Hà Nội quyết tâm hồi sinh, làm 'sống lại' các công viên, vườn hoa
Trước tình trạng một số công viên, vườn hoa trên địa bàn xuống cấp, TP Hà Nội đã lên kế hoạch cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các công viên, vườn hoa, nâng tầm cảnh quan, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi của Nhân dân.
Sáng 26/3, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban quý I/2024 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến.
Chủ trì hội nghị có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh. Tham dự còn có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND TP.
Hội nghị giao ban tập trung vào 4 nội dung: triển khai thực hiện các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024); công tác bàn giao, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP; thúc đẩy triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021 - 2025) và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, 2025; sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2023-2025.
Chủ động xây dựng kế hoạch cải tạo, chỉnh trang các công viên, vườn hoa
Báo cáo về công tác bàn giao, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, đối với 41/45 công viên, vườn hoa do các quận thực hiện, sau hơn 2 năm triển khai, về cơ bản các quận đã chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai phù hợp với thực tế từng địa phương.
Đến nay, các quận đã hoàn thành cải tạo 14 vườn hoa (đạt khoảng 31% kế hoạch). Trong năm 2024, các quận tiếp tục hoàn thành 16 công viên, vườn hoa (dự kiến đạt khoảng 67% kế hoạch). Đến năm 2025 dự kiến hoàn thành nốt 11 công viên, vườn hoa đạt khoảng 91% kế hoạch.
Đối với 5/45 công viên gồm: công viên Tuổi trẻ, thời gian tới, UBND TP sẽ tiếp tục chỉ đạo Quận Hai Bà Trưng phối hợp với các sở, ngành khẩn trương xử lý các công trình vi phạm, điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 và nghiên cứu thực hiện dự án xây dựng mới.
Với công viên Thủ Lệ, thời gian tới, UBND TP sẽ tiếp tục chỉ đạo Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội khẩn trương phối hợp với Sở QH-KT, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết làm cơ sở triển khai dự án.
Với công viên Thống Nhất, thời gian tới, UBND TP sẽ tiếp tục chỉ đạo Công ty TNHH MTV công viên Thống Nhất khẩn trương phối hợp với các đơn vị có liên quan sớm hoàn thành phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 làm cơ sở triển khai dự án. Với công viên Bách Thảo, thời gian tới, UBND TP sẽ tiếp tục chỉ đạo quận Ba Đình khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện quy hoạch chi tiết theo quy định. Sở KH&ĐT tham mưu UBND TP việc giao nhiệm vụ và hướng dẫn quận Ba Đình điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Với công viên Hòa Bình, thời gian tới, UBND TP sẽ tiếp tục chỉ đạo quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện công tác sửa chữa, cải tạo bằng ngân sách quận theo quy định.
Các công viên, vườn hoa đang được hồi sinh
Tham luận tại Hội nghị giao ban, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, quận được TP giao quản lý 3 công viên: Bách Thảo, Indira Gandhi, LeNin; và 12 vườn hoa. Trong đó, 2 công viên: Bách Thảo, Indira Gandhi đến nay đang lập quy hoạch chi tiết, sẽ hoàn thành Công viên Indira Gandhi trong năm 2024.
Riêng Công viên Bách Thảo, qua nghiên cứu có nhiều yếu tố văn hóa lịch sử gắn với các triều đại Lý, Trần, Lê… như núi Khán, chùa Khán Sơn, nên việc nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cần phải xin ý kiến các chuyên gia văn hóa, lịch sử, Hà Nội học… nhằm phục dựng các yếu tố lịch sử nên việc lập quy hoạch chi tiết dự kiến hoàn thành trong 2024, điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt báo cáo nghiên cứu kỹ thuật trong 2025.
Đối với 7 vườn hoa nằm trong Kế hoạch số 332/KH-UBND về cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 (Lê Trực, Vạn Xuân, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, hồ Trúc Bạch, Bãi Nhãn, hồ Giảng Võ), hiện nay đã hoàn thành 6/7 vườn hoa; còn lại vườn hoa hồ Giảng Võ hiện chờ quy hoạch chi tiết khu tập thể Giảng Võ. Các vườn hoa sau cải tạo đều đảm bảo các tiện ích cơ bản phục vụ người dân, tới đây sẽ phối hợp các đơn vị tài trợ lắp đặt wifi miễn phí.
