Hà Nội sẽ điều chỉnh thời lượng và tần suất phát loa phường
Theo Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội, hệ thống loa phường khác với những loại hình truyền thông khác. Song, thành phố sẽ điều chỉnh cho phù hợp về thời lượng và tần suất phát loa.
Chia sẻ với báo giới ngày 27/7, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, những năm qua, Hà Nội đã liên tục thay đổi hoạt động của đài truyền thanh cấp xã, phường hay còn được gọi là “loa phường” theo hướng thân thiện, tiện lợi và cung cấp những thông tin thiết thực nhất với người dân.
Đài truyền thanh là hình thức thông tin cơ sở đang phát huy hiệu quả cũng như ngày càng có vai trò quan trọng, đóng góp vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Đặc biệt, trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua với yêu cầu cấp bách về truy vết, khoanh vùng, dập dịch đòi hỏi thông tin phải nhanh chóng, kịp thời, thường xuyên, liên tục.
Cũng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và các đợt tiêm chủng yêu cầu thông tin thông suốt, có tính định hướng, bao phủ rộng, đều được hệ thống đài cơ sở truyền tải đầy đủ và được người dân ghi nhận. Nhiều cán bộ phụ trách đài vừa tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch ở địa phương, vừa làm công tác thông tin, tuyên truyền để kịp phổ biến đến nhân dân những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cập nhật tình hình của địa phương, không quản ngày, đêm.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương chia sẻ, trước đây khi nói về loa phường người dân còn có bức xúc do nội dung chưa phong phú, chất lượng phát thanh chưa cao, bố trí khung thời gian, chương trình chưa hợp lý. Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, thời lượng phát thanh của loa phường đã giảm xuống còn không quá 2 buổi/ngày, tối đa 15 phút/buổi và không phát vào thứ 7, Chủ nhật cũng như tránh các vị trí như trường học hay có nhiều người già.
Khác với các loại hình truyền thông khác, loa phường là phương tiện thông tin cơ sở “không thể thay thế được”. Do những thông tin này thường chỉ tập trung tới một xã, phường hoặc thậm chí là một tổ dân phố riêng biệt. Thế nên việc thông tin trực tiếp tới cộng đồng dân cư đó sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt hơn nhiều.
“Việc áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn sẽ không chỉ tiết giảm được nhân sự tham gia công tác truyền thông cơ sở mà còn tăng tính đồng bộ về công tác chỉ đạo từ Trung ương, Thành phố cho tới từng địa bàn xã, phường”, bà Nguyễn Thị Mai Hương chia sẻ thêm.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, việc tiếp tục sử dụng loa phường không phải câu chuyện của riêng Hà Nội, hiện đang có khoảng 20 địa phương trên cả nước đã và sẽ đưa vào loại hình thông tin cơ sở này.
Trước đó, ngày 21/7, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn Thành phố.
Các mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung của Kế hoạch bám sát Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin và Quyết định số 1381/QĐ-BTTTT ngày 07/9/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là phát triển mạng lưới thông tin cơ sở trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện đại, đồng bộ, bảo đảm kết nối với Trung ương, thống nhất từ Trung ương đến Thành phố, cấp huyện, cấp xã.
Theo đó, hệ thống thông tin cơ sở sẽ được hiện đại hóa nhằm đổi mới phương thức cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng nội dung thông tin để cung cấp, trao đổi thông tin theo hướng chủ động, kịp thời, chính xác và hiệu quả. Hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin nguồn tuyên truyền, phổ biến đến người dân và phục vụ công tác quản lý nhà nước về thông tin cơ sở.
Kế hoạch cũng đề ra các mục tiêu cụ thể, như đến năm 2025, 579 xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư; 100% xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử của UBND cấp xã để phổ biến thông tin thiết yếu và tương tác với người dân; 100% phường, thị trấn và trên 70% xã có bảng tin điện tử công cộng để phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân.
Cũng đến năm 2025, 100% đài truyền thanh cấp xã chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; Sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói.