Hà Nội sẽ lần đầu đánh giá mức độ chuyển đổi số các cơ quan nhà nước

Cùng với việc ban hành bộ chỉ số chuyển đổi số - DTI của thành phố, năm 2024 sẽ là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức đánh giá mức độ chuyển đổi số của 22 sở, ban, ngành và 30 UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Lần đầu tiên ban hành bộ chỉ số chuyển đổi số của thành phố

Sau 3 năm Bộ TT&TT thực hiện đánh giá và công bố Chỉ số chuyển đổi số - DTI của quốc gia và cấp bộ, tỉnh, mức độ chuyển đổi số của thành phố Hà Nội đã có nhiều cải thiện.

Theo kết quả DTI 2022 được Bộ TT&TT công bố năm ngoái, Hà Nội đã tăng 19 bậc so với kỳ đánh giá đầu tiên, xếp thứ 24 trong 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Trong đó, chỉ số kinh tế số xếp thứ 18, tăng 20 bậc so với năm 2021; xã hội số xếp thứ 30, tăng 17 bậc; tuy nhiên chính quyền số lại chỉ tăng 1 bậc, xếp thứ 40.

Với vị trí thứ 24, thành phố Hà Nội đã vươn lên có mặt trong top giữa của bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2022. (Ảnh: dti.gov.vn)

Với vị trí thứ 24, thành phố Hà Nội đã vươn lên có mặt trong top giữa của bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2022. (Ảnh: dti.gov.vn)

Để giúp các cơ quan, địa phương của Hà Nội biết được mức độ chuyển đổi số của đơn vị mình, từ đó có những biện pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại địa bàn nói riêng và toàn thành phố nói chung, ngày 19/2, UBND thành phố đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội.

Đánh giá chuyển đổi số của Hà Nội gồm 2 bộ chỉ số cấp thành phố và cấp huyện, sẽ được sử dụng để đánh giá cho 22 sở, ban, ngành và 30 UBND quận, huyện, thị xã.

Cả 2 bộ chỉ số đều có 9 chỉ số chính, được phân thành 2 nhóm gồm 5 chỉ số nền tảng chung là nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng; 4 chỉ số hoạt động về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và mức độ hoàn thành kế hoạch chuyển đổi số của năm. Tuy nhiên, bộ chỉ số cấp thành phố có 46 chỉ số thành phần; còn bộ chỉ số cấp huyện gồm 60 chỉ số thành phần.

UBND thành phố Hà Nội cũng hướng dẫn rõ, 22 sở, ban, ngành sẽ đánh giá theo bộ chỉ số cấp thành phố; trong đó riêng 9 sở có nhiệm vụ về phát triển kinh tế số còn được yêu cầu đánh giá thêm chỉ số về hoạt động kinh tế số tại bộ chỉ số cấp huyện. UBND của 30 quận, huyện, thị xã sẽ đánh giá theo bộ chỉ số cấp huyện.

Theo Sở TT&TT Hà Nội, với việc lần đầu tiên ban hành bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước trên địa bàn, kể từ năm 2024, định kỳ hằng năm thành phố sẽ tổ chức đánh giá và công bố công khai kết quả chuyển đổi số của các sở, ban, ngành cùng UBND các quận, huyện, thị xã.

“Trong các năm trước, Hà Nội chỉ đánh giá về cải cách hành chính của các đơn vị. Năm nay là năm đầu tiên thành phố xác định mức độ chuyển đổi số của từng cơ quan, địa phương”, đại diện Sở TT&TT chia sẻ.

Hà Nội đã xác định chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh là nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực, tài nguyên để thực hiện một cách hiệu quả, góp phần đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, xây dựng môi trường đô thị thông minh và hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

Hà Nội đặt trọng tâm vào việc quản trị dựa trên dữ liệu số

Năm 2024, chủ đề chung của hoạt động chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh là ‘Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp CNTT, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số, trong đó trọng tâm là ‘Quản trị dựa trên dữ liệu số’.

Cũng trong tháng 2/2024, UBND thành phố đã lên kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh trong năm nay. Theo đó, các mục tiêu thành phố hướng tới đạt được trong năm nay là hoàn thiện một số cơ chế, chính sách về khai thác, chia sẻ dữ liệu, hạ tầng lưu trữ dùng chung của thành phố.

Thành phố cũng sẽ hoàn thành việc triển khai hạ tầng số trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn; cung cấp dữ liệu mở của chính quyền thành phố theo lộ trình nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời cải thiện chỉ số xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh của Hà Nội.

Một trong 26 chỉ tiêu phát triển chính quyền số của Hà Nội năm 2024 là đưa tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ 24/7 cho người dân, doanh nghiệp lên 80%. (Ảnh: Minh Tuấn)

Một trong 26 chỉ tiêu phát triển chính quyền số của Hà Nội năm 2024 là đưa tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ 24/7 cho người dân, doanh nghiệp lên 80%. (Ảnh: Minh Tuấn)

Hàng loạt chỉ tiêu cụ thể về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh năm 2024 cũng đã được UBND thành phố đề ra như: 50% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền; 100% cơ quan nhà nước tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Cũng trong năm nay, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của thành phố đạt khoảng 20%; năng suất lao động tăng từ 7 – 7,5%; trên 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; tỷ lệ dân số trưởng thành có smartphone, tài khoản định danh điện tử, chữ ký số cá nhân lần lượt là 80%, 50% và 10%; trên 20% dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử; 40% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử...

Để hiện thực hóa các mục tiêu, hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra, UBND thành phố Hà Nội đã xác định rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sẽ được tập trung triển khai, bao gồm 14 nhóm nhiệm vụ và 6 nhóm giải pháp.

Sở TT&TT Hà Nội được UBND thành phố giao làm đầu mối tổ chức, điều phối các hoạt động ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước; đồng thời chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức đánh giá xếp hạng chuyển đổi số các cơ quan nhà nước trên địa bàn.

Vân Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ha-noi-se-lan-dau-danh-gia-muc-do-chuyen-doi-so-cac-co-quan-nha-nuoc-2251087.html