Một trong những vướng mắc mà các quận, huyện nêu ra, đó là khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB. Như tại quận Cầu Giấy, đối với Công viên Tây Nam Hà Nội có diện tích 11,2ha, công tác GPMB chia làm 2 giai đoạn, hiện còn một nghĩa trang 5.000 ngôi mộ trong quy hoạch; chủ đầu tư đang xin ý kiến điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Sau khi hoàn thành cải tạo các công viên, vườn hoa, quận đã tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng như triển lãm điêu khắc, mỹ thuật, ảnh nghệ thuật, ca nhạc… Ngoài ra, quận chủ động đầu tư xây dựng các vườn hoa theo quy hoạch phân khu H1-2 được duyệt; đã hoàn thành 13 vườn hoa nhỏ, nằm xen kẽ trong các khu dân cư; đồng thời sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng 8 vườn hoa trong các năm 2024-2025.
Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân cho biết, tháng 2/2024, UBND quận Hà Đông đã tiếp nhận tạm từ chủ đầu tư là Công ty Cổ phần tập đoàn Nam Cường để mở cửa 2 công viên, đưa vào sử dụng trước tết Nguyên Đán 2024 phục vụ người dân (Công viên cây đàn trên địa bàn phường Yên Nghĩa và Công viên Thiên văn học trên địa bàn phường Dương Nội).
Về công tác cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp, năm 2023, UBND quận Hà Đông đã phê duyệt 4 dự án trên địa bàn 3 phường Yết Kiêu, Văn Quán, La Khê với giá trị 33,122 tỷ đồng. Hiện đã khởi công 2 dự án với giá trị 15,482 tỷ đồng (Dự án Cải tạo nâng cấp công viên Nguyễn Trãi, phường Văn Quán và Dự án Cải tạo, nâng cấp vườn hoa Hà Đông, phường Yết Kiêu). Hai dự án cải tạo khu cây xanh tại phường La Khê với tổng giá trị 17,64 tỷ đồng hiện đang bước lựa chọn đơn vị thi công, dự kiến khởi công trong Quý II/2024.
Về công tác đầu tư xây dựng mới, dự án đầu tư xây dựng mới Công viên Văn hóa - Vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông, ngày 06/11/2023 UBND TP đã ban hành Quyết định số 5628/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết Khu công viên văn hóa - vui chơi, giải trí, thể thao quận Hà Đông, tỷ lệ 1/500. HĐND quận đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 21/12/2023 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Hiện nay UBND quận đang tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc.
Theo Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung, quận cải tạo, nâng cấp các vườn hoa, trong đó có 8 vườn hoa quy mô tương đối lớn. Liên quan các ý kiến về công viên Thống Nhất, quận chưa được TP giao nhiệm vụ về dự án công viên Thống Nhất; nếu được giao nhiệm vụ, quận đề nghị được TP bố trí nguồn vốn để thực hiện. Về điều chỉnh quy hoạch công viên Thủ đô, quận đã trình Sở QH-KT thẩm định điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Quận Hai Bà Trưng về phân cấp ủy quyền về hạ tầng đô thị có quy mô lớn, do đó, đề nghị TP xem xét, tạo điều kiện cho quận.
Tại huyện Đông Anh, trên địa bàn có 71 công viên, vườn hoa (có 3 công viên). Công viên Thể thao trên địa bàn huyện đang triển khai, dự kiến 2024 hoàn thành giai đoạn 1. Hiện có 68 vườn hoa được các xã chăm sóc; huyện phấn đấu trong năm 2024 có 100 vườn hoa tại các thôn, làng; đồng thời, sẽ tiếp tục đầu tư thêm các vườn hoa.
Trao đổi với ý kiến của các quận, huyện về công tác bàn giao, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong đánh giá, việc triển khai, thực hiện ở các quận, huyện rất tốt, có kết quả. Dự kiến đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành Kế hoạch 332 của TP.
“Theo kết luận của Thành ủy, UBND TP, Sở Xây dựng tiếp tục bàn giao các công viên về quận, huyện quản lý. Sở đã tổ chức bàn giao cho Hai Bà Trưng, Ba Đình, Bắc Từ Liêm các công viên, đã bàn giao xong khối lượng; còn các quận đang lựa chọn các đơn vị duy trì” - Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong thông tin. Đồng thời lưu ý các quận, huyện phải giữ được tối đa diện tích cây xanh ở các vườn hoa.