Hà Nội: Quan tâm hỗ trợ người thu nhập thấp khi chuyển đổi với xe máy chạy xăng

Hà Nội sẽ tập trung chuyển đổi xanh đối với phương tiện giao thông cá nhân. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, tác động rất lớn, liên quan đến nhiều thành phần, đặc biệt người có thu nhập thấp.

Đó là khẳng định của các chuyên gia tại Tọa đàm “Chuyển đổi xe máy xăng ở nội đô: Vì một Hà Nội xanh” do Báo Dân trí phối hợp với Văn phòng UBND thành phố Hà Nội tổ chức sáng 18-7 tại Hà Nội.

Các đại biểu tham gia Tọa đàm “Chuyển đổi xe máy xăng ở nội đô: Vì một Hà Nội xanh”. Ảnh: Thành Đông

Các đại biểu tham gia Tọa đàm “Chuyển đổi xe máy xăng ở nội đô: Vì một Hà Nội xanh”. Ảnh: Thành Đông

Hà Nội có 70% xe máy cũ đang lưu hành

Báo cáo tại tọa đàm cho thấy, hiện thành phố Hà Nội có trên 9,2 triệu phương tiện các loại hoạt động. Trong đó, thành phố đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện, gồm 1,1 triệu ô tô và trên 6,9 triệu xe máy, khoảng 1,2 triệu ô tô, xe máy cá nhân từ các tỉnh, thành phố khác lưu thông trên địa bàn. Tốc độ gia tăng phương tiện của Hà Nội khoảng 4-5%/năm, gấp từ 11 đến 17 lần tốc độ mở rộng đường sá.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đào Việt Long phát biểu. Ảnh: Thành Đông

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đào Việt Long phát biểu. Ảnh: Thành Đông

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đào Việt Long cho biết, trong tổng số 6,9 triệu xe máycủa thành phố và xấp xỉ gần 1,5 triệu xe máy của các tỉnh khác thường xuyên hoạt động trên địa bàn, có đến 70% xe máy đang lưu hành là xe cũ. Các nghiên cứu thống kê đã chỉ rõ rằng, xe máy là nguồn phát thải chính tại đô thị. Cụ thể, xe máy gây ra 94% lượng hydrocacbon (HC), 87% khí CO, 57% NOx và 33% bụi mịn PM10 từ giao thông.

“Đây là con số đáng lo ngại. Kết quả phân tích trên cho thấy nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu ở Hà Nội là phát thải từ phương tiện giao thông đường bộ, theo thống kê chiếm 58-74% tùy từng thời điểm”, ông Đào Việt Long cho biết.

Từ phân tích trên, ông Đào Việt Long cho rằng, việc tiếp tục sử dụng hàng triệu xe máy cũ không chỉ ảnh hưởng đến môi trường của Hà Nội, mà còn làm suy giảm chất lượng không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, chưa kể vấn đề về tai nạn giao thông. Đây là cơ sở quan trọng để Hà Nội đẩy mạnh chính sách vùng phát thải thấp và chuyển đổi phương tiện giao thông xanh thời gian tới.

Các chuyên gia cũng nhận định, việc thay thế xe cũ bằng xe điện hoặc xe đạt chuẩn có thể giúp giảm 35-40% lượng khí CO và HC, đồng thời cải thiện chất lượng không khí và tiết kiệm năng lượng.

Trước yêu cầu cấp thiết trên, ngày 12-7, Thủ tướng đã có Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị lớn. Thủ tướng yêu cầu thành phố Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình, đến ngày 1-7-2026, không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1 và thực hiện các lộ trình tiếp theo.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Anh Quân phát biểu. Ảnh: Thành Đông

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Anh Quân phát biểu. Ảnh: Thành Đông

Với vai trò là cơ quan tham mưu UBND thành phố trong công tác quản lý về môi trường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Anh Quân nhận thấy, Chỉ thị 20 mang tính cấp bách, kịp thời, tổng thể và rất toàn diện. Chỉ thị không chỉ đề cập đến môi trường nói chung, mà còn yêu cầu xử lý chất thải rắn tại đô thị, xử lý ô nhiễm của các lưu vực sông; đưa ra những chủ trương, những nhóm giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Thực tế tại Hà Nội cho thấy, xe máy là phương tiện thuận tiện, mưu sinh của nhiều gia đình, với số lượng lớn. Do đó, có ý kiến cho rằng, chính sách này khi áp dụng sẽ tác động đến cuộc sống người dân.

Ông Nguyễn Đại Hoàng, Admin diễn đàn Otofun phát biểu. Ảnh: Thành Đông

Ông Nguyễn Đại Hoàng, Admin diễn đàn Otofun phát biểu. Ảnh: Thành Đông

Trả lời băn khoăn này, ông Nguyễn Đại Hoàng, Admin diễn đàn Otofun cho rằng, Chỉ thị 20 là chủ trương đúng, không chỉ giảm phát thải, mà còn tác động đến lưu thông trong phố khi hiện tại, lượng xe máy lưu thông trong nội đô rất đông. Chuyển đổi sang phương tiện công cộng sẽ tốt hơn nhiều, giúp tái quy hoạch lại thành phố, ví dụ như nhiều cơ quan có thể nghĩ đến việc chuyển trụ sở ra ngoài Vành đai 2, Vành đai 3...

“Đó là những tác động có tính lâu dài. Tuy nhiên, chính sách đúng nhưng phương thức triển khai, tác động như thế nào đến người dân là điều chúng tôi rất quan tâm”, ông Nguyễn Đại Hoàng nói.

Khuyến khích 126 xã/phường phát triển vùng phát thải thấp

Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua là thành phố sẽ triển khai những chính sách hỗ trợ nào cho người dân để chuyển đổi phương tiện xanh một cách khoa học và hài hòa nhất.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đào Việt Long phát biểu. Ảnh: Thành Đông

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đào Việt Long phát biểu. Ảnh: Thành Đông

Ông Đào Việt Long chia sẻ, để triển khai nội dung này Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo từ nhiều năm. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước tham mưu UBND thành phố, Sở Xây dựng đang nghiên cứu các cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện theo Điều 28 của Luật Thủ đô, trong đó có chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông xanh. Chính sách này sẽ tập trung hỗ trợ qua nhiều hình thức: trực tiếp bằng tiền hay gián tiếp thông qua chính sách phí, lệ phí...

Sở Xây dựng cũng có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện xanh. Với doanh nghiệp kinh doanh vận tải, phương tiện công cộng, sẽ có cơ chế hỗ trợ về lãi suất vay để doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi, hoặc chính sách liên quan đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông xanh nhằm giải quyết lo ngại về trạm sạc.

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phát biểu. Ảnh: Thành Đông

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phát biểu. Ảnh: Thành Đông

Chia sẻ việc áp dụng vùng phát thải thấp, bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết: Theo Nghị quyết của thành phố, từ năm 2030, tùy vào tình hình thực tế, địa phương có thể chủ động lựa chọn một số tuyến phố trong khu vực để làm vùng phát thải thấp. Thành phố trao quyền chủ động cho các địa phương đề xuất, trình thành phố khi cảm thấy cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối ở khu vực đảm bảo để triển khai vùng phát thải thấp.

“Chúng tôi khuyến khích 126 xã/phường khi rà soát ổn định về tổ chức, có những đề xuất với thành phố về thành lập những vùng phát thải thấp. Chúng tôi hỗ trợ hết sức về chuyên môn, kêu gọi các nhà đầu tư, chuyên gia môi trường hỗ trợ có những số liệu, hiện trạng môi trường, phân tích diễn biến, chất lượng môi trường trước khi các xã/phường thành lập vùng phát thải thấp”, bà Lưu Thị Thanh Chi chia sẻ.

