Hà Nội sẽ vận hành Nhà máy điện rác trị giá 7.000 tỷ đồng

Mới đây Thường thực Thành ủy Hà Nội đã họp và đưa ra kết luận về một số vấn đề liên quan đến Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (bãi rác Nam Sơn ở huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) và yêu cầu sớm giải quyết dứt điểm, sau vụ việc người dân dựng lều, chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn.

Một góc của bãi rác Nam Sơn. Ảnh: Minh Sang.

Một góc của bãi rác Nam Sơn. Ảnh: Minh Sang.

Nhà máy 7.000 tỷ đồng đốt rác mỗi giờ thu 75MWh điện

Sau vụ việc người dân dựng lều, chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn, Thường trực Thành ủy họp để nghe Tổ công tác của UBND TP Hà Nội cùng các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo về tình hình thực hiện Thông báo số 03-TB/TU, ngày 26/10/2020 về vấn đề liên quan đến Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Sau khi họp, nghe báo cáo, ngày 30/10/2020, Thành ủy Hà Nội đã có văn bản gửi các đơn vị, ban ngành chức năng. Nội dung văn bản nêu rõ: Phân công một đồng chí Phó chủ tịch UBND Thành phố chủ trì, trực tiếp làm việc, yêu cầu chủ đầu tư dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn hoàn thành và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa vào vận hành, khai thác trong tháng 1/2021.

Đồng thời, rà soát và có phương án, cơ chế đưa vào vận hành sớm nhất nhằm phát huy hiệu quả dự án Nhà máy xử lý rác do Nhật Bản tài trợ, báo cáo Thường trực Thành ủy trong tháng 11/2020.

Khẩn trương chỉ đạo, rà soát tổng thể việc đấu thầu, ký, thực hiện hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hợp đồng đã ký. Có giải pháp chấn chỉnh, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm hợp đồng.

Xây dựng và nghiêm túc thực hiện quy trình thu gom, xử lý rác thải, nghiêm cấm việc đổ nước rỉ rác bãi thải; có phương pháp phân luồng hợp lý, đảm bảo vận chuyển nước rỉ rác về các nhà máy nước thải; chấm dứt việc bới rác, thu nhặt rác thải tại các bãi chôn lấp thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Giao Ủy ban kiểm tra Thành ủy, Thanh tra Thành phố, ngay trong quý IV/2020 thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra giám sát trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tập thể, doanh nghiệp và cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác quản lý nhà nước và điều hành quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn TP Hà Nội, để kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm với tinh thần nghiêm khắc, quyết liệt, không có vùng cấm.

Liên quan tới văn bản của Thành ủy Hà Nội, theo tìm hiểu của PV Báo Đại Đoàn Kết, Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn được UBND TP Hà Nội chấp thuận đầu tư từ năm 2017, với tổng vốn lên tới 7.000 tỷ đồng bằng vốn nước ngoài.

Dự kiến, trong quá trình đốt rác, mỗi giờ sẽ thu được khoảng 75MWh điện. Dự án sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ, dự kiến đốt khoảng 4.000 tấn rác/ngày, các thành phần chất thải trơ, tro xỉ cũng được tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng (đóng gạch không nung) hoặc san lấp mặt bằng.

7.000 tấn rác thải mỗi ngày, nhưng chỉ có 3 khu xử lý

Được biết, Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn là công trình rất quan trọng đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị cho khu vực các quận và một số huyện của thành phố. Bằng chứng là hiện mỗi ngày, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn đang phải tiếp nhận xử lý bằng phương pháp chôn lấp khoảng 5.000 tấn rác.

Thông tin có được của Báo Đại Đoàn Kết, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn địa bàn Thủ đô Hà Nội vào khoảng 7.000 tấn/ngày. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn của TP Hà Nội đạt xấp xỉ 100% ở khu vực đô thị và đạt 90% ở khu vực nông thôn.

Nhưng hiện tại Hà Nội chỉ có 3 khu xử lý chất thải rắn đang còn hoạt động, gồm: Khu xử lý chất thải Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), Khu xử lý chất thải Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) và Khu xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn).

Hiện nay chất thải rắn sinh hoạt của Thủ đô được xử lý chủ yếu tại hai khu xử lý chất thải Nam Sơn và Sóc Sơn, gây ra thực trạng quá tải. Cộng với đó là quãng đường vận chuyển rác thải đi xa, tăng chi phí, tình trạng rơi vãi nước rỉ rác ra đường, gây ô nhiễm môi trường là khó tránh khỏi.

Và theo báo cáo năm 2019 của Ban Đô thị - UBND TP Hà Nội, hai khu xử lý chất thải Nam Sơn và Xuân Sơn đều đã bị quá tải. Nếu Hà Nội không có giải pháp công nghệ thay thế thì đến hết năm 2020 sẽ phải đóng cửa khu xử lý.

Minh Sang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ha-noi-se-van-hanh-nha-may-dien-rac-tri-gia-7000-ty-dong-522519.html