Hà Nội quyết liệt lập lại trật tự thị trường: Hơn 2.000 vụ vi phạm bị xử lý
6 tháng đầu năm 2025, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố, đẩy mạnh kiểm tra, xử lý hơn 2.000 vụ vi phạm, tập trung vào các nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng nhập lậu và hàng giả trên không gian mạng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách vượt 88 tỷ đồng.
6 tháng xử lý hơn hơn 2.000 vụ vi phạm
Trước diễn biến phức tạp của thị trường Hà Nội, đặc biệt trên môi trường mạng và các nhóm hàng có nguy cơ cao, lực lượng QLTT TP. Hà Nội đã triển khai đồng bộ kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất và chuyên đề, phối hợp chặt với Công an thành phố và các lực lượng liên ngành.

Lực lượng QLTT thành phố Hà Nội kiểm tra và tạm giữ hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu tại cửa hàng Tina Lê Make up số 17 phố Hàng Cá, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tháng 6/2025.
Tính đến hết tháng 6/2025, toàn lực lượng đã thực hiện 2.176 vụ kiểm tra, trong đó có 2.066 vụ kiểm tra đột xuất. Kết quả, 2.068 vụ vi phạm đã bị xử lý, trong đó có 488 vụ phối hợp với Công an và 37 vụ chuyển cơ quan điều tra. Số tiền thu nộp ngân sách từ xử phạt và tịch thu, tiêu hủy hàng vi phạm đạt hơn 88,2 tỷ đồng.
Tháng 6/2025 ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt hơn sau Công điện số 65/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Lực lượng đã kiểm tra 516 vụ, xử lý 541 vụ vi phạm, với tổng giá trị xử lý vượt 18 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, các nhóm hàng bị phát hiện vi phạm nhiều nhất là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng nhanh, đồ điện tử, thời trang, thiết bị điện. Tổng cộng có 771 vụ hàng nhập lậu, 718 vụ hàng giả và 251 vụ kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc.

Đội QLTT số 10 - Chi cục QLTT Hà Nội kiểm tra và phát hiện nhiều sản phẩm là pin điện thoại nhập lậu, tồng giá trị gần 500 triệu đồng tại Công ty TNHH Tiger Display Global - Mê Linh - Hà Nội tháng 5/2025.
Thương mại điện tử tiếp tục là điểm nóng với 72 vụ vi phạm trong 6 tháng, riêng tháng 6 là 33 vụ. Hành vi phổ biến là kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm và phụ kiện không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, 23 vụ buôn bán thuốc lá nhập lậu (gần 1.900 bao thuốc) và 7 vụ liên quan đến khí N2O (“bóng cười”) cũng đã bị xử lý.
Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm – một trọng tâm của lực lượng – đã có 98 vụ bị xử lý, tang vật lên tới gần 51.000 đơn vị sản phẩm như bánh, kẹo, thực phẩm đông lạnh, nấm, tương ớt... Tổng số tiền phạt hành chính hơn 2,7 tỷ đồng.
Song song với công tác kiểm tra, lực lượng cũng tăng cường kiểm soát nội bộ. Trong 6 tháng đầu năm đã kiểm tra định kỳ, đột xuất 6 đội QLTT, tiếp nhận và xử lý 17 đơn thư, 20 nguồn tin phản ánh.
Mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định
Dự báo thời gian tới, thị trường Hà Nội vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm trong bối cảnh thời tiết nắng nóng và nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Chi cục QLTT thành phố tiếp tục triển khai Kế hoạch số 04/KH-QLTT cho 6 tháng cuối năm, đồng thời thực hiện nghiêm các chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ.
Các nhóm hàng phục vụ mùa hè và Tết Trung thu như bánh kẹo, nước giải khát, rượu bia… sẽ được tập trung kiểm tra, kèm theo hoạt động lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
Công tác phối hợp với Ban Chỉ đạo 389, các sở ngành, UBND thành phố và lực lượng truyền thông cũng được đẩy mạnh. Các tổ công tác liên ngành đã và đang được triển khai để giám sát thị trường và xử lý vi phạm theo các đợt cao điểm.
Ông Dương Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, toàn lực lượng sẽ tiếp tục siết chặt kiểm tra, theo dõi sát diễn biến địa bàn, không để phát sinh “điểm nóng” về hàng lậu, hàng giả và hàng cấm. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trên không gian mạng nhằm giữ vững ổn định thị trường, đóng góp cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô bền vững, minh bạch và an toàn.