Hà Nội sắp xếp đơn vị hành chính: bố trí cán bộ thận trọng, hợp lý
Để bộ máy vận hành hiệu quả sau sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), thực hiện chỉ đạo của TP, các quận, huyện, thị xã đã xây dựng phương án bố trí cán bộ, công chức thận trọng, hợp lý, vừa đúng quy định vừa đáp ứng tâm tư nguyện vọng, phù hợp năng lực từng người.
Sắp xếp cán bộ hợp tình hợp lý
Theo Sở Nội vụ Hà Nội, thực hiện Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của UBTV Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, căn cứ tiêu chí, tiêu chuẩn quy định và thực tiễn địa phương, các quận, huyện, thị xã đã xây dựng dự thảo phương án sắp xếp cụ thể. Từ đó, Sở Nội vụ thẩm định, đề xuất Tổ công tác do Ban Chỉ đạo TP thành lập làm việc với lãnh đạo một số địa phương xây dựng phương án chưa đạt yêu cầu để thống nhất lại và trình Thành ủy phê duyệt chủ trương, HĐND TP quyết nghị thông qua Đề án, báo cáo Bộ Nội vụ. Vừa qua Bộ đã cử Đoàn công tác làm việc với Ban chỉ đạo của TP để thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Để việc sắp xếp, sáp nhập không gây biến động lớn và bộ máy vận hành hiệu quả, TP đã chỉ đạo quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, phương án bố trí sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC, NLĐ) một cách thận trọng, khoa học, khách quan, có tính nhân văn; vừa đáp ứng tâm tư nguyện vọng vừa phù hợp năng lực, sở trường, vị trí công việc từng CBCCVC.
Cụ thể, dựa trên năng lực của CBCCVC, NLĐ dôi dư của các cơ quan, tổ chức do sắp xếp ĐVHC cấp xã để xem xét tuyển dụng, điều động, luân chuyển làm việc tại các cơ quan đơn vị trong hệ thống chính trị cấp huyện, địa phương khác trong TP theo yêu cầu nhiệm vụ. Với cán bộ, công chức đủ hoặc gần tuổi nghỉ hưu, TP cho nghỉ chế độ theo quy định; cán bộ có nguyện vọng nghỉ, chuyển công tác cũng được giải quyết kịp thời. TP sắp xếp, điều động cán bộ đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn từ nơi thừa sang nơi thiếu trong cùng ĐVHC cấp huyện; đồng thời đã ban hành Nghị quyết 17/2023/HĐND quy định chế độ hỗ trợ CBCCVC, người hoạt động không chuyên trách dôi dư nghỉ công tác khi sắp xếp ĐVHC.
Đề án tổng thể sắp xếp ĐVHC của Hà Nội tác động đến 130 xã, phường, thị trấn của 20 quận, huyện, thị xã. Theo đó, TP sẽ giảm 61 xã, phường; có 3 huyện (Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng) thực hiện sắp xếp theo đề án xây dựng huyện thành quận.
Ghi nhận thực tế tại quận Long Biên, với 14 phường, quận có 1 phường (Sài Đồng) thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 và 2 phường (Phúc Đồng, Phúc Lợi) là ĐVHC cấp xã liền kề có điều chỉnh địa giới ĐVHC khi thực hiện sắp xếp. UBND quận đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2025 theo quy định một cách khoa học, bài bản; cuối tháng 3/2024 trình HĐND các cấp thông qua việc sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025, tổ chức lấy ý kiến cử tri tại 3 phường và đại biểu HĐND quận, phù hợp đặc điểm dân cư, bảo đảm tiến độ, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, dân chủ, đúng luật. Tháng 4/2024, HĐND quận đã tổ chức Kỳ họp chuyên đề thông qua Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025, với 33/34 đại biểu đồng ý; UBND quận ban hành Tờ trình trình UBND TP.
“Quận đã hoàn thành các bước quy trình theo hướng dẫn của TP. Trong đó, phương án sắp xếp cán bộ, công chức quản lý diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý đã cơ bản hoàn thành; phương án sắp xếp công chức và người hoạt động không chuyên trách cũng đã được xây dựng đầy đủ. Cơ bản đến nay chúng tôi không gặp vướng mắc gì trong công tác này”- Trưởng Phòng Nội vụ quận Long Biên Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ.
