Hà Nội sẵn sàng các điều kiện cho các khu cách ly tập trung
Chiều 18-3, tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; lãnh đạo 30 quận, huyện, thị xã và các sở, ngành.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp.
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến 15h ngày 18-3, tại Việt Nam, ghi nhận 68 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó đã điều trị khỏi 16/68 trường hợp.
Tại Hà Nội, tính đến cùng thời điểm, ghi nhận 15 trường hợp dương tính với Covid-19, trong đó, quận Ba Đình có 8 trường hợp, quận Hoàn Kiếm 2, quận Long Biên 2, quận Cầu Giấy 2 và 1 trường hợp quá cảnh (transit) tại sân bay Nội Bài. Tất cả các ca bệnh này đều đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã xác lập được danh sách các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân, trong đó các trường hợp thuộc diện F1 là 415 người, F2 là 2.800 người, F3 là 4.400 người. Số người đang được cách ly tại 9 khu cách ly tập trung là 2.087 người.
Thành phố đã quyết định thành lập thêm 2 khu cách ly tập trung là Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân -Tứ Hiệp (2.000 chỗ) và Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (Tây Mỗ) với 800 chỗ.
Về việc giám sát hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, đến ngày 17-3, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm dịch cho 1.953 hành khách từ các quốc gia có dịch.
Sở Y tế nhận định, hiện nay dịch bệnh đang lan rộng ra các nước trên thế giới, đặc biệt tại châu Âu, Trung Đông, Mỹ và một số nước khu vực Đông Nam Á. Từ ngày 15-3, Việt Nam chưa áp dụng cách ly hành khách nhập cảnh với một số nước, vì vậy vẫn còn những hành khách từ các quốc gia có dịch nhập cảnh vào Hà Nội chưa qua 14 ngày có nguy cơ nhiễm bệnh. Đến nay, tất cả các ca bệnh ghi nhận tại Việt Nam đều được xác minh rõ nguồn gốc, tuy nhiên việc xác định các trường hợp có liên quan còn gặp khó khăn và có thể chưa được triệt để nên có nguy cơ xuất hiện những ca bệnh mới từ những đối tượng này.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhóm giải pháp: Tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch; tuyên truyền vận động người dân thực hiện khai báo y tế tự nguyện theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện nghiêm túc công tác giám sát, cách ly, điều tra khoanh vùng xử lý khi phát hiện các ca nghi ngờ và ca bệnh; phải làm tốt công tác xác minh để nắm rõ tất cả các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân và những trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc...
Xây dựng kịch bản đón công dân về các khu cách ly tập trung
Dự báo số người đi từ vùng có dịch về Hà Nội sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới, nên cần thêm lực lượng hỗ trợ, lấy mẫu xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đề nghị mỗi quận, huyện, thị xã bổ sung ít nhất 3 người có thể lấy mẫu bệnh phẩm; đồng thời huy động học sinh, sinh viên các trường y trên địa bàn tham gia chống dịch. Đến ngày 18-3, nhiều sinh viên của Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y tế công cộng đã tình nguyện tham gia phòng, chống dịch, góp phần bổ sung lực lượng cán bộ, y, bác sĩ cho những tuyến đầu...
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp.
Đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết, đến 17h ngày 18-3, đơn vị đã đưa 799 công dân về các địa phương. Đơn vị đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để đón công dân về cách ly tập trung tại khu ký túc xá sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) với quy mô khoảng hơn 4.000 người; tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (quận Nam Từ Liêm) với quy mô khoảng 800 người; Trung tâm dạy nghề Thành An (huyện Thanh Trì) với quy mô khoảng 500 người...
Cũng liên quan đến việc tổ chức cách ly, quận Hoàng Mai cho biết, đã tổ chức tuyên truyền, vận động để người dân sống xung quanh Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân -Tứ Hiệp hiểu rõ, không hoang mang, lo lắng, không kỳ thị người phải cách ly.
Bên cạnh đó, quận Hoàng Mai đã xây dựng các kịch bản, sẵn sàng đón người về cách ly với quy mô khoảng 4.000 người, bắt đầu từ ngày 19-3. Trong quá trình tổ chức cách ly, các lực lượng chức năng sẽ bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân ngay từ vòng ngoài. Công tác hậu cần phục vụ việc cách ly cũng được tính toán kỹ lưỡng.
Về việc giám sát, khoanh vùng những người tiếp xúc với các ca bệnh, quận Hoàn Kiếm cho biết, đến ngày 18-3, địa phương này đã rà soát còn hơn 4.000 người nước ngoài đang lưu trú. Quận Ba Đình đã phát hiện thêm 3 người có liên quan đến bệnh nhân số 63; thêm 1 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân 31. Quận Hai Bà Trưng phát hiện thêm 9 trường hợp F1, 27 trường hợp F2...
Quang cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, ngày 18-3.
Ngoài ra, các địa phương cho biết, bên cạnh việc giám sát, cách ly cũng đã thực hiện nghiêm túc việc tạm dừng hoạt động các điểm di tích, văn hóa, vui chơi giải trí. Nhiều người dân chủ động tạm hoãn hoặc giảm quy mô các đám cưới trên địa bàn để tránh tập trung đông người.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nhận định, thời gian tới số người từ vùng dịch về sẽ tăng, thành phố đã chuẩn bị cơ sở vật chất tại các khu tập trung, đủ điều kiện tiếp nhận số lượng đông người về cách ly. Với dự báo các ca nhiễm có thể tăng lên trong thời gian tới, đồng chí Ngô Văn Quý đề nghị, Sở Y tế, Bộ Tư lệnh Thủ đô xây dựng phương án cụ thể hơn trong việc cách ly để tránh lây nhiễm chéo.
Sẵn sàng tiếp nhận 10.000 - 15.000 người cách ly tập trung
Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhận định, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và tại Việt Nam có khả năng sẽ còn diễn biến phức tạp trong nhiều tuần tới. Hà Nội vẫn có rất nhiều nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, từ nhiều nguồn khác nhau: Người Việt Nam, du học sinh từ nước ngoài trở về; số khách du lịch đến Việt Nam từ ngày 6-3 đến nay; số người thuộc diện F1 có thể sẽ chuyển thành dương tính... Vì thế, các đơn vị, sở, ngành, địa phương cần phải thường xuyên cập nhật diễn biến mới của dịch, từ đó có những kế hoạch, tính toán cụ thể hơn để tránh lãng phí nguồn lực, đạt hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch. Những công việc đang làm có thể sẽ thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh mới.
Hiện tại, Hà Nội bắt đầu tiếp nhận số lượng lớn người Việt Nam trở về từ các vùng dịch để cách ly tập trung, nguy cơ lây nhiễm trên cộng đồng còn có khả năng gia tăng, số ca mắc mới có thể sẽ tăng trong thời gian tới... Dự báo, từ nay đến ngày 3-4 có thể là giai đoạn cao điểm của dịch, thành phố sẽ xác định được rõ ràng hơn những ca lây nhiễm trong cộng đồng. Vì thế, trong thời gian tới, những trường hợp thuộc diện F1 đang cách ly tại bệnh viện sẽ được chuyển tới các khu cách ly tập trung của thành phố. Các bệnh viện sẽ tập trung cho việc điều trị người nhiễm bệnh. Các địa phương không cần mất nhiều nguồn lực để xác minh các trường hợp F3 và F4 mà sẽ thông báo để các đối tượng này chủ động theo dõi sức khỏe, thực hiện giám sát, cách ly tại nhà.
Từ những nhận định trên, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện những phần việc cụ thể. Sở Y tế cần có hướng dẫn các công việc cho các đơn vị, sở, ngành, địa phương trước diễn biến mới của dịch. Trong đó, các công việc chính cần xác định ngay là thực hiện phát hiện và cách ly; rà soát việc khai báo y tế của những người đi từ vùng dịch về; thực hiện nhanh việc lấy mẫu, tổ chức xét nghiệm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phải đào tạo nguồn y tá, bác sĩ trong việc lấy mẫu xét nghiệm, bảo đảm lấy được từ 1.500-3.000mẫu/ngày. Đơn vị này phải thực hiện lấy mẫu xét nghiệm 2 lần: Lần 1, tại sân bay hoặc nơi tập trung, lần thứ 2 là sau khi đủ thời gian cách ly 14 ngày.
Về các phương án cách ly, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã bổ sung nhiều khu cách ly mới để sẵn sàng đón người Việt Nam lao động, học tập, sinh sống ở nước ngoài về nước. Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận 10.000 -15.000 người Việt Nam, du học sinh ở nước ngoài về nước cách ly tập trung. Bên cạnh đó, thành phố cũng huy động được từ 1.500 – 2.000 phòng tại các khách sạn để cùng tham gia vào phương án cách ly. Thời gian tới, thành phố sử dụng ứng dụng (app) "Hà Nội Smart City" phổ biến tới từng tổ dân phố, xã phường, người dân để quản lý việc giám sát, cách ly. Phần mềm cho phép cảnh báo sự di chuyển của người được cách ly, đồng thời cảnh báo người dân những nơi hạn chế qua lại...
Về công tác tuyên truyền, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, các địa phương phải quyết liệt hơn trong việc giám sát, cách ly cộng đồng; phát huy sức mạnh của tổ dân phố trong việc tổ chức tuyên truyền công dân tự giác khai báo y tế, trao đổi thông tin với tổ dân phố và các cơ sở y tế; tuyên truyền người dân không tập trung đông người; tạm dừng các hoạt động tôn giáo, vui chơi giải trí đến hết ngày 31-3. Đội cơ động của các quận, huyện, thị xã phải phân công việc cụ thể, ứng trực thường xuyên 24/24h. Ngoài ra, các địa phương nên khuyến cáo người dân hạn chế đi lại bằng phương tiện công cộng. Các cơ quan, công sở, chung cư phải tăng cường khử khuẩn, kiểm tra thân nhiệt của người lao động, người dân; khuyến khích việc làm việc trực tuyến...
Tất cả các cấp học từ mẫu giáo, mầm non, đến đại học, dạy nghề tiếp tục nghỉ học đến ngày 5-4. "Thời điểm này, cả hệ thống chính trị cần phải tập trung cao độ, lập kế hoạch chi tiết các phần việc cụ thể thì mới có thể đạt được hiệu quả cao nhất trong việc phòng, chống dịch Covid-19", đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.