Hà Nội ráo riết tìm giải pháp đảm bảo đủ chỗ cho học sinh
Năm học 2023- 2024, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng mạnh, trong đó học sinh khối 6 tăng 38.800 em. Ngành Giáo dục Hà Nội phối hợp các quận huyện đã tính toán, tối ưu hóa nhiều phương án để đảm bảo đủ chỗ học theo đúng tuyến và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Dự báo sát tình hình
Theo thống kê thì số học sinh lớp 6 năm học tới của quận Hà Đông tăng khoảng 5.000 học sinh, tương ứng cần thêm 116 phòng học. Tuy nhiên, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, con số thực tế theo học các trường THCS công lập trên địa bàn quận thấp hơn khá nhiều bởi không ít gia đình định hướng và đăng ký cho con theo học các trường THCS không phân tuyến như trường tư thục và trường chất lượng cao. Do vậy, tỷ lệ học sinh học công lập sẽ thấp hơn và quận đã tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo đủ phòng học cho học sinh có nhu cầu.
Cụ thể, năm học tới, quận Hà Đông đã xây dựng thêm 7 đơn nguyên cho các trường THCS, đồng thời tăng cường rà soát, cải tạo, nâng cấp và tiếp tục xây dựng thêm phòng học cho các nhà trường, có thể kể như: THCS Văn Yên, THCS Văn Quán, THCS Biên Giang, THCS Trần Đăng Ninh… Ngoài ra, quận đang có đề án xây dựng thêm một trường THCS nữa là Trường THCS Hà Cầu.
Là đơn vị được phê duyệt kế hoạch xây dựng thêm một dãy nhà 4 tầng với 8 phòng học trong thời gian tới, nhà giáo Trần Thị Yến - Hiệu trưởng Trường THCS Văn Quán chia sẻ: Năm học 2023- 2024, Trường THCS Văn Quán có 8 lớp 9 ra trường nhưng đón thêm 10 lớp 6 vào trường; như vậy quy mô của trường tăng thêm 2 lớp, tương đương 90 học sinh. Trước mắt, trường sẽ tiến hành sắp xếp, cơ cấu lại các phòng chức năng hợp lý để đảm bảo đủ phòng học, lớp học.
“Theo phân tuyến, Trường THCS Văn Quán sẽ đón học sinh khối 5 Trường Tiểu học Nguyễn Du. Học sinh khối 5 Trường Tiểu học Nguyễn Du đang là 600 học sinh, trong khi chỉ tiêu lớp 6 dự kiến của trường là 450. Lý do bởi không phải tất cả học sinh khối 5 Trường Tiểu học Nguyễn Du sẽ chuyển lên học tại Trường THCS Văn Quán mà có nhiều em học các trường tư thục trên địa bàn quận hoặc trong khu vực nội thành và thi vào Trường THCS chất lượng cao Lê Lợi. Về cơ bản, dù tăng học sinh nhưng trường đảm bảo đủ chỗ và công tác tổ chức bán trú cho học sinh khối 6, 7 (theo nguyện vọng của phụ huynh) sẽ không bị xáo trộn”- Hiệu trường Trường THCS Văn Quán cho hay.
Với Trường THCS Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm), nhà giáo Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường có tổng 45 phòng học nhưng hiện tại mới có 43 lớp, vẫn thừa 2 phòng chưa sử dụng. Do vậy, nếu năm học tới tăng số lượng học sinh khối 6 thì trường không lo lắng về số phòng học.
Năm học tới, học sinh lớp 6 tại huyện Mê Linh dự báo tăng khoảng 1.200 em. Với 20 trường THCS, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu cho biết, điều kiện cơ sở vật chất, số phòng học hiện có của huyện cơ bản bảo đảm đáp ứng chỗ học cho học sinh lớp 6. Có được điều này là do công tác giáo dục luôn được huyện quan tâm, đầu tư, xây dựng từ các năm học trước.
Bổ sung trường lớp, tuyển dụng giáo viên
Làm tốt công tác dự báo, xây dựng phương án tham mưu với UBND các cấp triển khai xây mới, bổ sung phòng học, dành nguồn lực, chính sách ưu tiên đầu tư cho giáo dục tiếp tục là cách thức được ngành GD&ĐT Hà Nội đẩy mạnh trong nhiều năm qua.
Một trong những địa phương có mức đầu tư lớn về trường lớp hiện nay là huyện Đan Phượng. Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng, UBND huyện đặc biệt quan tâm tới ngành giáo dục và đào tạo. Điều này thể hiện rõ trong quy hoạch mạng lưới trường lớp của huyện với mục tiêu mỗi xã có ít nhất 2 trường/cấp học. Đặc biệt, các trường dành diện tích trung bình từ 16 - 18m2/học sinh; những trường không đủ yêu cầu diện tích sẽ được di chuyển sang địa điểm mới. Đến nay, Đan Phượng đã có 8 trường được di chuyển, xây mới. Ngoài ra, huyện cũng dành kinh phí lớn để các trường bổ sung, sửa chữa phòng học, cơ sở vật chất.
“Phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm luôn chủ động phối hợp với các phường trên địa bàn rà soát các lô đất chưa quy hoạch để đề xuất, tham mưu với UBND quận dành đất cho giáo dục. Thời gian qua, phòng đã phối hợp với các phường tham mưu UBND quận chốt được 63 dự án, đã đầu tư xây mới 11 trường. Năm học 2022- 2023, quận đưa vào vận hành 5 trường và năm học tới sẽ tiếp tục thành lập mới 6 trường nữa. Với 63 dự án xây mới, mở rộng, cải tạo trường học, quận Bắc Từ Liêm hy vọng đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân cư trú trên địa bàn”- Trưởng Phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Hương cho biết.
Ngoài ra, phân tuyến tuyển sinh phù hợp, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phát triển mạnh về số lượng và chất lượng trường ngoài công lập để giảm áp lực cho trường công và giảm áp lực cho ngân sách nhà trước trong công tác đầu tư xây dựng trường học cũng là cách thức được quận Bắc Từ Liêm và các quận, huyện trên địa bàn TP đẩy mạnh.
Cùng việc chuẩn bị các điều kiện về trường lớp, Hà Nội cũng nỗ lực tháo gỡ vấn đề thiếu giáo viên. Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo rà soát, căn cứ định mức cụ thể về số lượng giáo viên từng môn học theo quy định để tham mưu chính quyền địa phương xây dựng chỉ tiêu biên chế giáo viên và tổ chức tuyển dụng. Các nhà trường được ký hợp đồng giáo viên theo quy định mới tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong văn bản hướng dẫn về công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 năm học 2023 – 2024, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các địa phương điều tra chính xác số học sinh ở từng độ tuổi trên địa bàn, phân tuyến và giao chỉ tiêu hợp lý, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh, tránh tình trạng quá tải ở các trường; Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh trên một lớp và tăng số học sinh được học 2 buổi/ngày.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-rao-riet-tim-giai-phap-dam-bao-du-cho-cho-hoc-sinh.html