Cụ thể, đối với cơ quan Đảng, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể CT-XH, Ban Thường vụ Quận ủy sẽ tiến hành sắp xếp và quyết định việc hợp nhất Đảng bộ phường vào Đảng bộ ở ĐVHC mới; kiện toàn tổ chức bộ máy theo Điều lệ Đảng. Với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể CT-XH (Phụ nữ, CCB, Đoàn TN), trên cơ sở thống nhất với Đảng ủy phường, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận và Ban Thường vụ các đoàn thể quận sẽ tiến hành sắp xếp, quyết định hợp nhất các tổ chức ở các phường thành một tổ chức ở ĐVHC mới. Số lượng thành viên các tổ chức lâm thời đó theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền của Đảng và mỗi tổ chức. Với UBND phường, sẽ thực hiện sắp xếp sau khi UBTV Quốc hội ban hành Nghị quyết về sắp xếp ĐVHC.
Đối với các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn phường, căn cứ yêu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân tại ĐVHC mới, UBND quận sẽ phối hợp Sở Y tế thực hiện hợp nhất các trạm y tế phường với số lượng biên chế phù hợp nhưng không vượt quá tổng biên chế được giao và số viên chức hiện có của các trạm, sau đó giảm theo lộ trình 5 năm theo Nghị quyết 32/NQ-CP ngày 14/5/2019. Công an TP sẽ hướng dẫn, chỉ đạo việc sắp xếp công an phường tại ĐVHC mới để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn ANCT-TTATXH. Với khối trường học tại các phường diện sắp xếp, sáp nhập cũng được bảo đảm điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập, giáo viên giảng dạy...
Đáng chú ý, với đội ngũ CBCCVC, NLĐ sau sắp xếp ĐVHC, quận đã xây dựng phương án sắp xếp vừa tuân thủ quy định hiện hành vừa bảo đảm quyền lợi, tâm tư nguyện vọng chính đáng của họ. Trong đó, với 5/5 cán bộ diện Ban thường vụ Quận ủy quản lý (Bí thư, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch, 2 Phó chủ tịch), quận đã có dự kiến phương án. Với 7/7 công chức chuyên môn, quận điều động sang đơn vị khác, giải quyết nghỉ tinh giản biên chế hoặc cho nghỉ thôi việc theo nguyện vọng (nếu không đủ tiêu chuẩn, điều kiện). Với 4/4 cán bộ chuyên trách MTTQ và đoàn thể CT-XH (Chủ tịch MTTQ, Chủ tịch Hội CCB, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Bí thư Đoàn TN), quận cũng đã có dự kiến phương án. Với 8/8 người hoạt động không chuyên trách phường và 35 người hoạt động không chuyên trách tổ dân phố, các trường hợp dôi dư sẽ thực hiện thôi việc, được hỗ trợ theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 17/2023/NQ-HĐND của HĐND TP.
Giống như các quận, huyện khác có ĐVHC cấp xã cần sắp xếp, sau cuộc làm việc mới đây của đoàn công tác Bộ Nội vụ với TP Hà Nội về vấn đề này, UBND huyện Gia Lâm đã có báo cáo giải trình gửi TP, trong đó đưa ra phương án dự kiến sắp xếp ĐVHC cấp xã. Đặc biệt, thực hiện đúng chỉ đạo, hướng dẫn của T.Ư và TP, nhưng huyện đã chủ động thực hiện thêm những bước công việc bảo đảm đúng quy định nhưng đáp ứng tối đa nhu cầu thực tế tại địa phương.
Cụ thể, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Gia Lâm Trần Trung Tuyết cho hay, trong tuần này, UBND huyện đang tổ chức rà soát trong tổng số khoảng 230 CBCCVC, NLĐ tại 12 xã, thị trấn thuộc diện sắp xếp để tìm hiểu từng người khi sắp xếp ĐVHC có nguyện vọng theo hướng nào, nhằm đưa ra phương án bố trí bảo đảm đáp ứng tối đa tâm tư của cá nhân và phù hợp nhu cầu thực tế tại địa phương, đáp ứng được các vị trí việc làm và quy định hiện hành.
