Hà Nội: Quận Long Biên quy định trường hợp nào dừng bán tại chỗ?
Từ 6 giờ ngày 27.12, quận Long Biên áp dụng biện pháp phòng chống dịch theo cấp độ 3. Theo đó, quận đã quy định rõ những trường hợp phải dừng bán hàng tại chỗ.
UBND quận Long Biên vừa có thông báo về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch và điều chỉnh biện pháp hành chính phòng chống dịch tương ứng với cấp độ dịch cấp 3.
Nhiều địa bàn tại Hà Nội siết chặt quy định phòng chống dịch - Ảnh: UBND TP.Hà Nội
Theo đó, trong tuần từ ngày 17 đến 24.12, quận Long Biên ghi nhận 1.099 ca F0 mới. Theo đánh giá, phân loại cấp độ dịch, cấp quận và 13/14 phường (trừ phường Sài Đồng) đều ở cấp độ 3.
Để chủ động trong công tác phòng chống dịch, UBND quận Long Biên yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc quận, chủ tịch UBND 14 phường, các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của quận và TP.
Từ 6 giờ ngày 27.12, quận Long Biên hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người ngoài trời bảo đảm an toàn phòng chống dịch, nhất là trong dịp cuối năm, Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đám tang, đám cưới...; các hoạt động trong nhà không được quá 50% công suất.
Ngừng hoạt động đối với: các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; rạp chiếu phim; cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao... Không tổ chức tiệc cưới, liên hoan, tân gia... Đám hiếu không quá 20 người, đoàn viếng không quá 5 người.
Ngoài ra, quận Long Biên cũng quy định cụ thể các trường hợp chỉ được phép bán mang về đối với các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các chợ, trung tâm thương mại, các tuyến đường và tuyến phố trọng điểm (gồm: Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Sơn, Hoàng Như Tiếp, Lâm Hạ, Hồng Tiến, Ngô Gia Khảm, Ngọc Lâm, Sài Đồng, Vũ Xuân Thiều, Ngô Gia Tự, Trường Lâm, Đức Giang, Việt Hưng, Nguyễn Cao Luyện, Kẻ Tạnh; Thép Mới, Lý Sơn, Ngọc Thụy, Gia Quất, Lưu Khánh Đàm, Chu Huy Mân, Thạch Bàn, Phúc Lợi, Hội Xá, Ái Mộ).
Các cơ sở còn lại được khuyến khích thực hiện bán mang về; đăng ký bán hàng ăn uống tại chỗ với UBND phường về số khách tối đa trong cùng một thời điểm (bảo đảm không vượt 30% công suất chỗ ngồi), thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.
Quận cũng yêu cầu các cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn hoạt động không quá 50% công suất; cơ sở dịch vụ cắt tóc, gội đầu hoạt động không quá 30% công suất; tạm dừng hoạt động các cơ sở làm đẹp; dừng hoạt động đối với dịch vụ karaoke, mát xa, điện tử; các cơ quan, công sở hoạt động không quá 70% công suất (khuyến khích làm việc trực tuyến). Tạm dừng tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh khối 12 của các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX và trường dạy nghề.
Hiện thủ đô Hà Nội có 8 quận cấp độ 3 (vùng cam, nguy cơ cao) là Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm và Tây Hồ, theo quy định các địa bàn này sẽ phải siết chặt nhiều hoạt động.
Ở cấp độ toàn thành phố, dịch ở cấp 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình). Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29.4 đến hết ngày 17.12) là 35.643 ca. Trong đó, số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 12.990 ca, số ca mắc là đối tượng được cách ly là 22.653 ca.
Đặc biệt, liên tiếp trong 5 ngày qua (từ ngày 20 đến 24.12), Hà Nội ghi nhận từ 1.600 đến 1.800 ca/ngày. Riêng ngày 24.12, số ca mắc tăng mạnh, lên tới 1.834 ca/ngày.