Triển khai các giải pháp tổng thể hỗ trợ người dân

Chia sẻ về các chính sách hỗ trợ người dân khi chuyển đổi sang xe điện, ông Đào Việt Long cho biết, vấn đề này liên quan lợi ích của đông đảo người dân, do đó, việc triển khai chủ trương này được tiến hành rất bài bản, thận trọng và đồng bộ, đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân. Đồng thời, các chính sách phải đảm bảo mục tiêu về môi trường cũng như mục tiêu chung của thành phố.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đào Việt Long phát biểu. Ảnh: Thành Đông

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đào Việt Long phát biểu. Ảnh: Thành Đông

Theo ông Đào Việt Long, để triển khai thực hiện việc này chắc chắn cần sự phối hợp giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đây là 3 yếu tố mấu chốt để thành công.

“Chúng tôi đã làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội và gần đây nhất, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với Hiệp hội mô tô, xe gắn máy Việt Nam, Hiệp hội cũng ủng hộ chủ trương, chính sách của thành phố”, ông Đào Việt Long thông tin.

Với doanh nghiệp, thành phố kêu gọi doanh nghiệp đồng hành và nhiều doanh nghiệp sẵn sàng có chính sách riêng như về thu mua xe cũ, hỗ trợ trực tiếp cho người dân khi mua xe hoặc chính sách lâu dài về bảo dưỡng, sửa chữa, mua pin…

“Thành phố tiếp tục lấy ý kiến, đối thoại với doanh nghiệp và cùng các doanh nghiệp đưa ra chính sách phù hợp với chủ trương của thành phố trong từng giai đoạn. Chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến của cộng đồng để tiếp thu trước khi đưa ra chính sách”, ông Đào Việt Long nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đại Hoàng, Admin diễn đàn Otofun phát biểu. Ảnh: Thành Đông

Ông Nguyễn Đại Hoàng, Admin diễn đàn Otofun phát biểu. Ảnh: Thành Đông

Để hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện, ông Nguyễn Đại Hoàng cho rằng, việc chuyển đổi đòi hỏi nhiều biện pháp từ cơ quan Nhà nước, như hỗ trợ tài chính; giảm lệ phí trước bạ với xe mới; hỗ trợ trạm sạc công cộng hoặc miễn phí sạc... Để khuyến khích người dân bỏ xe cá nhân, Nhà nước có thể có các cơ chế như tặng vé xe bus.

“Tuy nhiên, xe bus sẽ không đi được tất cả các tuyến phố. Lúc này, cần có thêm các đơn vị triển khai các dịch vụ như xe máy điện, xe đạp điện công cộng”, ông Nguyễn Đại Hoàng chia sẻ.

Ngoài ra, để hạn chế được các phương tiện như xe máy, ông Nguyễn Đại Hoàng cho rằng cần có những chương trình liên quan như kiểm định, định danh người dùng..., từ đó mới có những cách hạn chế người không sử dụng xe "xanh".

Ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Tài chính - Đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội phát biểu. Ảnh: Thành Đông.

Ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Tài chính - Đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội phát biểu. Ảnh: Thành Đông.

Trong mấy ngày gần đây, trên phương tiện thông tin đại chúng chia sẻ về việc Hà Nội dự kiến hỗ trợ mỗi người dân từ 3 đến 5 triệu đồng để chuyển đổi xe máy trong Vành đai 1. Ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Tài chính - Đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nội dung này mới là sản phẩm nghiên cứu của đơn vị tư vấn, đề xuất trong dự thảo nghị quyết với một loạt cơ chế, chính sách đi kèm. Đây chưa phải là nội dung cuối cùng cũng như quyết định của thành phố, vì nội dung này phải sử dụng ngân sách nên phải qua quy trình, thủ tục đầy đủ.

Đình Hiệp - Hồ Ngọc Trâm

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-quan-tam-ho-tro-nguoi-thu-nhap-thap-khi-chuyen-doi-voi-xe-may-chay-xang-709483.html