Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng
Thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, trong tuần qua (tính từ ngày 14/5 đến 20/5), số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng hơn so với những tuần trước đó.
Ngày 24/5, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho thấy, vào đầu tháng 5/2022, trung bình trên địa bàn TP chỉ ghi nhận từ 2 - 5 ca sốt xuất huyết mỗi tuần thì đến cuối tháng, số ca mắc đã tăng lên từ 8 - 15 ca/tuần.
Riêng tuần từ ngày 14/5 đến 20/5, Hà Nội ghi nhận 15 ca mắc sốt xuất huyết tại 10 quận, huyện (Ba Đình, Ba Vì, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Mê Linh, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Phúc Thọ), tăng 7 ca so với tuần trước đó.
Dù vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn TP ghi nhận 47 ca mắc sốt xuất huyết (giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái).
Tương tự, số ca mắc tay chân miệng cũng gia tăng vào cuối tháng 5/2022. Cụ thể, trong tuần từ ngày 14/5 đến 20/5, trên địa bàn TP có 85 ca mắc tay chân miệng tại 15 quận, huyện, thị xã (Đông Anh, Ba Vì, Thanh Trì, Chương Mỹ, Mê Linh, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Hà Đông, Đan Phương, Quốc Oai, Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Ba Đình, Hoài Đức), tăng 48 ca so với tuần trước đó.
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội có 175 ca mắc tay chân miệng (tăng 5 ca so với cùng kỳ năm 2021).
Trong khi đó, thống kê từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước có 5.545 ca mắc tay chân miệng, trong đó 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Bình Thuận. Bộ Y tế dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây.
Theo Bộ Y tế, so với cùng kỳ năm 2021, số mắc giảm 83,3%, tử vong giảm 9 trường hợp. Tuy nhiên, số mắc có xu hướng gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng.
Bộ Y tế nêu rõ, bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm, lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, TP, thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 9 - 11 hằng năm.
Dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên; việc giao lưu đi lại, thể thao, du lịch... gia tăng trở lại sau khi đã kiểm soát dịch Covid-19 và hiện chưa có vaccine phòng bệnh.
Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp phòng, chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh trên địa bàn, tập trung vào những vùng có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch...
UBND tỉnh, TP chỉ đạo Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.