Hà Nội: Sau tổ chức lại giao thông, các 'điểm nóng' ùn tắc 'hạ nhiệt' ra sao?

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa đưa ra phương án xén dải phân cách, phân luồng từ xa trên đường Nguyễn Xiển.

Hơn 1 tuần vừa qua, người dân ở Hà Nội phải chịu cảnh khốn khổ vì lô cốt mọc lên ở một số tuyến đường. Để gỡ cho những nút thắt này, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa đưa ra phương án xén dải phân cách, phân luồng từ xa. Thế nhưng, không ít người dân sống và làm việc ở phía Tây, Tây Nam thành phố cho rằng, đó chỉ là những giải pháp tạm thời bởi quanh khu vực này, nhiều ngã tư lớn cũng đang trở thành "điểm nóng" về ùn tắc mà chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ phía cơ quan chức năng.

Xén dải phân cách, phân luồng từ xa trên đường Nguyễn Xiển

Ngày 19/11, thông tin từ Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, đơn vị vừa kiến nghị UBND TP Hà Nội điều chỉnh phương án phân luồng đảm bảo ATGT phục vụ thi công gói thầu số 2 dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá trên đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân). Trên cơ sở nội dung thống nhất liên ngành, cơ quan này báo cáo tới UBND TP Hà Nội xem xét phương án thi công mới.

Một phần rào chắn trên đường Nguyễn Xiển sẽ được gỡ bỏ để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Sở GTVT Hà Nội đề xuất phương án xén dải phân cách giữa đường Nguyễn Xiển để mở rộng đường cho người dân lưu thông

Sở GTVT Hà Nội đề xuất phương án xén dải phân cách giữa đường Nguyễn Xiển để mở rộng đường cho người dân lưu thông

Cụ thể, đơn vị thi công tiến hành xén dải phân cách giữa đường Nguyễn Xiển rộng 5 - 6m cách lòng đường hiện trạng 0,5m theo chiều đi từ ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi đến ngã tư đường Nguyễn Xiển - tuyến đường số 1 bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An làm đường tạm phục vụ công tác phân luồng giao thông. Làn đường tạm rộng 5 - 6m chỉ cho phép ôtô con, xe máy lưu thông, đầu nối vào có lắp đặt gông hạn chế chiều cao hạn chế xe tải lưu thông để đảm bảo an toàn cho kết cấu của đường Vành đai 3 trên cao.

Tổ chức phương án phân luồng từ xa cấm các loại phương tiện xe khách, xe hợp đồng từ 29 chỗ trở lên, xe tải lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Xiển (từ vị trí lối lên đường Vành đai 3 trên cao) hướng Khuất Duy Tiến đi Linh Đàm vào giờ cao điểm (sáng 6h - 09h; chiều 16h - 19h30), xe buýt được phép hoạt động và sẽ điều chỉnh cho phù hợp với tình hình giao thông thực tế. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc giao thông sẽ điều tiết giao thông tại nút giao và đường Vành đai 3 trên cao cho phù hợp với tình hình giao thông thực tế.

Sau khi được UBND TP Hà Nội chấp thuận phương án, Sở GTVT TP Hà Nội đề xuất Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp hướng dẫn Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội đánh chuyển dải cây xanh tại dải phân cách giữa đường Vành đai 3 khi triển khai thi công làn đường tạm theo chiều đi từ ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi đến ngã tư đường Nguyễn Xiển - tuyến đường số 1 bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An.

UBND quận Hoàng Mai, Thanh Xuân giải tỏa các vi phạm lấn chiếm vỉa hè dọc tuyến đường Nguyễn Xiển để đảm bảo ATGT, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP Hà Nội khẩn trương xây dựng phương án xén dải phân cách giữa để phục vụ thi công các ga trên đường Nguyễn Xiển đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng theo đúng quy định hiện hành. Phối hợp với UBND quận Thanh Xuân, Hoàng Mai để san gạt, gia cố, vuốt nối đảm bảo êm thuận phạm vi giải tỏa vỉa hè dọc đường Nguyễn Xiển, đặc biệt là tại các vị trí rào chắn thi công trên tuyến.

Đồng thời, Ban này cũng có trách nhiệm lắp đặt đầy đủ hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn... để phục vụ công tác phân luồng đảm bảo ATGT. Phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT TP Hà Nội, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thi công nhằm đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường và tránh gây ùn tắc giao thông.

Ùn tắc giao thông vẫn chưa có hồi kết

Thực tế, thành phố Hà Nội cũng đã dành nhiều nguồn lực, đưa ra các giải pháp để xóa các điểm đen ùn tắc ở nội thành. Điển hình trong số đó là điểm đen ùn tắc ở Ngã tư Sở, ngã tư Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi, ngã ba Lương Đình Của - Phạm Ngọc Thạch.

Ngay từ khi đoạn đường Vành đai 2 trên cao hoàn thành, nút giao Ngã tư Sở - đường Láng luôn trong tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Để giải quyết tình trạng này, Sở GTVT Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp như điều chỉnh đèn tín hiệu, tổ chức lại giao thông dưới gầm cầu vượt.

Tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội ngày càng gia tăng. Ảnh minh Họa

Tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội ngày càng gia tăng. Ảnh minh Họa

Tuy nhiên, do mật độ phương tiện giao thông trên đường Nguyễn Trãi quá cao, nên các biện pháp phân làn phương tiện của Sở GTVT đưa ra chưa đem lại hiệu quả rõ nét. Cụ thể, ô tô, xe máy vẫn lưu thông lộn xộn trên tuyến đường này. Tình trạng ùn tắc lối lên cầu vượt Ngã tư Sở, điểm rẽ vào đường Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân vẫn xảy ra vào giờ cao điểm.

Hơn 1 tháng (ngày 5/10) trước, Hà Nội chính thức thông xe hầm chui Lê Văn Lương. Từ thời điểm đó, tình trạng ùn tắc giao thông quanh khu vực hầm chui giảm rõ rệt. Tuy nhiên, các tuyến đường cách hầm chui vài trăm mét như ngã tư Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân và đường lên cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ lại ùn tắc nghiêm trọng hơn vào giờ cao điểm.

Tuy nhiên, ngoài các điểm ùn tắc cố hữu, cũng có những điểm ùn tắc mới phát sinh do nguyên nhân chủ quan, ví như việc dựng "lô cốt" chiếm dụng tới 2/3 lòng đường Nguyễn Xiển, nhưng bên trong lại không thi công.

PV

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/ha-noi-sau-to-chuc-lai-giao-thong-cac-diem-nong-un-tac-ha-nhiet-ra-sao-183221121152633441.htm