“Trong thời gian chờ Đề án cụ thể của TP được UBTV Quốc hội ban hành, đây là công việc quan trọng nhất đang được huyện chủ động tập trung thực hiện trong công tác sắp xếp ĐVHC cấp xã, căn cứ nhu cầu nguyện vọng cá nhân và đúng quy định để đưa ra phương án sắp xếp CBCCVC hợp tình hợp lý nhất”- ông Trần Trung Tuyết khẳng định.
“Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa và KHKT, trung tâm lớn về giao dịch kinh tế và quốc tế của cả nước; nơi đặt trụ sở các cơ quan T.Ư của Đảng, Nhà nước và các tổ chức CT-XH, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế... Do đó, việc triển khai sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã ở Hà Nội bảo đảm không ảnh hưởng đến hệ thống chính trị, Nhân dân Thủ đô và không tác động đến an ninh chính trị, phát triển KT-XH của đất nước; thực hiện đúng chỉ đạo của T.Ư, phù hợp thực tiễn địa phương, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế, tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả chính quyền cơ sở và chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức…”- Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh.
Tập trung ổn định, xây dựng, phát triển đơn vị hành chính mới
Nhằm tạo động lực phát triển mới cho Thủ đô sau sắp xếp ĐVHC, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho hay, ngay sau khi có Nghị quyết của UBTV Quốc hội về sắp xếp ĐVHC của Hà Nội, TP sẽ chỉ đạo trên địa bàn tập trung rà soát quy hoạch vùng huyện, quận, thị xã và xã, phường, thị trấn phù hợp ĐVHC mới; rà soát thiết chế văn hóa cơ sở; thống nhất phương án sắp xếp, bố trí, phát huy tối đa cơ sở nhà đất, trụ sở, tài sản công, nhất là khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả trường học, trạm y tế… TP cũng hướng tới sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động.
Về giải pháp ổn định, xây dựng, phát triển các ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp, TP sẽ tập trung nguồn lực cho đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng; tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển… TP cũng tranh thủ các nguồn lực để xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng trạm y tế, trường học, công trình văn hóa, cơ quan và công trình công cộng trên địa bàn; tiếp tục phát huy nguồn lực trong Nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa cơ sở ở thôn, tổ dân phố.
Để các địa phương triển khai hiệu quả việc sắp xếp, TP sẽ chỉ đạo tiếp tục tuyên truyền về mục đích, tầm quan trọng của sắp xếp ĐVHC; thực hiện tốt việc sắp xếp ổn định bộ máy, nhân sự tại ĐVHC được sắp xếp; làm tốt công tác tư tưởng với cán bộ dôi dư và CBCCVC, NLĐ thuộc diện phải điều động sang đơn vị khác hoặc bố trí công tác khác; tiếp tục bố trí cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực tốt vào vị trí người đứng đầu ĐVHC sau sắp xếp. Bên cạnh giải quyết kịp thời chế độ chính sách cho CBCCVC, NLĐ dôi dư, cần bố trí sắp xếp nhanh chóng, khai thác hiệu quả với trụ sở, nhà, đất, tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các ĐVHC sau sắp xếp gắn với lộ trình thực hiện Đề án quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài sản công trên địa bàn TP.
Song song với đề nghị các địa phương quan tâm ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển KT-XH, tạo lập môi trường và điều kiện sống tốt hơn cho người dân địa phương thực hiện sắp xếp, TP cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện, xã, phường xây dựng phương án hỗ trợ tổ chức, công dân trong chuyển đổi hồ sơ, giấy tờ do sắp xếp.
Như tại huyện Gia Lâm, sau khi Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của Hà Nội được T.Ư phê duyệt, để tạo thuận lợi cho người dân giải quyết giấy tờ, huyện sẽ triển khai phương án cử cán bộ các cơ quan chức năng đến tận địa bàn dân cư để hỗ trợ người dân thực hiện, bảo đảm tiến hành trong thời gian sớm nhất theo quy định của TP và nhất là đáp ứng nhu cầu của công dân.
Để hỗ trợ người dân thuận lợi nhất trong giải quyết thủ tục chuyển đổi hồ sơ, giấy tờ do sắp xếp địa giới hành chính các phường, UBND quận Long Biên cũng đã giao Công an quận, Phòng Quản lý đô thị quận, Văn phòng Đăng ký đất đai và nhà - chi nhánh Long Biên xây dựng kế hoạch, phương án để hỗ trợ người dân ngay sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC theo quyết định của cấp có thẩm quyền.