Hà Nội sẽ khơi thông được bế tắc trong cải tạo chung cư cũ?
Nhằm đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định về việc ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thành phố liên quan đến công tác cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư. Đây được xem là một trong những cơ sở để khơi thông việc cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội, vốn vướng mắc nhiều năm qua.
Theo đó, thành phố Hà Nội ủy quyền cho UBND quận, huyện, thị xã (nơi có nhà chung cư cải tạo, xây dựng lại) tổ chức lập, phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư; ban hành quyết định di dời khẩn cấp và tổ chức di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thuộc trường hợp di dời đến chỗ ở tạm thời; ban hành quyết định di dời theo phương án bồi thường, tái định cư đã được phê duyệt; ban hành quyết định cưỡng chế di dời đối với chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư không thực hiện di dời; tổ chức xác định hệ số K áp dụng cho từng vị trí, khu vực có nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại trên địa bàn… theo quy định của Luật Nhà ở ngày 27/11/2023.
Ông Mạc Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: "Thời gian qua, 2 nội dung liên quan đến xây dựng hệ số K, cũng như tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội đã hướng dẫn cụ thể. Ban chỉ đạo sẽ ủy quyền cho UBND các quận huyện có nhà chung cư cũ để xây dựng hệ số cụ thể".
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 1.600 tòa chung cư cũ, xây dựng từ những năm 1960-1980. Nhiều chung cư trong số này đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản người dân. Đó có thể kể đến Khu tập thể Thành Công, Ngọc Khánh, quận Ba Đình; Khu tập thể Tân Mai, quận Hoàng Mai… Đơn cử như khu tập thể Tân Mai (quận Hoàng Mai), sau 30 năm sử dụng, năm 2010, tòa nhà A7 xuất hiện sụt lún, xuống cấp nghiêm trọng, chính quyền địa phương, ngành chức năng thành phố đã phải gia cố khung sắt từ tầng 1 đến tầng 5 để chống nguy cơ đổ sập. Trong cơn bão số 3 (yagi) vừa qua, để bảo vệ an toàn cho người dân, chính quyền địa phương đã phải di tản toàn bộ 48 hộ dân, với 160 nhân khẩu tại khu nhà A7 đến nơi trú ẩn an toàn.
Ông Nguyễn Quang Gắng, đại diện cư dân nhà A7, khu tập thể Tân Mai, quận Hoàng Mai cho biết: "Chúng tôi sống ở đây rất lo lắng, nhà xuống cấp nhiều năm, rất nguy hiểm, nhất là mỗi khi mưa bão rất bất an".
Việc cải tạo, xây dựng mới các khu tập thể cũ trên địa bàn Hà Nội thời gian qua diễn ra ì ạch do những vướng mắc về cơ chế và thiếu sự đồng thuận của một bộ phận người dân. Trong đó, khó khăn nhất là việc cân đối lợi ích của 3 bên: nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Phía doanh nghiệp không mặn mà do lợi ích từ việc cải tạo chung cư cũ không hấp dẫn. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra là không gia tăng mật độ dân cư, điều chỉnh quy hoạch, nâng chiều cao xây dựng.
Nhằm “cởi trói” cho thực trạng cải tạo chung cư cũ diễn ra rất chậm chạp thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội cũng đã có Quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở, bố trí chỗ ở tạm thời cho người dân trong thời gian thực hiện đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn. Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội cần trên 16.000 căn nhà tái định cư để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, cần khoảng 1.200 căn hộ phục vụ nhu cầu bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong thời gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Ông Phạm Quốc Tuyến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết: "Chúng tôi phối hợp với các sở, đơn vị liên quan đề xuất, xây dựng cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đấy nhanh cải tạo chung cư cũ…".
Những chủ trương, cách tiếp cận mới của thành phố Hà Nội kỳ vọng sẽ khơi thông được thực trạng bế tắc trong cải tạo chung cư cũ. Bởi, sau hơn 20 năm khởi động, ngành chức năng Hà Nội mới cải tạo được khoảng 2% trong tổng số gần 1600 tòa chung cư cũ trên địa bàn thành phố.