Hà Nội tái khởi động kinh tế sau đại dịch Covid-19
Hà Nội phấn đấu tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước.
Sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và bước đầu cơ bản được đẩy lùi, Hà Nội đang thực hiện nhiệm vụ “kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế- xã hội.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về tỷ lệ doanh nghiệp trên đầu người, cũng là nơi các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp lớn nhất cả nước lựa chọn. Đây là lực lượng quan trọng được xác định là động lực cho Thủ đô phát triển. Vì vậy yêu cầu đặt ra là Thành phố cần phục vụ tốt nhất cho các doanh nghiệp đang ở “trong sân” và “ngoài ngõ” nhà mình.
Thống kê của Hà Nội cho thấy, mặc dù chịu ảnh hưởng tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng 6 tháng qua, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trưởng đạt 3,39%. Có trên 12.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số vốn đăng ký 175.000 tỷ đồng, tăng 9% số vốn so với cùng kỳ, công tác thu hút đầu tư FDI đạt 4 tỷ đô la...
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõ, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thành phố đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ. Đồng thời luôn xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của kinh tế Thủ đô.
“Hà Nội, đã khẩn trương rà soát, giãn, hoãn, hơn 17.500 tỷ đồng tiền thuế cho các doanh nghiệp trên địa bàn, chiếm 45% của cả nước. Ngay trong bối cảnh từ những ngày đầu xảy ra đại dịch Covid-19, trực tiếp đồng chí Bí thư Thành ủy đã chủ trì Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển. Hà Nội luôn kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, đồng hành cùng doanh nghiệp”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp Thủ đô phát triển từ ngày 01/01/2020 đến nay Hà Nội đã cắt giảm, đơn giản hóa 154 thủ tục hành chính, giấy phép con. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đến ngày 30/6 vừa qua đạt 100%.
Thành phố đặt quyết tâm phấn đấu đến ngày 30/9 năm nay, 100% doanh nghiệp ứng dụng, sử dụng hóa đơn điện tử. Đã đưa 249 trong tổng số 249 dịch vụ công lên cổng dịch vụ công quốc gia. Chỉ số PCI hai năm liên tiếp (2018, 2019) đứng thứ 9. Chỉ số gia nhập thị trường tăng 53 bậc so với năm 2015. Chỉ số cải cách hành chính 3 năm liên tiếp xếp vị trí thứ 2…
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhận định, Thành phố Hà Nội cùng với Quảng Ninh đóng vai trò dẫn dắt, tiên phong trong triển khai các dự án hợp tác công tư (PPP), cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử được đẩy mạnh, Hà Nội cũng “xanh và nhiều hoa hơn” theo đánh giá của người dân, du khách.
Cùng với thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số doanh nghiệp trên đầu dân. Các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đang có mặt tại Hà Nội. Ngoài ra, rất nhiều tập đoàn xuyên quốc gia đang có xu hướng chuyển dịch các cơ quan đại diện từ Singapore, Thái Lan về Việt Nam...
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đánh giá: “Sự thân thiện của công chức cấp dưới của Hà Nội lại chưa được các doanh nghiệp đánh giá cao. Cho nên cần tạo sức ép cải cách và tạo tinh thần phục vụ doanh nghiệp từ các lãnh đạo cao nhất của thành phố xuống đến cán bộ, công chức cấp sở, ban, ngành thì đang làm nhiệm vụ rất quan trọng”.
“Tôi cũng đề nghị Hà Nội nghiên cứu có thể triển khai xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện, sở, ban, ngành tạo áp lực cải cách từ thành phố xuống các quận, huyện, đến từng cán bộ, công chức để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn”, ông Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến.
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sau đại dịch thành phố sẽ có những cải cách thủ tục hành chính vượt trội nhằm tạo đà vực dậy cho doanh nghiệp phục hồi. Đồng thời mong muốn tiếng nói giữa doanh nghiệp và lãnh đạo thành phố sẽ có điểm chung để phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố, sắp tới Hà Nội cần có các chương trình hành động thiết thực và cụ thể hiệu quả hơn nữa. Hà Nội hiện có 286.000 doanh nghiệp số lượng doanh nghiệp rất đông đứng thứ 2 cả nước. Do đó, việc rà soát, kiểm tra, đánh giá các thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh nâng từ cấp độ 3 lên cấp độ 4 là rất cần thiết.
‘Tôi mong muốn tiếp tục cắt giảm càng nhiều hơn nữa các điều kiện kinh doanh các thủ tục hành chính, thái độ của công chức và viên chức cần được cải thiện rõ nét nhiều hơn nữa. Một phần nữa tôi kỳ vọng hơn nữa đó là minh bạch và công bằng trong việc phục vụ đối với người dân và doanh nghiệp’, ông Quốc Anh nói.
Còn ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội cho rằng, chính quyền thành phố quan tâm hơn nữa vào lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ để các doanh nghiệp tham gia ngày càng sâu vào vào chuỗi liên kết giá trị toàn cầu.
“Chúng tôi rất kỳ vọng các quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp. Để từ đó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu sẵn sàng cung ứng các linh phụ kiện cho các tập đoàn lớn. Đó là những bước để có cơ hội hết sức lớn cũng như là để chúng ta thu hút đầu tư FDI nước ngoài vào Việt Nam cũng như thủ đô Hà Nội tới đây”, ông Vân cho hay.
Quyết tâm của lãnh đạo thành phố sẽ là địa phương tiên phong đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế trong năm 2020. Theo đó, thành phố sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp căn cơ nhằm tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hà Nội phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chi tiêu kinh tế- xã hội năm 2020, tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ha-noi-tai-khoi-dong-kinh-te-sau-dai-dich-covid19-1072381.vov