Hà Nội: Phó Chủ tịch UBND quận, huyện phải kiểm tra thực tế công tác phòng cháy 2 tuần 1 lần
Hà Nội yêu cầu Phó Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã 2 tuần 1 lần phải trực tiếp giao ban và đi kiểm tra thực tế tại đại bàn về công tác PCCC; UBND cấp xã, phường, thị trấn giao 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND chịu trách nhiệm, trực tiếp chỉ đạo và phối hợp với các lực lượng tổ chức đi kiểm tra công tác đảm bảo an toàn về PCCC ít nhất 1 lần/tuần theo địa bàn quản lý.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 341/TB-UBND nêu kết luận của đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các Kế hoạch của UBND Thành phố về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thành phố.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác PC&CC, CNCH trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới, UBND Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về công tác PCCC&CNCH trên địa bàn Thủ đô.
Cụ thể, UBND TP giao Công an Thành phố tham mưu UBND Thành phố các giải pháp giải quyết dứt điểm tồn tại về PCCC tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm về cháy nổ, như: nhà, công trình cao tầng; nhà chung cư, nhà tập thể cũ; chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí đốt hóa lỏng; các cơ sở hoạt động, kinh doanh dịch vụ văn hóa (bar, karaoke, vũ trường); kho, bãi hàng hóa, xưởng sản xuất trong Khu, cụm công nghiệp, làng nghề và đan xen trong khu dân cư.
Đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, gây mất an toàn về PCCC phải kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động. Các đơn vị cung cấp điện, cấp nước ngừng cấp điện, cấp nước đối với những công trình vi phạm quy định về PCCC đã được các cấp chính quyền hoặc cơ quan Công an ra quyết định đình chỉ hoạt động. Giao Công an Thành phố xem xét, làm rõ trách nhiệm khi xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản theo đúng quy định.
Công an Thành phố tiếp tục xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH từ Thành phố đến cấp huyện có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra theo hướng “chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại”; chủ động phối hợp các đơn vị liên quan đề xuất quy hoạch phát triển hệ thống các Đội Cảnh sát PCCC&CNCH; nghiên cứu phương án đẩy mạnh xã hội hóa, hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng Cảnh sát PCCC đủ sức hoàn thành nhiệm vụ.
UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát, khắc phục những tồn tại về cơ sở hạ tầng phục vụ công tác PCCC&CNCH; kiểm tra, xử lý, giải tỏa các công trình, bục, bệ, barie... cản trở công tác chữa cháy...
Đáng chú ý, UBND TP Yêu cầu đồng chí Phó Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã 2 tuần 1 lần trực tiếp giao ban và đi kiểm tra thực tế tại đại bàn về công tác PCCC; UBND cấp xã, phường, thị trấn giao 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND chịu trách nhiệm, trực tiếp chỉ đạo và phối hợp với các lực lượng tổ chức đi kiểm tra công tác đảm bảo an toàn về PCCC ít nhất 1 lần/tuần theo địa bàn quản lý (có biên bản ghi nhận quá trình kiểm tra).