Hà Nội siết chặt kỷ cương trong thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
Sau khi chính thức chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1/7/2025, TP Hà Nội đã thể hiện quyết tâm cao trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, đơn vị trong bộ máy chính quyền.
Với tinh thần “rõ người – rõ việc – rõ trách nhiệm – rõ tiến độ – rõ kết quả”, Thủ đô đặt mục tiêu xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả và gần dân. Đây được xem là điều kiện then chốt để chuyển đổi mô hình một cách thực chất và lấy người dân làm trung tâm phục vụ.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo T.Ư, TP Hà Nội nghe giới thiệu về các ứng dụng chuyển đổi số phục vụ người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Mô hình hoạt động ổn định, bước đầu phát huy hiệu quả
Ngày 1/7/2025 đánh dấu cột mốc quan trọng khi Hà Nội chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp gồm cấp thành phố và cấp xã, phường – một bước đi lớn trong lộ trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương. Theo đó, TP Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới sau khi sắp xếp, tổ chức lại theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sáng 8/7, phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 (Kỳ họp thứ 25) của HĐND TP Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết, TP Hà Nội đã hoàn thành việc sắp xếp lại đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Cả thành phố có 126 xã, phường đảm bảo tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và mở ra không gian phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân. Thành phố đã sớm kiện toàn hệ thống chính trị tại các xã, phường mới. Hướng dẫn tổ chức kỳ họp HĐND cấp xã lần đầu theo đúng luật định, đảm bảo chính quyền mới vận hành thông suốt, hiệu quả ngay từ đầu. Đến nay, việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp trên địa bàn TP cơ bản đi vào hoạt động ổn định và bước đầu đã phát huy hiệu quả.
Kinh tế - xã hội của Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tính chung 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GRDP của Thành phố đạt 7,63%, cao hơn cùng kỳ năm trước (năm trước tăng 6,13%) và cao hơn bình quân chung của cả nước (tăng 7,52%); các cân đối lớn được đảm bảo; tổng thu NSNN trên địa bàn Thành phố là 392,2 ngàn tỷ đồng, đạt 77,6% dự toán, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm trước; môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 3,7 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ; khách du lịch đến Thủ đô Hà nội tăng cao, đạt 3.694 nghìn lượt người, trong đó khách quốc tế đạt 2.636 nghìn lượt người, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Công tác quản lý, chỉnh trang và phát triển đô thị chuyển biến tích cực. Chương trình xây dựng Nông thôn mới tiếp tục được quan tâm. Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp, giải pháp để khắc phục triệt để, kịp thời xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, nước thải, chất thải, kiểm soát ô nhiễm không khí…kiên quyết xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm, từng bước hồi sinh các dòng sông, đặc biệt là sông Tô Lịch, phấn đấu các dòng sông trong nội đô “sạch - sáng”.
Bên cạnh đó, TP cũng tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược như: tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật Thủ đô năm 2024, Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; triển khai kịp thời, hiệu quả 4 Nghị quyết chiến lược của Bộ Chính trị về đổi mới, cải cách, đột phá…

Chủ tịch nước Lương Cường, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và các đồng chí lãnh đạo T.Ư, TP chụp ảnh với các cán bộ chủ chốt của xã, phường mới tại TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Bí thư Thành ủy cho rằng, những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025 là tiền đề quan trọng, song nhiệm vụ còn lại trong nửa cuối năm tiếp tục đặt ra nhiều thách thức. Từ đó, yêu cầu hệ thống chính trị TP cần thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra những hạn chế, khó khăn và thách thức đặt ra đối với TP trong thời gian tới.
Chấm dứt tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", đùn đẩy trách nhiệm
Chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đòi hỏi HĐND TP và HĐND cấp xã/phường phải tăng cường năng lực giám sát, thẩm quyền quyết định và khả năng phản hồi từ thực tiễn. Để mô hình vận hành hiệu quả, TP nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở – nơi “cầm tay chỉ việc”, giải quyết trực tiếp các nhu cầu dân sinh của người dân. Cán bộ xã/phường không còn đơn thuần là người “truyền đạt chủ trương” mà phải là những người có tư duy đổi mới, thành thạo nghiệp vụ, gần dân, hiểu dân và hành động vì dân.
Đối với vấn đề này, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài cho biết, thời gian qua, Thường trực HĐND TP phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với UBND TP, các cơ quan của TP trong công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền TP. Đã hoàn thành việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính của UBND TP; hoàn thành Đề án, báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của TP.
Đồng thời, phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội TP tham gia tích cực, trách nhiệm cùng các cơ quan T.Ư tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản liên quan về mô hình chính quyền địa phương hai cấp làm cơ sở tổ chức triển khai công tác sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền TP phù hợp với đặc điểm, tình hình và thực tiễn của TP. Chủ động, sâu sát, chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền các xã, phường tổ chức kỳ họp thứ nhất HĐND cấp xã đảm bảo nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả, đúng quy trình, quy định, kịp thời để chính quyền các xã, phường đi vào vận hành đảm bảo thông suốt, không gián đoạn.
Để mô hình chính quyền địa phương hai cấp trên địa bàn TP vận hành đảm bảo thông suốt, hiệu quả, Bí thư Thành ủy yêu cầu, HĐND, UBND các cấp cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Phải chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cán bộ phải xác định rõ vai trò, chức năng của mình. Các nội dung công việc phải được thực hiện một cách quyết liệt, minh bạch, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm.

Công chức tại Điểm tiếp nhận, phục vụ hành chính công phường Đống Đa tiếp nhận và xử lý TTHC cho người dân.
“Sự thành công của Luật Thủ đô, chuyển đổi số hay của bất kỳ chủ trương nào khác đều phụ thuộc vào con người, vào đội ngũ cán bộ. Tôi đề nghị mỗi vị đại biểu HĐND, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần phát huy trí tuệ, bản lĩnh, liêm chính và tinh thần xây dựng, phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp. Phải kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm có thể nảy sinh trong quá trình xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách mới” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Có thể thấy, việc Hà Nội yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, rõ người, rõ việc trong triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ là giải pháp kỹ thuật tổ chức bộ máy mà còn là bước đi chiến lược nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ, hiệu lực, hiệu quả. Trong bối cảnh đô thị phát triển nhanh, nhu cầu của người dân ngày càng cao, bộ máy chính quyền các cấp, đặc biệt cấp xã/phường phải thực sự trở thành nơi "làm nhanh, làm đúng, làm vì dân". Với tinh thần đổi mới toàn diện, hành động quyết liệt, Hà Nội đang từng bước khẳng định quyết tâm xây dựng một chính quyền kiến tạo, kỷ cương và hiện đại – nền tảng quan trọng để phát triển Thủ đô bền vững trong giai đoạn mới.