo gỡ vướng mắc trong quy hoạch. Cục trưởng Cục Phát triển đô thị cũng kiến nghị, Hà Nội cần lồng ghép một số nội dung mới về thực tiễn phát triển trong thực hiện quy định của Luật Thủ đô, tạo điều kiện cho thành phố phát triển mạnh hơn theo định hướng đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, giải quyết các vấn đề phát triển hệ thống hạ tầng đô thị.

NGUYỄN VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ha-noi-phat-trien-ha-tang-do-thi-van-minh-hien-dai-640431