Hà Nội sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính: 'Lời giải' cho 'bài toán' khó
Giãn dân nội đô bằng việc từng bước di dời cơ quan, đơn vị ra ngoại thành để giảm sức ép lên giáo dục, giao thông cổng trường là đòi hỏi cấp thiết.
Giải “bài toán” giãn dân nội đô bằng việc từng bước di dời cơ quan, đơn vị ra ngoại thành để giảm sức ép lên giáo dục, giao thông cổng trường là đòi hỏi cấp thiết. Ngoài ra, Hà Nội cần có phân tích rõ về phân bố không gian cho việc xây dựng các loại trường, về nguồn lực đất đai, con người, dự báo được số lượng học sinh tăng giảm trong giai đoạn tới.
Tạo quỹ đất xây trường học
UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3952 (ngày 8/8/2023) về việc ban hành danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn (đợt 1).
Đáng chú ý, trong số 9 cơ sở nhà, đất do các doanh nghiệp quản lý, sử dụng phải di dời có một số cơ sở có diện tích rất lớn, nằm ở vị trí đắc địa. Đơn cử như Nhà máy bia Hà Nội - Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội có địa chỉ tại 183 Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình). Hiện, khu đất này đang là nơi hoạt động sản xuất và trưng bày giới thiệu sản phẩm.
Theo quy hoạch phân khu đô thị H1-2 được UBND thành phố phê duyệt tháng 3/2021, khu “đất vàng” này sẽ trở thành đất hỗn hợp, công cộng, xây trường trung học phổ thông, nhà ở, bãi đỗ xe và trồng cây xanh.
Tương tự, Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long tọa lạc tại 235 Nguyễn Trãi cũng thuộc trường hợp phải di dời. Theo quy hoạch, khu đất này nằm trong khu vực quy hoạch với định hướng các chức năng sử dụng đất công cộng thành phố và khu vực, đất hỗn hợp (dịch vụ thương mại, ở), đất công cộng đơn vị ở, nhà trẻ, trường tiểu học, cây xanh.
Năm 2012, UBND TP Hà Nội đã ban hành 2 quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới trường học thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Trong đó, chỉ tiêu đề ra giai đoạn 2011 - 2030, toàn Hà Nội cần cải tạo và xây mới 724 trường mầm non, 234 trường tiểu học, 108 trường THCS, 112 trường THPT.
Triển khai các quy hoạch này, đến nay Hà Nội đã đầu tư cải tạo, xây dựng được 1.362 dự án trường học, trong đó có 1.017 trường công lập và 45 trường ngoài công lập, vượt so với chỉ tiêu đề ra là 676 trường.
Tuy vậy, thực tiễn cho thấy, việc phát triển mạng lưới trường học theo quy hoạch không bắt kịp so với tốc độ gia tăng dân số. Do đó vẫn còn tình trạng thiếu trường, lớp tại một số quận, huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh hoặc những nơi không còn quỹ đất để mở rộng như tại 4 quận nội đô.
Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình THCS được tuyển vào các trường THPT công lập còn thấp, chưa đáp ứng được chủ trương phân luồng do thiếu trường, thiếu lớp học.
Cần một kịch bản phát triển sát thực tiễn
Ngày 4/8, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có cuộc làm việc với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, đơn vị lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2012 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - đã thẳng thắn nêu một số khó khăn, hạn chế và áp lực ngành Giáo dục Hà Nội. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tình trạng thiếu trường, lớp cục bộ tại một số quận, huyện, thị xã có tốc độ đô thị hóa nhanh hoặc những nơi không còn quỹ đất để mở rộng, nhất là tại 4 quận nội đô.
“Các chỉ tiêu như số lớp, số trường, số học sinh/lớp ở một số phường, xã, quận nội đô và huyện đang phát triển đều không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, hiện đứng thứ 16/63 tỉnh thành, đứng thứ 9/11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng…”, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết.
Có thể nói, thực trạng quá tải, không gian chật chội của nhiều trường học khu vực nội thành Hà Nội tồn tại rõ nét sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính. Tuy nhiên, việc xây dựng và mở rộng cơ sở vật chất trường, lớp học tại các quận, nhất là những quận khu vực đô thị lõi đang thiếu quỹ đất.
Yêu cầu giới hạn tối đa 4 tầng đối với trường học hiện nay tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2010/BXD) do Bộ Xây dựng ban hành năm 2010 cũng đang là một vướng mắc lớn.
Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, tại văn bản góp ý thẩm định về Dự thảo Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học Hà Nội đến năm 2020, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đơn vị đã có ý kiến về các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc, trong đó có tầng cao công trình.
Theo đó, đối với các địa phương thiếu quỹ đất để thiết kế xây dựng trường học theo quy định trường đạt chuẩn quốc gia, nhất thiết phải nâng số tầng cao hơn quy định của QCVN 06:2010/BXD nhằm bảo đảm quy mô lớp học. Tuy nhiên, Sở QH&KT Hà Nội cũng khuyến cáo các địa phương cần nghiên cứu, có luận chứng cho từng trường hợp cụ thể, nêu rõ giải pháp bổ sung, thay thế.
Về phương hướng phát triển, điểm nhấn thay đổi là Hà Nội đầu tư xây dựng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, giáo dục đào tạo dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Hồng và của cả nước.
Ưu tiên miễn học phí cho đối tượng phổ cập giáo dục gồm: Trẻ mầm non, học sinh tiểu học và THCS vào năm 2025; có chính sách hỗ trợ học phí, đặt hàng trường tư thục thực hiện công tác phổ cập giáo dục tại nơi thiếu trường công lập…
Để hiện thực hóa được các định hướng quy hoạch, phát triển nêu trên, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần có phân tích rõ về phân bố không gian cho việc xây dựng các loại trường, về nguồn lực đất đai, con người, dự báo được số lượng học sinh tăng giảm trong giai đoạn tới.
Đây cũng là những dữ liệu đầu vào quan trọng nhằm xây dựng kịch bản phát triển của giáo dục, nhất là giáo dục bậc mầm non và phổ thông sát với thực tế. Có như vậy, giáo dục Thủ đô sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính mới tiếp tục có cơ hội để phát triển xứng tầm với vai trò và sứ mệnh trở thành hình mẫu cho cả nước và mang tầm quốc tế.
Bài 1: