Hà Nội: Phát triển hệ thống giao thông thông minh chưa đồng bộ
Hệ thống giao thông thông minh (ITS) ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào công tác tổ chức quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông, giảm thời gian và chi phí đi lại, bảo vệ môi trường.
Quản lý khai thác hạ tầng giao thông hiệu quả
Tại Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, ITS sẽ ứng dụng kỹ thuật công nghệ bao gồm công nghệ điện tử, tin học, viễn thông (thông qua hệ thống các thiết bị cảm biến, điều khiển, điện tử, tin học, và viễn thông với cơ sở hạ tầng giao thông) vào công tác tổ chức quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông, giảm thời gian và chi phí đi lại, bảo vệ môi trường.
Khi áp dụng ITS sẽ tiết kiệm thời gian, tiền bạc, tính mạng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cảnh quan môi trường (thông qua việc áp dụng các công nghệ vào vận tải đường bộ, vận tải hàng hóa, hành khách, xe buýt, xe điện, tàu điện ngầm và cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ/đường sắt...).
Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông tại Hà Nội được đặt nền móng từ năm 2014, khi Sở GTVT được UBND TP giao triển khai dự án Cải tạo, nâng cấp trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi (giai đoạn 1).
Hà Nội hiện có khoảng 2.310 nút giao thông, với 540 nút được lắp đặt đèn tín hiệu, trong đó 474 nút hiện đã được kết nối với Trung tâm điều khiển tại 54 Trần Hưng Đạo.
Ngoài ra TP có 579 camera/149 nút giao thông, trong đó có 117 chiếc phục vụ quan sát giao thông, 195 chiếc phục vụ xử phạt nguội vi phạm; 267 chiếc dò xe.
Theo đó, việc ứng dụng ITS sẽ dễ dàng quản lý khai thác hạ tầng giao thông một cách hiệu quả như: Giảm ùn tắc, tiết kiệm chi phí đi lại, tạo điều kiện tối đa cho việc đi lại và vận chuyển, cung cấp thông tin giao thông chính xác, khai thác tối ưu hạ tầng giao thông hiện tại.
Cùng đó, nâng cao năng lực quản lý bởi thông tin được chia sẻ chính xác và nhanh chóng giữa các ban ngành, tăng khả năng phối hợp liên ngành trong xử lý các vấn đề, cung cấp thông tin cho việc xây dựng chính sách, xử lý khẩn cấp các sự cố giao thông.
Điều tiết việc đi lại của phương tiện trên đường bằng biển báo thông tin thay đổi; Quản lý ùn tắc và sự cố để duy trì mức độ phục vụ tốt cho người tham gia giao thông.
Đặc biệt, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, giảm thiểu tai nạn; Thân thiện với môi trường (Giảm thiểu khí thải ra môi trường, giảm thiểu tiếng ồn); Công cụ để hiện thực hóa các chính sách giao thông.
Triển khai vẫn mang tính rời rạc, thiếu kết nối, đồng bộ
Theo lãnh đạo Sở GTVT hiện nay vẫn chưa có một nghiên cứu tổng thể nào về hiện trạng và định hướng ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành giao thông mang tính đồng bộ lâu dài (đặc biệt là việc phát triển giao thông thông minh ITS).
"Các dự án đã và đang triển khai vẫn mang tính rời rạc, thiếu tính kết nối, đồng bộ dẫn đến chưa phát huy được hiệu quả các dự án và chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay trong công tác quản lý điều hành giao thông của Thủ đô", lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho hay.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng nhận định, hệ thống đèn tín hiệu giao thông (THGT) tại nút giao thông được kết nối với trung tâm điều khiển, có khả năng điều khiển chu kỳ pha các nút đèn THGT tại trung tâm với nhiều kịch bản khác nhau phần nào hỗ trợ cho công tác quản lý. Tuy vậy các nút giao vẫn vận hành độc lập không có tính kết nối thông minh...
"Hệ thống phần mềm hỗ trợ quản lý điều hành giao thông mới được xây dựng ở bước đầu và chỉ tập trung vào giám sát xử lý vi phạm giao thông bằng hình ảnh, thiếu các hệ thống thông tin hai chiều với người tham gia giao thông, hệ thống khai thác cơ sở dữ liệu giữa các sở, ngành của TP", lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho hay.
Chưa hình thành được trung tâm quản lý giao thông đô thị có các phần mềm chuyên dụng có khả năng phân tích dữ liệu về giao thông để đưa ra các mô hình, kịch bản tổ chức giao thông; Công cụ thu thập dữ liệu giao thông theo thời gian thực; có khả năng cung cấp thông tin thời gian thực cho người dùng trên các hệ thống như: Radio, điện thoại thông minh; nền tảng WEB; biển báo điện tử, bản đồ thông minh... để xử lý dữ liệu giao thông tập trung một cách tổng thể.
Theo đó, các hệ thống chủ yếu hoạt động độc lập, rời rạc phục vụ cho nhu cầu riêng của từng ngành, chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, chuẩn hóa và chia sẻ thông tin lẫn nhau; Chưa đồng bộ trong việc đầu tư, khai thác và vận hành hệ thống điều khiển giao thông cũng như việc phối hợp, phân công công việc hợp lý, kết nối, chia sẽ thông tin, dữ liệu dùng chung giữa các ban ngành của thành phố như: Sở GTVT, Công an Thành phố, Sở Thông tin Truyền thông, Sở Khoa học Công nghệ.
Hiện nay, các ứng dụng công nghệ hiện nay còn rời rạc, chưa hỗ trợ được lẫn nhau trong việc giải quyết các vấn đề về trật tự an toàn giao thông. Công tác duy tu, bảo trì chưa được chuẩn hóa, quá trình cập nhật công nghệ (bao gồm cả phần cứng và phần mềm) không đảm bảo tốc độ phát triển của công nghệ thông tin ngày nay và gần như không có khả năng mở rộng, không thể chia sẻ thông tin để phục vụ cho nhu cầu của các ngành khác nhau.
Chưa hình thành khung kiến trúc, tiêu chuẩn ITS của thành phố. Việc tiếp cận công nghệ hiện đại còn gặp nhiều vấn đề chưa đủ điều kiện để đáp ứng. Để thực thi các giải pháp ITS hiệu quả cần có những thiết bị hiện đại, chuyên dụng cho hệ thống nhưng ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa làm chủ được công nghệ sản xuất.
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện nay vẫn còn thiếu các điều kiện để áp dụng các giải pháp giao thông thông minh. Từ đó tối ưu và nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng giao thông. Mạng lưới camera giao thông còn ít và phân bố chưa toàn diện, chủ yếu tập trung tại một số khu vực cục bộ, các giải pháp phát hiện sự cố tự động, nhận dạng phương tiện vi phạm chưa được ứng dụng phổ biến.
Việc phát triển các ứng dụng cung cấp thông tin giao thông trên nền tảng Internet và thiết bị di động chỉ mới dừng ở mức độ thí điểm, chưa có giải pháp cung cấp thông tin hướng dẫn về lộ trình lưu thông.