Hà Nội rà soát quy trình đấu giá ba mỏ cát: Đánh giá trữ lượng có chính xác?

Liên quan đến vụ việc đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội gần 1.700 tỷ đồng, cao hơn hàng trăm lần so với giá khởi điểm, đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sở đang tiến hành rà soát lại toàn bộ quy trình đấu giá, dù 'lúc làm đã rất chặt chẽ'.

Theo Sở TN&MT, trước khi đấu giá thành phố Hà Nội đã xây dựng một đề án thẩm định, đánh giá trữ lượng. Đồng thời thành lập Hội đồng thẩm định gồm các chuyên gia, nhà khoa học để thẩm định trữ lượng, báo cáo UBND thành phố.

Tiếp đến, Hà Nội họp liên ngành để giám sát, đánh giá kết quả của hội đồng có chính xác trữ lượng lớn hay không. Khi không có gì bất thường, UBND thành phố Hà Nội mới phê duyệt kết quả trữ lượng mà hội đồng đã thẩm định. Từ kết quả phê duyệt của UBND thành phố Hà Nội, Sở TN&MT Hà Nội lấy căn cứ để tiến hành đấu giá.

Mỏ cát Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) vừa trúng đấu giá. Ảnh: Thanh Hiếu

Mỏ cát Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) vừa trúng đấu giá. Ảnh: Thanh Hiếu

Theo tìm hiểu của PV, ngoài 3 mỏ cát ở Hà Nội đã tổ chức đấu giá, trong kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 còn có 3 mỏ khác là mỏ cát Cổ Đô 1, Cổ Đô 2 và mỏ Thanh Chiểu, tại xã Cổ Đô và xã Phú Cường, huyện Ba Vì.

Các mỏ cát đều được đấu giá thành công với mức cao hơn hàng trăm lần so với giá khởi điểm, như mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu (huyện Ba Vì) có giá khởi điểm 19,2 tỷ đồng được đấu giá thành công với giá 883 tỷ đồng - cao gấp 45 lần giá khởi điểm; Mỏ cát Châu Sơn (huyện Ba Vì) giá khởi điểm 2,881 tỷ đồng, giá trúng đấu giá là 397 tỷ đồng - cao gấp 141 lần giá khởi điểm; Mỏ cát Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) có giá trúng đấu giá 408 tỷ đồng - cao gấp 200 lần so với giá khởi điểm 2,051 tỷ đồng. Tổng số tiền các tổ chức, cá nhân trả trong các phiên đấu giá là gần 1.700 tỷ đồng.

Ngày 20/6/2023, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định về việc phê duyệt giá khởi điểm, bước giá làm cơ sở tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 mỏ cát: Mỏ cát Cổ Đô 1 (xã Cổ Đô, xã Phú Cường, huyện Ba Vì) có trữ lượng hơn 4,145 triệu m3 và có giá đấu khởi điểm là gần 17 tỷ đồng, với bước giá 849 triệu đồng. Mỏ cát Cổ Đô 2 (xã Cổ Đô, xã Phú Cường, huyện Ba Vì) có trữ lượng hơn 3,625 triệu m3 và có giá đấu khởi điểm là gần 15 tỷ đồng, với bước giá 743 triệu đồng. Mỏ cát Thanh Chiểu (xã Phú Cường, huyện Ba Vì) có trữ lượng cát là trên 2,49 triệu m3 và có giá đấu khởi điểm là hơn 10,2 tỷ đồng, với bước giá 510 triệu đồng.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT cho rằng: Đấu giá 3 mỏ cát cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm là bất thường, cần xem lại công tác đấu giá cũng như chế tài quản lý khai thác cát hiện hành có đủ hiệu lực hay chưa.

GS. Võ nhận định, ngoài vấn đề định giá và quy trình tổ chức đấu giá, thì nên đặt câu hỏi doanh nghiệp có đang nhắm đến "lá bùa" giấy phép quyền khai thác cát hay không. "Mấu chốt của vấn đề là có giấy phép khai thác cát rồi, có quản lý được chính xác vùng khai thác, lượng cát khai thác hay không?", ông Võ đặt câu hỏi.

Trước đó, Sở TN&MT Hà Nội đã hoàn thành việc tổ chức đấu giá quyền khai thác ba mỏ cát trên địa bàn.

Trần Hoàng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ha-noi-ra-soat-quy-trinh-dau-gia-ba-mo-cat-danh-gia-tru-luong-co-chinh-xac-post1587361.tpo